Hà Tĩnh hiện có 36 ngàn lao động làm việc tại 54 quốc gia

(Baohatinh.vn) - Chiều 21/1, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH nghe báo cáo tình hình hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005 – 2014.

Giai đoạn 2005 – 2014, Hà Tĩnh đưa được 57.780 người đi XKLĐ tại các thị trường Malayxia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông, Bắc Phi và một số thị trường khác.

Hà Tĩnh hiện có 36 ngàn lao động làm việc tại 54 quốc gia ảnh 1

Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Hoàng Thị Cẩm Tú thông tin một số vấn đề trong thực tế có liên quan đến tình hình XKLĐ

Hiện có 36 ngàn người Hà Tĩnh đang làm việc tại 54 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 20 ngàn người đi theo các hợp đồng lao động, số còn lại là đi du lịch, thăm thân, lao động hết hạn hợp đồng tiếp tục ở lại làm việc.

Theo số liệu tổng hợp, mỗi năm lực lượng lao động này gửi về nước khoảng 110 – 120 triệu USD, tương đương với 2.200 – 2.400 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2005 – 2010, bình quân mỗi năm có 1.870 lao động và giai đoạn 2011 – 2014 có 1.150 lao động được vay vốn từ các ngân hàng đi XKLĐ, với tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng khoảng 39,4 tỷ đồng. 26 quỹ tín dụng trên địa bàn tham gia cho vay vốn đi XKLĐ với tổng nguồn vốn cho vay khoảng 964 tỷ đồng; chỉ riêng năm 2014 đã có 1.276 lao động được vay vốn đi XKLĐ.

Theo số liệu khảo sát sơ bộ, sau khi đi XKLĐ về nước, có 85% số lao động có điều kiện kinh tế từ khá trở lên, xây dựng được nhà cửa khang trang, có tiền tích lũy để phát triển kinh tế gia đình; 13% số lao động có mức sống trung bình khá; 2% còn lại đang gặp khó khăn do bị tai nạn lao động, đau ốm, doanh nghiệp bị phá sản, làm việc không đúng hợp đồng, lương thấp, phải về nước trước thời hạn.

Từ việc đi XKLĐ cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: bố mẹ đi XKLĐ con cái không được chăm sóc và giáo dục đầy đủ, một số gia đình đổ bể hôn nhân, du nhập về địa phương các thói hư tật xấu…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban VHXH cũng đã thông tin thêm một số vấn đề có liên quan đến tình hình XKLĐ, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề như: XKLĐ chui, không thanh lý hợp đồng khi về, tình trạng làm việc và những rủi ro khi làm việc ở nước ngoài, chính quyền không quản lý được các đối tượng khi họ đi – về từ nước ngoài, các hệ lụy từ XKLĐ, chi phí XKLĐ cao hơn rất nhiều so với quy định…

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast