Mỗi khi hoàn thành các bài học trên lớp, em Nguyễn Ngọc Gia Hân (lớp 4B, Trường Tiểu học Ngọc Sơn, Thạch Hà) lại tranh thủ thời gian cùng tập hát ví, giặm với cô giáo Trần Thị Lệ Mỹ - Tổng phụ trách Đội.
Gia Hân chia sẻ: “Từ khi còn thơ bé, em đã được nghe mẹ ru bằng những câu hát ví, giặm ngọt ngào. Lớn lên, khi tới trường, em được cô Lệ Mỹ phát hiện khả năng và được tham gia vào CLB dân ca ví, giặm của trường. Với sự hướng dẫn tận tình của cô giáo, từ những câu hát mộc mạc ban đầu, bây giờ, em đã có thể hát nhiều ca khúc với kỹ thuật cao hơn. Cô Lệ Mỹ và nhà trường cũng tạo điều kiện cho em tham gia các chương trình văn nghệ, các cuộc thi hát dân ca để trau dồi năng khiếu”.
Từ sân khấu của trường học, Gia Hân dần tự tin, mạnh dạn hơn khi đứng trên những sân khấu lớn. Em thường xuyên tham gia biểu diễn ví, giặm tại các chương trình của huyện, tỉnh. Năm 2023, tại Liên hoan Dân ca ví, giặm toàn tỉnh, Gia Hân là thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia biểu diễn.
“Lần đầu tiên đứng trên sân khấu của Liên hoan Dân ca ví, giặm toàn tỉnh, em đã nhận được nhiều cái vỗ tay ủng hộ, động viên, khích lệ của khán giả, khiến em rất vui và tự tin hơn nhiều. Sau buổi biểu diễn, em tự nhủ sẽ chăm chỉ luyện hát ví, giặm nhiều hơn để không phụ sự kỳ vọng của mọi người ”, Gia Hân nhớ lại.
Còn tại CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), dù là các thành viên nhỏ tuổi nhất nhưng em Ngô Ngọc Hà - học sinh lớp 2B và em Phạm Tuấn Khang - học sinh lớp 1B (Trường Tiểu học Cẩm Mỹ) đã có thể tự tin biểu diễn các làn điệu dân ca ví, giặm. Các em được Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Vũ Thị Thanh Minh - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ phát hiện và bồi dưỡng từ lúc còn nhỏ.
Đến nay, dù Ngọc Hà vừa lên 7 tuổi, Tuấn Khang vừa tròn 6 tuổi nhưng các em đã dần quen với cách hát, cách luyến láy, nhả chữ… Mỗi khi tập hát và tham gia biểu diễn, các em đều rất nghiêm túc, cố gắng thực hiện theo sự chỉ dạy của NNND Vũ Thị Thanh Minh và các cô bác, anh chị.
Em Ngô Ngọc Hà chia sẻ: “Em được bà Thanh Minh chỉ dạy hát dân ca ví, giặm từ nhỏ. Mỗi khi cùng bà tập hát, em rất vui và càng thích được học hát. Em ước mơ sau này sẽ trở thành một ca sĩ hát ví, giặm chuyên nghiệp như bà và các cô bác, anh chị đi trước”.
Đồng hành cùng Ngọc Hà, Tuấn Khang từ những câu hát đầu tiên cho đến khi các cháu đã tự tin biểu diễn trên sân khấu, NNND Vũ Thị Thanh Minh không giấu nổi niềm tự hào: “Thấy những mầm non yêu thích, nghiêm túc với việc tập và biểu diễn ví, giặm, tôi rất vui. Dù còn chặng đường dài phía trước nhưng tôi tin rằng, các cháu sẽ vững vàng theo đuổi đam mê hát ví, giặm, từ đó góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Còn với Phan Xuân Dũng (lớp 8A, Trường THCS Thành Mỹ, Nghi Xuân), hát ví, giặm đã là niềm đam mê và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của em. Qua những câu hò, điệu ví, Xuân Dũng không chỉ được thỏa niềm đam mê ca hát mà em còn được học những bài học về cách ứng xử, tình yêu thương…
Được biết, Xuân Dũng đã sớm tham gia hát ví giặm từ lúc còn học lớp 1. Hiện nay, em đang là thành viên của CLB Dân ca ví giặm Trường THCS Thành Mỹ. Với chất giọng tốt, khả năng biểu diễn tự tin trên sân khấu, em thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ do nhà trường và địa phương tổ chức.
Xuân Dũng chia sẻ: “Khi biểu diễn ví giặm, em không chỉ được hát mà còn hiểu rõ hơn về cuộc sống, con người và phong tục tập quán của quê hương. Từ đó, em hiểu rằng, bản thân cần nỗ lực nhiều hơn để góp sức gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc”.
Cùng với việc nỗ lực học tập, nhiều em nhỏ tại các CLB dân ca ví giặm ở Hà Tĩnh đang say sưa luyện hát ví, giặm mỗi ngày. Giọng hát trong trẻo, hồn nhiên của các em đã chạm đến trái tim của nhiều người, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước.
Để những làn điệu ví, giặm mãi vang xa, để các em nhỏ thêm yêu những câu hát ví, giặm ngọt ngào, việc tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được tiếp cận và trau dồi kỹ năng hát là điều hết sức quan trọng. Theo đó, các CLB dân ca ví, giặm cần có thêm những hoạt động giao lưu, học hỏi để thế hệ trẻ được tiếp thu kinh nghiệm quý báu từ những nghệ nhân gạo cội. Bên cạnh đó, việc đầu tư biên soạn giáo trình, tài liệu học tập về dân ca ví giặm phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi là điều cần thiết. Đặc biệt, sự đồng hành, tạo điều kiện của nhà trường, gia đình sẽ là động lực để các em theo đuổi đam mê hát ví, giặm…
Chỉ khi có sự chung tay của cộng đồng mới có thể bảo tồn và phát huy được những giá trị quý báu của dân ca ví, giặm, đồng thời nuôi dưỡng những tài năng trẻ cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc.