Lên phương án bảo vệ rừng ở "chảo lửa" Hương Khê

(Baohatinh.vn) - Là khu vực có khí hậu nắng nóng nhất cả nước nên các lực lượng ở Hương Khê (Hà Tĩnh) đang gấp rút xây dựng phương án để ngăn “giặc lửa”, bảo vệ rừng.

bqbht_br_dsc-3392-copy.jpg
Bước vào mùa nắng nóng, công tác thông tin, tuyên truyền được lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng, chính quyền tập trung cao.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê được giao quản lý, bảo vệ 38 tiểu khu với hơn 31.026 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có nhiều diện tích rừng dễ cháy như: tiểu khu 245, 257, 258 (thuộc xã Hương Trạch), tiểu khu 237 (xã Phúc Trạch), tiểu khu 210, 227 (xã Lộc Yên), tiểu khu 196 (xã Hương Giang), tiểu khu 269 (xã Hương Lâm) và một số khu vực gần khu dân cư, giáp ranh khác.

Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa nắng nóng sắp tới, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê đang gấp rút triển khai các phần việc quan trọng trên tinh thần phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đảm bảo “4 tại chỗ”; thống nhất trong chỉ huy, nhuần nhuyễn trong phối hợp, tuân thủ quy trình khi thực hiện, giảm thiểu tối đa thiệt hại về rừng và đảm bảo an toàn tuyệt đối khi chữa cháy.

bqbht_br_dsc-3340-copy.jpg
Hạt Kiểm lâm Hương Khê đảm bảo đầy đủ các dụng cụ chữa cháy rừng chuyên dụng để sẵn sàng hỗ trợ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê và các chủ rừng khác khi xảy ra cháy.

Ông Hoàng Xuân Tài – Phó Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê thông tin: “Để bảo vệ rừng (BVR) khi mùa nắng nóng đã cận kề, chúng tôi đang tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động, ký cam kết và thành lập 10 tổ xung kích BVR – PCCCR. Đơn vị cũng đã chuẩn bị 6 cưa xăng, 9 máy thổi gió, 55 dao phát, 4 loa cầm tay, 55 đèn pin, 55 bộ trang phục chuyên dụng và tu sửa 18 biển tường, 4 biển cấp dự báo cháy rừng, làm mới 50 biển cấm lửa.

Ban đã bắt đầu thực hiện kế hoạch tuần tra, canh gác lửa rừng để ngăn chặn nguồn lửa, kiểm soát nguồn nhiệt, hạn chế người vào rừng và kịp thời phát hiện khi xảy ra cháy. Ngoài ra, đơn vị cũng đang thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh là xử lý 12 ha thực bì tại tiểu khu 201 thuộc xã Lộc Yên và làm 3 km đường băng cản lửa ở tiểu khu 237 của xã Phúc Trạch”.

bqbht_br_dsc-3409.jpg
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Hương Khê và cán bộ Trạm BVR Rào Rồng (thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê) đánh dấu các khu vực rừng dễ cháy để lên phương án bảo vệ.

Với quyết tâm ngăn chặn “bà hỏa” hiệu quả, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A cũng đang gấp rút vào cuộc, chủ động triển khai các phương án cần thiết để bảo vệ 14.744 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ. Theo đó, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch PCCCR sát thực tiễn, lên “kịch bản” cụ thể tự dập lửa đối với những đám cháy rừng quy mô nhỏ và phối hợp xử lý những vụ cháy có quy mô lớn, phức tạp.

Đặc biệt, công ty tập trung huy động tối đa nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, kinh phí, tăng cường phối hợp với các địa phương, lực lượng biên phòng, quân sự, công an, kiểm lâm để bảo đảm an toàn cho các khu vực rừng dễ cháy nhất tại tiểu khu 243 (xã Hương Vĩnh), 248, 249, 256, 264 (xã Hương Lâm), 241B (xã Hương Xuân)…

Cùng với chủ rừng và các lực lượng khác, các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn cũng đang sẵn sàng hành động, gắn nhiệm vụ bảo vệ biên giới với giữ gìn màu xanh cho những cánh rừng.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bản Giàng thông tin: “Các xã biên phòng do đơn vị quản lý có nhiều diện tích rừng tiềm ẩn nguy cơ cháy và bà con có thói quen xử lý thực bì bằng lửa trong những ngày nắng nóng. Do đó, đơn vị đã bắt đầu trong trạng thái sẵn sàng hành động, nếu xảy ra cháy sẽ huy động toàn lực lượng tham gia với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất. Đơn vị đã thành lập tổ xung kích với 7 cán bộ, chiến sĩ và trang thiết bị để cùng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, Nhân dân tuần tra, canh gác, dập lửa”.

bqbht_br_z6485911662388-5007fa60258652778d6834a63001a0c3-copy.jpg
Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A treo biển "cấm lửa" tại các khu vực rừng dễ cháy để nhắc nhở, cảnh báo người dân.

Hương Khê là một trong những huyện nắng nóng nhất cả nước và có diện tích rừng lớn nhất tỉnh nên việc đảm bảo an toàn cho gần 100.165 ha rừng và đất lâm nghiệp đã được triển khai bài bản, đồng bộ, chủ động. Đến thời điểm này, UBND huyện Hương Khê đã chỉ đạo các xã, thị trấn đánh giá xong công tác BVR – PCCCR năm 2024 và xây dựng phương án, chuẩn bị kinh phí, nhân lực, phương tiện để triển khai nhiệm vụ trong mùa nắng nóng mới.

UBND huyện cũng xây dựng, ban hành kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp BVR - PCCCR năm 2025; trong đó tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các chủ rừng, địa phương, phòng ngành, lực lượng chức năng, cơ quan, đơn vị, người dân để cùng vào cuộc ngăn chặn “giặc lửa” hiệu quả nhất…

bqbht_br_dsc-1746-copy.jpg
Cán bộ Trạm BVR Hòa Hải (thuộc Vườn Quốc gia Vũ Quang) phối hợp lực lượng biên phòng tuần tra biên giới, địa bàn kết hợp canh gác, theo dõi cháy rừng.

Là lực lượng “tuyến đầu”, Hạt Kiểm lâm Hương Khê đang vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, kịp thời, toàn diện. Ông Nguyễn Mạnh Tài – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê cho biết: “Với chức trách và nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện trong việc xây dựng và ban hành phương án BVR – PCCCR có tính khả thi cao, củng cố lực lượng xung kích, thành lập đoàn kiểm tra, đảm bảo sẵn sàng “4 tại chỗ”, xử lý tốt các vấn đề còn vướng mắc…

Chúng tôi cũng đã sẵn sàng nhân lực, phương tiện và phối hợp với các lực lượng chức năng khác triển khai canh gác, tuần tra, kiểm soát, BVR tại gốc, nhất là rừng ở khu vực gần khu dân cư, những vùng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Ngoài ra, hạt còn tăng cường tuyên truyền, ký cam kết trong các trường học, thôn xóm gần rừng để nâng cao ý thức PCCCR cho cộng đồng”.

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá – Nông dân đếm củ tính tiền

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá

Giống tỏi tía trồng ở Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) có vị cay đậm, nhiều tinh dầu nên rất được thị trường ưa chuộng. Vụ sản xuất năm nay, người trồng tỏi có thu nhập trung bình 15 - 20 triệu/sào.