Năm học mới, Nghi Xuân vẫn khó tìm giáo viên tiểu học để ký hợp đồng

(Baohatinh.vn) - Năm học 2020 - 2021, các trường tiểu học ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được ký hợp đồng với 52 giáo viên dạy văn hóa nhưng đến nay, mới có 12 người.

Năm học mới, Nghi Xuân vẫn khó tìm giáo viên tiểu học để ký hợp đồng

Trường Tiểu học Đan Trường chỉ tìm được 1 cô giáo hợp đồng trong khi còn thiếu 4 giáo viên.

2020 - 2021 thực sự là năm học khó khăn đối với 17/17 trường tiểu học trên địa bàn huyện Nghi Xuân, bởi thiếu giáo viên. Trường thiếu ít nhất 1 giáo viên (Tiểu học Xuân Viên), trường thiếu nhiều nhất 5 giáo viên (Tiểu học Xuân Hải).

Trước thực trạng này, ngày 26/8/2020, UBND huyện Nghi Xuân đã cho phép các trường tiểu học hợp đồng 52 giáo viên cho năm học 2020 – 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường vẫn chưa tìm được giáo viên hợp đồng.

Năm học mới, Nghi Xuân vẫn khó tìm giáo viên tiểu học để ký hợp đồng

Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Xuân Hải thiếu đến 3 giáo viên đứng lớp.

Trường Tiểu học Đan Trường được phép hợp đồng với 4 giáo viên nhưng đến nay, mới có 1 cô. Theo cô Trần Thị Thúy Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đan Trường: “Thiếu hẳn 3 giáo viên đứng lớp, học kỳ I năm nay, trường lại có thêm 2 giáo viên sắp nghỉ hưu khiến lãnh đạo nhà trường hết sức lo lắng".

Mặc dù có số lượng học sinh ít (218 học sinh, với 14 lớp) nhưng năm học 2020 – 2021, Trường Tiểu học Xuân Hải thiếu đến 5 giáo viên. Hiện tại, trường mới ký hợp đồng với 2 giáo viên nghỉ hưu.

“Tất cả các trường đều thiếu nên việc tìm kiếm giáo viên hợp đồng trong những ngày đầu năm học mới ở Nghi Xuân là rất khó khăn, nhất là những trường ở khu vực nông thôn” - cô Lê Thị Hồng Xoan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hải chia sẻ.

Năm học mới, Nghi Xuân vẫn khó tìm giáo viên tiểu học để ký hợp đồng

Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Tiên Điền còn thiếu 2 giáo viên.

Thầy Nguyễn Thuận - chuyên viên Phòng GD&ĐT Nghi Xuân cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện mới chỉ ký kết hợp đồng được 12 giáo viên, còn thiếu 40 người. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do số lớp học tại các trường tiểu học tăng thêm 14 lớp (từ 289 lên 303), trong khi có thêm 8 giáo viên nghỉ hưu. Có 7 giáo viên trúng tuyển kỳ thi viên chức năm 2019 do huyện Nghi Xuân tổ chức nhưng không đến nhận công tác nên 17/17 trường tiểu học ở Nghi Xuân đều lâm vào tình trạng thiếu giáo viên.

Trong khi đó, tìm giáo viên khỏa lấp vào chỗ trống gặp rất nhiều khó khăn bởi rất nhiều lý do khác nhau. Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Nghi Xuân Trần Anh Sơn cho biết: “Hơn 10 năm không được tuyển dụng nên số sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm phải tự tìm kiếm các ngành nghề khác. Cũng vì lẽ đó, sinh viên theo học ngành sư phạm những năm sau vắng bóng dần”.

Bên cạnh đó, thu nhập thấp trong khi cơ hội tìm kiếm việc làm khác có mức lương cao hơn cũng khiến nhiều sinh viên sư phạm không đi theo sự lựa chọn ban đầu của mình. Đặc biệt, năm học này còn thêm một số quy định mới khắt khe hơn nên tìm đối tượng dạy tiểu học khó hơn rất nhiều.

Hướng dẫn số 215 ngày 7/9/2020 của Sở Nội vụ Hà Tĩnh về điều kiện hợp đồng giáo viên chỉ cho phép ký kết hợp đồng dưới 12 tháng (trừ thời gian nghỉ hè còn 9 tháng), thay vì không thời hạn như trước đây. Hơn nữa, mức thù lao khống chế ở mức 2,9 triệu đồng/tháng nên không thu hút giáo viên hợp đồng (trước đây, các trường tự nâng mức thù lao 3,5 - 4 triệu đồng).

Năm học mới, Nghi Xuân vẫn khó tìm giáo viên tiểu học để ký hợp đồng

Hiện tại, Trường Tiểu học Xuân Viên thiếu 1 giáo viên.

Không tìm được “đầu vào” để hợp đồng, huyện Nghi Xuân yêu cầu “tăng giờ dạy đối với các giáo viên và cán bộ quản lý". Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế giải quyết phần ngọn của vấn đề. Mặc dù tăng tiết học, giáo viên và cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó) sẽ được hưởng thêm tiền đứng lớp nhưng với giáo viên 23 giờ dạy/tuần cũng đã mệt mỏi nên tăng tiết cũng là “cực chẳng đã”.

Nếu không có giải pháp đồng bộ, lâu dài thì tình trạng thiếu hụt giáo viên ở Nghi Xuân sẽ ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh trong những năm tiếp theo.

Theo thông tin tại hội nghị tổng kết năm học 2019 - 2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức sáng 15/9, trong năm học mới, tỉnh tiếp tục điều động biệt phái từ nơi thừa đến nơi thiếu và có kế hoạch bổ sung thêm hơn 1.000 giáo viên bậc tiểu học, mầm non.

Hy vọng, các trường học trong toàn tỉnh nói chung và Nghi Xuân nói riêng sẽ tháo gỡ được khó khăn để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học.

Chủ đề CHÀO NĂM HỌC MỚI

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.