HTX Nhâm Hằng nằm ngay bên QL 15B, thuộc xóm Cồn Soi, xã Trung Lộc, Can Lộc
Theo giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã được phòng chức năng huyện Can Lộc ký vào ngày 6/10/2016, HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Nhâm Hằng (gọi tắt là HTX Nhâm Hằng, do ông Phan Văn Nhâm làm giám đốc) đăng ký 5 ngành, nghề kinh doanh gồm: chế biến gỗ; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép; sản xuất đồ gỗ xây dựng; sản xuất viên nén mùn cưa; sản xuất than sinh học, than củi.
Kể từ đó đến nay, giấy chứng nhận đăng ký nói trên đã trở thành “cái gậy” duy nhất để HTX này hoạt động chế biến lâm sản.
Nơi tập kết gỗ đầu vào được ông chủ HTX thuê lại đất của một hộ dân, nằm cạnh HTX
Ông Phan Văn Nhâm – Giám đốc HTX Nhâm Hằng thừa nhận: “HTX của tôi nằm ngoài quy hoạch phát triển chế biến lâm sản theo quyết định của UBND tỉnh nên làm thủ tục gì cũng không được. Ngay như việc cam kết bảo vệ môi trường, tôi đã làm nhưng ngành chức năng không chấp nhận, không đồng ý. Hằng năm, đoàn liên ngành vẫn đến kiểm tra, nhắc nhở”.
Công nhân vận chuyển gỗ từ điểm tập kết sang nơi chế biến (đều nằm bên QL 15B)
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc Phạm Thanh Sơn: “Cuối năm 2018, đơn vị tổ chức kiểm tra HTX Nhâm Hằng. HTX có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng lại không có giấy phép chế biến gỗ. Theo quy định, các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn phải nằm trong quy hoạch theo Quyết định số 111-QĐ/UBND ngày 9/1/2013 của UBND tỉnh; tuy nhiên, HTX Nhâm Hằng lại không nằm trong diện này”.
Khu vực chế biến gỗ của HTX
Theo tìm hiểu của PV, HTX này cũng chưa đảm bảo công tác phòng cháy, quy định về an toàn lao động, vấn đề sử dụng đất…
Hiện nay, HTX đang sử dụng gần 3.000m2 đất vườn hộ làm nơi xây dựng xưởng, đặt máy móc, tập kết gỗ đầu vào và gỗ sơ chế. Ngoài ra, HTX còn thuê mặt bằng gần 500m2 của một hộ dân khác ở cạnh đó. Theo thông tin từ Phòng TN&MT huyện Can Lộc, cả 2 thửa đất này đều chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.
Được biết, do số lao động theo hợp đồng của HTX chỉ là dăm bảy người nên thời gian gần đây, HTX này hợp tác với một trại giam trên địa bàn tỉnh để “nhờ” cung cấp nhân lực với khoảng 15 - 20 phạm nhân thường xuyên lao động tại đây.
Một cán bộ quản giáo trông chừng phạm nhân đang lao động tại HTX Nhâm Hằng
Ông Phạm Viết Hội – Chủ tịch UBND xã Trung Lộc cho hay: “HTX Nhâm Hằng có sử dụng phạm nhân để họ được cải tạo, còn các vấn đề liên quan khác, chúng tôi không nắm rõ”.
Gỗ sau khi được sơ chế sẽ được HTX nhập cho một số công ty ở các tỉnh phía Bắc
Mặc dù sai phạm đã được cơ quan chức năng nắm rõ nhưng từ hơn 3 năm nay, HTX của ông Phan Văn Nhâm vẫn thu mua gỗ keo rừng trồng (từ Hương Khê, các xã vùng thượng Can Lộc), sau đó gia công và xuất ra các tỉnh phía Bắc để chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Mỗi tháng, HTX xuất khoảng 100m3 gỗ sơ chế và một số sản phẩm khác...