Lão nông ở Nghi Xuân chia sẻ bí quyết làm giàu từ nuôi dê Boer

(Baohatinh.vn) - Mô hình nuôi dê Boer của ông Hồ Viết Hùng (xã Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được xem là lớn nhất huyện.

Ông Hồ Viết Hùng (SN 1962, thôn Gia Phú, xã Xuân Viên) đang sở hữu hàng chục con dê lai sinh sản giống Boer. Ông Hùng chia sẻ, sau khi nghỉ làm bảo vệ tại một trường học trên địa bàn, ông về nhà sản xuất nông nghiệp nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống của gia đình.

Sau bao đêm trăn trở, ông quyết định chuyển sang nuôi dê Boer để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ý tưởng bị nhiều người bàn lui vì ông chưa nắm được kỹ thuật chăn nuôi dê. Trong khi đó, khí hậu ở vùng đồng bằng khó thích nghi, đàn dê dễ sinh bệnh.. “Tôi nghĩ việc gì mình tâm huyết, quyết tâm chắc sẽ thành công nên vẫn quyết định thử sức” – ông Hùng bày tỏ.

Sau khi tìm hiểu, năm 2021, ông đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi dê. Với diện tích gần 300 m2 ông “quy hoạch” thành 3 dãy chuồng, mỗi dãy có quy mô từ 20 – 30 con được thiết kế thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng, sàn cách mặt đất khoảng 80 cm vì loài dê không ưa độ ẩm cao, nhất là mưa phùn dê rất dễ ốm.

Sau đó ông “khăn gói” ngược ngàn lên huyện Hương Sơn tham quan, tìm hiểu và bỏ ra số tiền gần 50 triệu đồng mua 40 con dê giống Boer về nuôi thử nghiệm. Đây là giống dê có nguồn gốc ở Nam Phi dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, tăng trọng nhanh.

Những con dê giống được ông lựa chọn kỹ, khỏe mạnh, nhanh nhẹn có trọng lượng bình quân từ 13 – 15 kg. “Khi bắt tay vào làm, tôi mới thực sự gặp khó khăn. Thời gian đầu, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc nên đàn dê phát triển chậm, hay bị bệnh, một số bị chết " – ông Hùng bày tỏ.

Không nản chí, ông Hùng dành nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở chăn nuôi dê Boer quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Sau đó, đàn dê được ông chuyển sang nuôi theo hình thức bán chăn thả. Buổi sáng, dê được chăm sóc trong chuồng, đến chiều thì cho ăn ngoài cánh đồng cỏ.

Tận dụng diện tích đất vườn, ông còn đầu tư trồng hơn 3 sào cỏ voi và 7 sào ngô ngoài đồng để làm thức ăn cho dê.

Sau hơn 5 tháng thuần dưỡng, chăm sóc, vỗ béo, đàn dê thương phẩm đạt trọng lượng từ 35 - 40 kg/con. Số lượng dê trên được ông liên kết với cơ sở cung cấp con giống để tiêu thụ. Mỗi năm ông nuôi 2 lứa dê thương phẩm, mỗi lứa xuất chuồng từ 30 – 40 con, với giá 120 nghìn đồng/kg, trừ chi phí ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Thức ăn chủ yếu của dê Boer là các loại lá cây và cả phế phụ phẩm nông nghiệp. Mỗi ngày ông cho dê ăn 3 lần, điều quan trọng nhất là thức ăn phải khô và sạch thì vật nuôi mới phát triển nhanh và ít bệnh.

Sau 2 năm nuôi dê thương phẩm, ông đổi hướng sang nuôi dê Boer sinh sản. Ông Hùng cho biết, nuôi dê Boer sinh sản mang lại thu nhập cao hơn so với nuôi dê thương phẩm. Trung bình, trong 2 năm dê sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con.

Hiện tại sản phẩm thịt dê đang được thị trường ưa chuộng nên không lo đầu ra. Trong quá trình nuôi, tôi sẽ lựa chọn những con khỏe mạnh để nhân giống, tăng đàn. Những con không đảm bảo chất lượng sẽ tách ra nuôi vỗ béo bán thương phẩm, cung cấp cho các nhà hàng trong và ngoài huyện” – ông Hùng cho hay.

Mô hình nuôi dê Boer của gia đình ông Hồ Viết Hùng đã mang lại hiệu quả thiết thực, mở ra hướng chăn nuôi mới. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức cho người dân tham quan, học hỏi, đồng thời khuyến khích nhân rộng mô hình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Ông Phan Xuân Thủy
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Viên

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói