Bộ này cho biết trong các tháng đầu năm, tình hình cung cấp điện được đảm bảo. Tuy nhiên, nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6, hệ thống điện miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải cắt điện luân phiên.
Tình trạng nêu trên, nguyên nhân khách quan do tình hình thời tiết cực đoan, khô hạn kéo dài, nguồn thủy văn không thuận lợi... Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan đến từ việc chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố nhà máy; bị động trong việc chuẩn bị than cho sản xuất điện; điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện.
Sau nhiều giải pháp, kể từ ngày 23/6, tình hình cung ứng điện mới được đảm bảo. Các nguồn điện đã duy trì và tăng lượng sản xuất; nguồn nước thủy điện được cải thiện; sự cố các tổ máy giảm dần; không còn tình trạng thiếu than cho sản xuất điện.
“Trên cơ sở tính toán, cân đối điện năng, công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân”, Bộ Công thương nhận định.
Việc thiếu điện, phải cắt điện luân phiên có thể vẫn còn xảy ra trong năm 2024 (Ảnh: EVN).
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở (8,96%); 2 phương án lưu lượng nước về là bình thường (tần suất nước về 65%) hoặc cực đoan (tần suất nước về 90%).
Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong các ngày nắng nóng.
Để đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế năm 2024, về đầu tư xây dựng , Bộ Công Thương yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái; đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện, đặc biệt là đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối; đẩy nhanh tiến độ các dự án nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào.
Bộ Công thương cho biết sẽ chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan sớm xây dựng khung giá điện cho các dự án nhập khẩu từ Lào.
Về giải pháp vận hành hệ thống điện, Bộ Công thương yêu cầu các tập đoàn gồm EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, khẩn trương khắc phục sự cố và đưa vào vận hành và duy trì vận hành ổn định các nhà máy nhiệt điện.
Song song với đó, Bộ sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp tiết kiệm điện; triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi kế hoạch này được phê duyệt...