Về “thủ phủ” trồng đào phai ở thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm ai cũng nhắc về ông Hoàng Đình Tải – một người tuổi cao, sức yếu (mắc bệnh ung thư gan) nhưng vẫn luôn lạc quan, mạnh dạn tìm hướng đi mới, quyết tâm làm giàu từ trồng cây mai vàng.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn mai vàng, ông Tải cho biết: “Qua tìm hiểu trên báo, đài, tôi nhận thấy cây mai vàng có thể trồng trên đất pha cát. Hoa mai tượng trưng cho sức sống tràn đầy trong ngày xuân nên có giá trị kinh tế rất cao, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.”
“Không đắn đo, tôi quyết định vay mượn cùng số tiền tích góp được bấy lâu bỏ ra 150 triệu đồng đặt mua 600 gốc mai vàng ở Bình Định về trồng. Sau gần 1 năm chăm sóc, cây mai sinh trưởng tốt, nhiều gốc đã bắt đầu cho nụ ” – ông Tải phấn khởi cho hay.
Những cây mai được ông Tải trồng xen kẽ với những cây đào phai.
Theo ông Tải, lúc mới đưa cây mai về trồng trên vùng đất này cũng lo lắm, bởi không biết có phù hợp với thổ nhưỡng, nhất là khí hậu, thời tiết ở vùng đất mưa nắng thất thường… Đặc biệt là khi ông còn thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Song, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, sử dụng phân hữu cơ nên cây mai phát triển bền vững, tạo nhiều nụ hoa.
Gia đình ông thường xuyên dọn cỏ, bón đất, tỉa cành, đồng thời phòng trừ các loại sâu bệnh nên vườn mai của ông luôn tươi tốt.
Hàng ngày, ông Tải đều dành thời gian ra vườn theo dõi cây mai phát triển để từ đó phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, đồng thời có biện pháp chăm sóc phù hợp. Hiện vườn mai của ông có khoảng hơn 100 gốc đã cho nụ có thể nở vào dịp tết Nguyên đán năm 2023.
“Những cây mai này cũng có nhiều người vào xem và muốn đặt mua với giá 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/gốc nhưng hiện tại tôi chưa có ý định bán, vì đang muốn chăm sóc thêm cho cây lớn, đồng thời tạo thế cho cây mai để mang lại giá trị kinh tế cao hơn”, ông Tải chia sẻ.
Không chỉ là người tiên phong đưa mai về trồng trên vùng đất này, ông Hoàng Đình Tải còn nổi tiếng là người có thâm niên trồng đào phai ở xã Cổ Đạm. Trước đây, trong vườn ông lúc nào cũng có từ 300 - 350 gốc đào phai, thu nhập hàng năm từ 80 – 150 triệu đồng.
Bây giờ ông dành một phần đất để trồng mai vàng nên vườn đào phai số lượng ít hơn so với trước. Hiện trong vườn gia đình ông đang có hơn 130 gốc đào phai và sẽ cho thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán này.
Việc tiên phong đưa cây mai vàng về trồng trên đất đào phai của ông Hoàng Đình Tải ở thôn Xuân Sơn thật đáng khích lệ, là bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là chủ trương của chính quyền địa phương luôn khuyến khích các hộ dân mạnh dạn tìm hướng đi mới, nhất là đa dạng hóa các loại hoa, cây cảnh phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu.