Ngoài bỏ ra số tiền lớn và đất ở, ông còn động viên người dân trong xóm làm được con đường dài 400 mét.
Trong suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, đó phải là một triệu phú hoặc chí ít cũng là hộ giàu có ở vùng quê nghèo Thạch Văn. Nhưng khi đến thăm gia đình ông, chúng tôi thực sự bất ngờ, bởi ông cũng bình dị như bao người khác.
Tiếp chúng tôi với bát nước chè xanh, nấn ná một lúc, “lão” mới nói về cuộc đời mình: “Sinh ra ở vùng bãi ngang của huyện Thạch Hà, lớn lên, tôi vào quân ngũ. Trở về quê hương, mang trên mình di chứng của chiến tranh (thương binh hạng 4/4)”...
Về quê lập nghiệp với hai bàn tay trắng, thấy bà con trong thôn tham gia các mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ khá đông, ông bàn với vợ gom góp tiền mua máy nghiền thức ăn gia súc. Khoản tiền nhỏ tích lũy từ dịch vụ này đã giúp gia đình tự tin vay thêm vốn mua máy tuốt lúa và máy xay xát để phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng.
Lão nông có tư duy nhạy bén này chính là người đi đầu trong toàn xã về việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp khi dám bỏ tiền sắm máy gặt đập liên hợp. Kinh tế phát triển, ông có điều kiện đầu tư cho các con đi học ở những ngôi trường có tiếng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông cũng thường xuyên giúp đỡ những hộ dân trong thôn phát triển kinh tế gia đình.
Gần đây, cùng cán bộ, nhân dân trong xóm, trong xã xây dựng NTM, ông Ánh suy nghĩ: muốn phát triển kinh tế, đầu tiên phải có hệ thống giao thông thuận lợi. Thế nhưng, con đường dẫn vào làng còn quá hẹp, được đắp bằng đất, mùa mưa đi lại lầy lội, xe lớn không thể vào làng. Ông báo cáo với chính quyền địa phương rồi bỏ ra 70 triệu đồng, hiến luôn 30 m2 đất ở và cùng cán bộ thôn huy động nhân công đắp con đường dài 400m, rộng 6m.
Người dân xóm Bắc Văn luôn coi ông là tấm gương để cùng nhau xây dựng NTM
“Mặc mọi người dị nghị về việc làm “không giống ai”, tôi đang chờ chính quyền hỗ trợ xi măng, rồi sẽ đầu tư thêm 100 triệu đồng để làm con đường này bằng bê tông kiên cố, theo quy chuẩn NTM, cho người dân nơi đây đỡ vất vả và thuận lợi trong phát triển kinh tế” - ông Ánh chia sẻ.
Luôn ủng hộ những việc làm của chồng, bà Dương Thị Cảnh (SN 1957) thường xuyên vận động các con theo gương bố - biết sống vì bà con làng xóm, vì cộng đồng. Năm 2015, con gái đầu là Nguyễn Thị Minh đã trao tặng Trường THCS Văn Trị 25 triệu đồng mua sắm trang thiết bị; trao cho thôn 20 triệu đồng tiền mặt và hơn 100 kg gạo để giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Nói về tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng NTM của thôn, bà Nguyễn Thị Phùng - Trưởng thôn Bắc Văn cho biết: “Con đường vào thôn trước đây lầy lội, nhỏ hẹp, rất khó đi lại, nay được gia đình bác Ánh bỏ tiền đầu tư nâng cấp, mở rộng nên việc đi lại dễ dàng hơn rất nhiều. Chúng tôi rất biết ơn tấm lòng gia đình và luôn nêu gương sáng của bác Ánh để các hộ khác trong thôn học tập”.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu