Khi mới mang về nhà, cây sung của bà Trần Thị B. có thế đẹp, tươi mơn mởn và rất sai quả.
Bà Trần Thị B. (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cách đây mấy hôm, khi đi trên đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh), tôi có gặp một người đàn ông bán cây cảnh bên lề đường. Vì thấy cây sung có dáng đẹp, sai quả nên tôi mua về đặt ở phòng khách với giá 400 nghìn đồng.
Nhưng chỉ sang ngày hôm sau, quả bắt đầu thâm đen rồi đồng loạt rụng, mặc dù tôi đã tưới nước đủ ẩm cho cây như lời người bán dặn”.
Nhưng chỉ vài ngày sau, bà B. ngỡ ngàng khi cây rụng không còn một quả nào.
Khi gỡ từng chùm quả ra xem thì bà B. mới “ngã ngửa” biết mình đã ăn “quả lừa” của người bán dạo. Từng chùm quả chi chít không mọc ra tự nhiên từ gốc sung mà được người bán khoét lỗ tinh vi trên thân cây rồi dùng keo dán vào.
“Sau khi tôi mua cây sung, người đàn ông bán dạo cứ nài nỉ tôi mua thêm những loại cây khác vì “vừa đẹp, vừa rẻ, tội gì không mua biếu người thân, bạn bè cô ơi!”. May mà tôi không dại dột nghe theo, không thì giờ ôm cả đống cây bỏ đi” - bà B. bức xúc.
Thân cây được người bán đục lỗ và dùng keo dán cành, ghép quả rất tinh vi.
Trúng “quả lừa” còn “đau” hơn bà B., anh Lê Đình Th. (Lộc Hà - Hà Tĩnh) cho biết: “Cách đây khoảng một tháng, tôi mua hai cây lộc vừng của một người bán rong gần chân cầu Hộ Độ. Dáng cây đẹp, chồi lên mơn mởn nên khi người bán ra giá 1,6 triệu, tôi đồng ý mua. Nhưng được mấy hôm thì lộc héo quắt và cây cũng chết dần. Trở lại chỗ cũ mong gặp người bán thì không còn tung tích”.
Khi nhổ cây ra khỏi chậu xem thì anh Th. mới biết gốc và thân cây được ghép với nhau bằng keo dán. Mối ghép tinh vi, được chôn dưới đất nên dù có soi kỹ thì khi mua anh Th. cũng khó phát hiện ra.
Mua cây cảnh dạo, nhiều người dân ở Hà Tĩnh “ăn quả lừa” khi quả rụng đằng quả, cây tàn đằng cây.
Theo một số người dân, những người bán cây cảnh rong này nói giọng miền Bắc, thường chở cây bằng xe máy. Loại cây cảnh được bày bán khá phong phú, đa dạng như: sanh, si, sung, cau cảnh, lộc vừng… được uốn dáng cổ thụ trồng chậu theo kiểu bonsai của Nhật Bản rất bắt mắt. Các loại cây này có thể đặt trong sân vườn, bày phòng khách, cầu thang...
Những người này rất ít khi bán chỗ cố định mà thường xuyên di chuyển, mỗi nơi chỉ ở một thời gian ngắn rồi “rút êm”, chính vì vậy người mua khi phát hiện bị lừa thì đành chịu.
Người “chơi cây” nên tìm đến những địa chỉ bán cây cảnh uy tín để mua và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tránh mất tiền oan.
Anh Đào Anh Tú - một người chuyên bán cây cảnh ở TP Hà Tĩnh cho biết: “Nhiều khách đến mua cây cảnh ở cửa hàng chúng tôi cũng phản ánh tình trạng mua phải cây giả của người bán rong và hỏi cách chăm sóc để “cứu” cây. Tuy nhiên, hầu hết những cây được cắt ghép, dán cành như vậy phải chấp nhận bỏ đi chứ không sống được".
Anh Tú cũng khuyến cáo người dân, “chơi cây” là một nghệ thuật và nó cần những hiểu biết, kỹ thuật chăm sóc rất công phu, vì vậy, khi có nhu cầu, người dân nên tìm đến các cửa hàng chuyên cây cảnh có uy tín để được tư vấn, hỗ trợ chăm sóc, tránh mất tiền oan, lại rước nỗi bực vào người.