Mênh mông đồi chè Tây Sơn

(Baohatinh.vn) - Tôi ngỡ mình như lạc vào một thế giới cổ tích trước những đồi chè xanh hút tầm mắt, lượn sóng nhấp nhô theo hình xoáy trôn ốc ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Mênh mông đồi chè Tây Sơn

Cây chè Hương Sơn hiện được trồng mở rộng trên địa bàn nhiều xã với hơn 90 ha.

Đầu đông, một chút gió hanh hao lướt nhẹ trên cánh đồng chè đưa tôi về với ký ức xưa.

Nhớ lại buổi “khai sơn, phá thạch”, ngày 11/9/1959, những chàng trai, cô gái từ bao miền quê lên đây lập nghiệp đến nay đã 64 năm. Hình bóng họ đã khắc lên cây, in trên lá theo dòng chảy của thời gian. Cây chè Tây Sơn không phụ công người mở đất, gieo hạt giống đầu tiên. Thời bao cấp, Nông trường Chè Tây Sơn (xã Sơn Kim 2, Hương Sơn) làm ăn theo quy mô nhỏ, tuy có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng lại thiếu cơ giới phục vụ cho việc khai khẩn đất hoang, khi thu hái về thiếu máy móc chế biến nguyên liệu. Trong chiến tranh bom rơi đạn lạc, người công nhân vẫn ngày hai buổi bám trụ đồi chè. Sau khi đất nước thống nhất, tình hình kinh tế cả nước khó khăn, diện tích khai mở ít, sản lượng thấp, chất lượng chè chưa cao.

Mênh mông đồi chè Tây Sơn

Nông trường Chè Tây Sơn thực hiện thí điểm “khoán vườn cây” là sự “đột phá” để phát huy năng lực con người, tiềm năng đất đai.

Năm 1986, Nông trường Chè Tây Sơn thực hiện cơ chế tự chủ, khoán sản phẩm cuối cùng tới người lao động, sản lượng chè búp tươi tăng dần theo biểu đồ của sức sản xuất. Sản lượng chè búp tươi thu hái năm 1987 đạt 712 tấn, tăng hơn 200 tấn so với năm 1975. Tuy vậy, vào thời điểm năm 1990-1992, thiếu vốn, thiếu vật tư, thiếu máy móc thiết bị chế biến công nghệ cao, đầu ra thị trường không ổn định, giá cả bấp bênh, sản lượng chè thời điểm này “tụt dốc” xuống 210 tấn, tiêu thụ rất khó khăn. Không ít gia đình định phá dỡ đất trồng chè để trồng cây khác thay thế.

Trước tình hình đó, Nông trường Chè Tây Sơn thực hiện thí điểm “khoán vườn cây” thực chất là “bán vườn chè”, trao quyền tự chủ cho người lao động. Đây chính là sự “đột phá” để phát huy năng lực con người, tiềm năng đất đai.

Một vận hội mới thúc đẩy khi năm 1992, Nhà nước mở hướng phát triển kinh tế vùng đồi bằng Quyết định 327-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc. Mặt khác, Nhà nước mạnh dạn cải tổ lại các doanh nghiệp SXKD chè hiện có, tinh gọn bộ máy và phương thức quản lý điều hành. Thời điểm này Nông trường Chè Tây Sơn được đổi tên thành Xí nghiệp Chè Tây Sơn. Mọi hoạt động SXKD trực thuộc sự điều hành của Công ty Đầu tư và Phát triển Chè Hà Tĩnh. Giá chè được điều chỉnh, đầu ra được công ty bao tiêu sản phẩm, tạo nên cú hích cho các gia đình yên tâm sản xuất. Từ năm 1997-2002, đơn vị đã trồng được gần 48 ha chè, sản xuất được 2.433 tấn chè búp tươi, chế biến được hơn 446 tấn chè thành phẩm.

Sau khi cổ phần hóa, để gắn trách nhiệm sản xuất và kinh doanh, Công ty Đầu tư và Phát triển Chè Hà Tĩnh phát triển vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường. Xí nghiệp Chè Tây Sơn tập trung vào trồng chè, đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mênh mông đồi chè Tây Sơn

Niềm vui của người trồng chè Hương Sơn.

