Tết của những người gác rừng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Khi nhà nhà quây quần bên nhau đón tết cổ truyền sau một năm miệt mài mưu sinh thì những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng Hà Tĩnh lại ngược núi giữ rừng. Vất vả, gian nan nhưng cũng thật tự hào khi được làm người lính gác rừng vào thời khắc giao thừa giữa đại ngàn hùng vỹ.

Tết của những người gác rừng ở Hà Tĩnh

Lực lượng chức năng huyện Hương Sơn lội suối tuần tra rừng những ngày giáp Tết Kỷ Hợi.

Chuyện những người ăn Tết… giữa rừng!

Nước Lạnh, Đường Tám, Rào Àn, Núi Nham, Sơn Thượng, Hoa Lạc, Sông Tiêm… những địa danh luôn gắn liền với tên trạm, tên chốt bảo vệ rừng (BVR), thuộc lâm phần của các chủ rừng trên địa bàn Hà Tĩnh, chỉ nghe thôi cũng đã cảm được cái gian nan, hiểm nguy ẩn chứa của chốn thâm sơn, cùng cốc!

Vậy mà Phan Quang Dũng (Trưởng Trạm Đường Tám, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Ngàn Phố, huyện Hương Sơn và những đồng đội nơi đây vẫn ngày đêm canh giữ, sẵn sàng đối diện với gian lao, nguy hiểm. Kể cả khi phút giao thừa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 chỉ còn tính bằng giờ, thì các anh vẫn chân mang dép rỏ, vai quẩy bao lô... lội suối, trèo đèo thực hiện chuyến tuần rừng.

Tết của những người gác rừng ở Hà Tĩnh

Trạm BVR Núi Nham, thuộc BQL RPH Sông Ngàn Phố (Hương Sơn) trên đường tuân tra, BVR những ngày giáp Tết Kỷ Hợi.

Dũng kể: "Tôi quê miền biển (huyện Lộc Hà) nhưng duyên lại gắn với rừng. 23 năm làm lâm nghiệp thì cũng từng ấy năm ăn tết ở rừng. Cả năm ở với rừng, gian nan, vất vả, không ít lần đổ cả máu vì rừng, vậy mà Tết cũng chẳng xa rừng được… Lắm lúc tủi thân, nhưng nhìn lại, đâu chỉ riêng mình. “Nghề” giữ rừng gian nan lắm nhưng quen rồi! Ngày, đêm, lễ, tết chẳng lúc nào lơi. Anh em thay nhau trực, gác, tuần rừng; nhắc nhở nhau cố gắng để rừng thêm tươi tốt…".

Lê Trọng Minh – người cùng trạm với Dũng, tiếp lời: "Những năm đầu trực tết, buồn ghê lắm. Sau những chuyến tuần tra, khi về đến trạm, trại heo hút, vắng lặng giữa rừng sâu, điện không có, mạng không có, nỗi nhớ tết, nhớ vợ con, người thân càng cồn cào, chất chứa... Qua Tết “lao” về nhà, vợ làm mặt giận nhưng giờ thì chính vợ con lại rất thông cảm, sẻ chia, biết rằng bố làm nghề BVR nên Tết gác rừng là "nghiệp"...".

Tết của những người gác rừng ở Hà Tĩnh

Bữa tối được nhen lên giữa chiều muộn

“Cách đây mấy năm, giữa đêm giao thừa, một số người dân địa phương kéo đến vây trạm, đòi trả số gỗ khai thác trái phép bị tịch thu, nếu không thì “xử” tất… 3-4 anh em bị vây giữa đám người tay dao, tay rựa... Nhưng quen rồi, anh em một mặt ra gặp dân, lựa lời giải thích, tuyên truyền, mặt khác báo cho chính quyền địa phương, đơn vị để tăng cường lực lượng. Thế là giải quyết êm xuôi” - Trưởng BQL RPH Sông Ngàn Phố Nguyễn Hữu An nói về “chuyện thường ngày” ở trạm.

“Sang” thay đón Tết giữa đại ngàn!

BVR luôn là nhiệm vụ khó khăn. Những gian lao, vất vả lại càng nhân lên trong dịp Tết bởi thời tiết thất thường và thời điểm kẻ xấu thường lợi dụng để khai thác rừng trái phép.

Tết của những người gác rừng ở Hà Tĩnh

Lực lượng liên ngành BVR giáp ranh ăn trưa tại Trạm BVR Nước Lạnh (BQL RPH) Sông Ngàn Phố, trong dịp Tết Kỷ Hợi.

16h20" chiều 30 Tết Kỷ Hợi 2019, gọi điện thoại cho Phan Quang Dũng, dù tiếng được, tiếng mất do sóng nơi rừng sâu khá yếu, tôi cũng nắm được là mấy anh em ở trạm vừa đi tuần tra rừng về, đang chuẩn bị vớt bánh chưng để chuẩn bị cúng giao thừa. “Nói chung, anh em có đủ kẹo, bánh chưng, thịt lợn… và cả rượu nữa. Vất vả cả năm rồi, đến phút giao thừa cũng cố gắng tối đa để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa tổ chức đón tết cho anh em. Vui xuân, đón tết giữa rừng không phải ai muốn cũng được đâu. Anh thấy lính gác rừng có "sang" không?”.

Ừ, sang thật vì cứ như Dũng tả, ngoài gian nan, vất vả đã quen, những chiến sỹ BVR dịp tết còn thỏa sức chọn hoa rừng; dư nước suối trong tắm giặt; thừa tĩnh lặng, mênh mang giữa không gian ngập tràn sắc xuân giữa đại ngàn.

Tết của những người gác rừng ở Hà Tĩnh

Lán trại dã chiến chỉ tấm bạt và mấy cây tre cùng tăng võng là nơi nghỉ giữa rừng của lực lượng BVR.

Được biết, để hoàn thành nhiệm vụ BVR trong dịp Tết Kỷ Hợi, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, các chủ rừng trong tỉnh đều tăng cường sự phối hợp trong tuần tra, chốt chặn và không quên chăm lo tinh thần lẫn vật chất cho anh em vui tết, đón xuân tại các trạm, trại...

Chuyện những người giữ rừng nghe không ít gian lao nhưng cũng thật tự hào. Mưa thuận, gió hòa và đại ngàn bình an là lời cầu chúc đầu xuân của những người giữ rừng Hà Tĩnh.

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast