Tờ China Times đưa tin trong chương trình Vấn đề sức khỏe, bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, chuyên khoa Thận, cho biết đã điều trị cho một cô bé mới 12 tuổi bị urê huyết, viêm cầu thận mạn tính.
Tình trạng của bệnh nhi chỉ được phát hiện khi bé bị cảm sốt nặng và được gia đình đưa đi thăm khám. Dù được điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn không tránh được việc phải chạy thận suốt đời.
Theo bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, cô bé 12 tuổi có chế độ ăn uống kém lành mạnh, nhiều dầu mỡ và muối. Sau khi tan học, cô bé thường xuyên đến các quầy bán hàng rong để mua gà rán ăn.
Thói quen này của em đã bắt đầu từ năm lên 8-9 tuổi. Mỗi tuần, cô bé ăn gà rán đến 4-5 lần. Với tần suất nói trên, ước tính cô bé ăn hơn 200 miếng gà rán/năm. Việc tiêu thụ thực phẩm nhiều calo, nhiều muối và dầu trong một thời gian dài khiến thận của cô bé gặp vấn đề.
Theo bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, gà rán phủ bột và chiên giòn có thể chứa trung bình rất nhiều calo, hơn cả việc ăn hai bát cơm trắng. Đặc biệt, trong quá trình chiên rán, nếu dầu nấu ăn không được thay mới, chiên đi chiên lại nhiều lần, có thể sinh ra nhiều chất gây ung thư hoặc kim loại nặng gây hại cho sức khỏe.
Do đó, việc ăn gà rán và món ăn chiên rán ngập dầu thường xuyên không chỉ làm tăng cân mà còn gây hại cho gan, thận, hệ tim mạch, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư.
Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ có tỷ lệ người chạy thận nhân tạo cao nhất thế giới.
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết suy thận có thể được chia thành cấp tính và mạn tính. Suy thận cấp tính có khả năng phục hồi nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ở Đài Loan đều mắc suy thận mạn tính, tức thận đã bị tổn thương nghiêm trọng trong nhiều năm và không còn khả năng phục hồi.