Liên hoan ca trù lần này còn nhằm để bổ sung hồ sơ trình UNESCO đưa ca trù ra khỏi danh mục "Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp"
Nguyễn Công Trứ là một nhà thơ, một vị quan có tài “kinh bang tế thế” nhưng ông đồng thời cũng nổi tiếng là người đam mê với nghệ thuật ca trù. Trong sự phát triển ca trù Cổ Đạm – Nghi Xuân, công lao của Nguyễn Công Trứ được ghi nhận ở phương diện thưởng thức và sáng tác. Chính vì thế, liên hoan lần này quy định, ngoài các tiết mục tự chọn mang phong cách độc đáo của mỗi vùng miền, các đoàn nghệ thuật đều phải biểu diễn 1 tác phẩm do Nguyễn Công Trứ sáng tác.
Hát múa trong không gian cửa quyền là một trong nét độc đáo mà đoàn Hà Tĩnh sẽ đem đến liên hoan (ảnh Hoài Nam)
Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào năm 2009. Từ đó đến nay, các tỉnh thành có loại hình nghệ thuật này đều nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù trong đời sống. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch để đưa ca trù vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Liên hoan lần này, thêm một lần nữa khẳng định sức sống mạnh mẽ của ca trù tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Qua đó, tạo căn cứ để trình UNESCO xem xét đưa loại hình nghệ thuật này ra khỏi danh mục “Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” trong thời gian tới.
Sau tổng duyệt, đoàn Hà Tĩnh vẫn tiếp tục tập luyện nhằm bổ cứu những hạn chế để đem đến liên hoan những phần biểu diễn hoàn hảo nhất (Ảnh: Hoài Nam)
Ông Mai Quốc Quyền, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh, thành viên Ban tổ chức liên hoan cho biết: “Để khẳng định sức sống mạnh mẽ của ca trù, lần này ban tổ chức yêu cầu mỗi đoàn phải tham gia 3/15 thể cách bắt buộc của ca trù. Hiện nay, chúng tôi đã nhận được danh sách các tiết mục dự thi của các đoàn, hứa hẹn đây sẽ là một kỳ liên hoan đặc sắc, đem đến cho khán giả cái nhìn bao quát nhất về loại hình nghệ thuật ca trù, với sự có mặt của nhiều thể cách độc đáo như: Hát múa chúc hỗ, hát mưỡu, hát nói, tứ quý, nhịp ba cung bắc, hát giáo hương, dâng hương, gửi thư, thét nhạc, đào luồn kép vói, hát múa bỏ bộ, ả phiền 36 giọng… Ngoài ra, liên hoan lần này còn hứa hẹn nhiều hấp dẫn ở phần thi tài năng dành cho đào nương, kép đàn và quan viên”.
Ngoài phần thi bắt buộc, liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 còn có phần thi tài năng dành cho kép đàn, ca nương và quan viên
Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị của Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành. Khắp các nẻo đường từ Nghi Xuân trở vào, các pano khổ lớn và băng rôn đã được treo để tuyên truyền cho sự kiện này. Riêng đoàn nghệ thuật ca trù Hà Tĩnh là đơn vị biểu diễn mở màn cho liên hoan, hiện đang tập trung tập luyện.
Chị Trần Thị Cảnh – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Du lịch huyện Nghi Xuân cho biết: “Chương trình biểu diễn của đoàn Hà Tĩnh gồm 8 tiết mục thuộc phần thi bắt buộc và 1 tiết mục thuộc phần thi tài năng. Trong đó, chúng tôi chú trọng đưa không gian cửa quyền – là đặc trưng của ca trù Cổ Đạm vào nhiều tiết mục.
Sau đêm tổng duyệt vào 29/10 vừa qua, 30 diễn viên vẫn tiếp tục tập luyện, bổ sung, chỉnh sửa những hạn chế để có thể hoàn thành tốt phần thi của mình”.
Hệ thống pano khổ lớn đã được treo ở nhiều địa điểm để tuyên truyền cho sự kiện văn hoá đặc sắc này.
Sinh thời, Hy văn tướng công Nguyễn Công Trứ là người nổi tiếng say mê hát ả đào. Ả đào đối với ông không chỉ là thú vui đơn thuần mà còn là nơi để ông thể nghiệm những sáng tác mới của mình nhằm tiến tới hoàn chỉnh một thể loại – hát nói. Đây cũng là “mảnh đất” ông thể hiện được nhiều nhất tài năng thơ phú và bộc bạch được nhiều nhất bản chất ngang tàng, phóng túng của mình.
Theo ghi nhận của Giáo sư Lê Thước (Viện Bảo tàng Việt Nam) trong cuốn "Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ" thì hiện còn 63 bài hát nói được sao chép lại. Liên hoan ca trù lần này với quy định bắt buộc các đoàn phải biểu diễn 1 bài của Nguyễn Công Trứ cũng là cách để hậu thế nhìn lại những đóng góp độc đáo của ông đối với loại hình nghệ thuật đặc sắc này.