Trong chuyến đi thực tế lần này, tôi đã có dịp gặp lại anh Nguyễn Hồng Sánh - Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn. Anh Sánh khẳng định: “Cây chè Tây Sơn tạo được vị thế trên thương trường hôm nay đều có một tiến trình lịch sử, qua sự chuyển giao nhiều thế hệ. Sự vận động đi lên đó chính là nhờ đơn vị biết vận dụng nhuần nhuyễn các cơ chế chính sách vào thực tiễn. Đặc biệt trong 10 năm đổi mới (2010-2019) đơn vị liên kết với bà con nông dân các xã: Sơn Kim, Sơn Tây, Sơn Lâm mở rộng thêm vùng nguyên liệu. Nhờ sự liên kết này, diện tích trồng chè mở rộng hơn 90 ha - một con số kỷ lục”. Dĩ nhiên, khi diện tích trồng chè được “nối vòng tay lớn” thì sản lượng và thu nhập của người làm chè cũng lớn theo. Từ “mốc son” đó, Xí nghiệp chè Tây Sơn tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao sản lượng, chất lượng theo hướng sản xuất chè an toàn. Việc sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế (RA) nhằm đảm bảo sản xuất chè bền vững.

Đang hào hứng với câu chuyện đổi mới từ khâu tổ chức, chế biến theo công nghệ cao, mẫu mã đẹp, tôi hỏi anh Sánh:

- Trong 2 năm cả thế giới gặp đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong SXKD. Vậy sản phẩm chè của đơn vị anh thế nào?

Anh Sánh vui vẻ trả lời:

- Tuy giá sản phẩm có giảm từ 70.000 đồng/kg xuống 65.000 đồng/kg, nhưng mỗi năm đơn vị vẫn xuất khẩu được hơn 1.000 tấn búp khô. Năm 2023 này, giá được điều chỉnh lại cao hơn trước, xí nghiệp đang phấn đấu sẽ xuất khẩu với sản lượng 1.400 tấn chè búp khô. Đây là một sự nỗ lực lớn của Tổng Công ty Chè Việt Nam. Chúng tôi rất biết ơn sự năng động của cấp trên.

Mênh mông đồi chè Tây Sơn

Khi người lao động đã có niềm tin, cánh đồng chè Tây Sơn sẽ còn mãi xanh cùng năm tháng.

Một cán bộ kỹ thuật của đơn vị dẫn tôi và đồng nghiệp đến thăm “3 kiện tướng sản xuất chè” lớn nhất làng chè Tây Sơn: ông Phạm Đình Hương (thôn Hạ Vàng), ông Phan Đình Nhâm (thôn Làng Chè), bà Nguyễn Thị Thúy (thôn Tiền Phong). Các gia đình này đều sản xuất từ 0,8-1 ha, mỗi vụ thu hái đều đạt sản lượng từ 60-70 tạ, doanh thu từ 450-500 triệu đồng.

Tôi tới hộ nào cũng bắt gặp vợ chồng cần mẫn trên cánh đồng chè lớn của mình. Người tỉa búp, người xới cỏ, công việc cứ liền tay, liền chân. Tôi dừng lại khá lâu trên đồng chè gia đình bà Thúy và hỏi:

- Động lực nào giúp gia đình chị dám nhận khoán 1 ha, lại có sản lượng cao đến vậy?

Bà Thúy cười bảo:

- Ở đâu cũng vậy chú à! Sống phải nhờ tập thể mới tồn tại và phát triển được. Động lực lớn nhất khiến tôi an tâm là đầu vào và đầu ra sản phẩm đều có trợ lực của Xí nghiệp Chè Tây Sơn. Gia đình tôi chỉ lo sản xuất và chăm sóc, còn các loại giống, phân bón, thuốc trừ sâu... đều có đơn vị cung ứng kịp thời. Sản phẩm làm ra được xí nghiệp thu gom và chế biến. Chưa bao giờ tôi thấy nghề trồng chè xanh lại thuận lợi như lúc này.

Tôi nghĩ, khi người lao động đã có niềm tin, cánh đồng chè Tây Sơn sẽ còn mãi xanh cùng năm tháng.

Tháng 10/2023

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.