Ngân hàng Hà Tĩnh - “điểm tựa” cho doanh nghiệp duy trì sản xuất

(Baohatinh.vn) - Tiếp vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, chủ động “gỡ khó” trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng Hà Tĩnh đang tạo “điểm tựa” để doanh nghiệp duy trì ổn định chuỗi hoạt động.

Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Đức Thọ) chuyên sản xuất, xuất khẩu bao bì đi Hàn Quốc, Philipines và Đài Loan. Doanh nghiệp này đã trở thành khách hàng thân thiết của Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh từ những ngày đầu thành lập.

Ngân hàng Hà Tĩnh - “điểm tựa” cho doanh nghiệp duy trì sản xuất

Cán bộ Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh (trái) tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty CP Bao bì Sông La Xanh.

Theo đó, Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh đã “rót” 40 tỷ đồng cho Công ty CP Bao bì Sông La Xanh vay đầu tư xây hạ tầng giai đoạn 1 trên diện tích 1,28 ha. Ngoài ra, trong giai đoạn doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do COVID-19, ngân hàng còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay để tăng vốn lưu động, tiếp tục duy trì ổn định chuỗi sản xuất cũng như đảm bảo chế độ cho người lao động.

Ông Phan Trí Nghĩa - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bao bì Sông La Xanh cho hay: “Đại dịch khiến giá cước vận tải đường biển tăng đột biến, việc nhập nguyên liệu đầu vào nhiều thời điểm bị “nghẽn” đã ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của công ty cũng như đẩy chi phí sản xuất lên cao.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh đã chủ động giảm 1% lãi suất cho vay/năm đối với dư nợ cũ, đồng thời tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Tới đây, ngân hàng này cũng sẽ tài trợ vốn cho công ty để triển khai xây dựng giai đoạn 2 nhà máy sản xuất bao bì (có tổng mức đầu tư 41 tỷ đồng) trên diện tích 1,36 ha”.

Ngân hàng Hà Tĩnh - “điểm tựa” cho doanh nghiệp duy trì sản xuất

Hoạt động khó khăn, Công ty TNHH Đồ gỗ Hoàng Lê Bình (Cụm CN Thái Yên - Đức Thọ) đã được Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh giảm lãi suất vay vốn.

Không riêng Công ty CP Bao bì Sông La Xanh, nhiều doanh nghiệp đang vay vốn hoặc đang có nhu cầu tiếp cận vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh đều được Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh hỗ trợ tối đa.

Ông Võ Hồng Sơn - Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Dư nợ doanh nghiệp của đơn vị hiện đạt 3.100 tỷ đồng với 200 doanh nghiệp. “Gỡ khó” cho doanh nghiệp trước bất lợi mà dịch bệnh COVID-19 gây ra, đơn vị đã chủ động giảm lãi suất đối với 100% khách hàng doanh nghiệp với mức giảm từ 0,5 - 1%/năm. Ngoài ra, chi nhánh chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tạo điều kiện cho vay mới với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm nhằm “san sẻ” gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp”.

Ngân hàng Hà Tĩnh - “điểm tựa” cho doanh nghiệp duy trì sản xuất

Dư nợ doanh nghiệp của VietinBank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh chiếm 55% tổng dư nợ.

VietinBank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cũng thuộc tốp ngân hàng có dư nợ doanh nghiệp lớn tại Hà Tĩnh. Hiện nay, dư nợ doanh nghiệp của chi nhánh chiếm 55% trong tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh thông tin: "Thời gian qua, chi nhánh đã giảm lãi suất vay vốn từ 0,2 - 1%/năm đối với dư nợ khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn vị còn tạo điều kiện cấp vốn gắn với các giải pháp hỗ trợ. Cụ thể, VietinBank đã thiết kế các gói tín dụng riêng cho khách hàng doanh nghiệp như: “Đồng hành cùng doanh nghiệp” với lãi suất cho vay chỉ từ 5,2%/năm; gói tín dụng ưu đãi được triển khai theo quý với lãi suất cho vay chỉ từ 4%/năm đối với khách hàng đủ điều kiện”.

Ngân hàng Hà Tĩnh - “điểm tựa” cho doanh nghiệp duy trì sản xuất

Ngân hàng Chính sách - xã hội Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh giải ngân vốn vay trả lương ngừng việc cho Công ty CP Tư vấn và xây dựng Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh).

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách - xã hội chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cũng đã kịp thời triển khai cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Từ đầu năm lại nay, Trường Mầm non quốc tế Nguyễn Du Plus (thuộc Công ty TNHH Tâm Sinh Lộc ở TP Hà Tĩnh) đã nhiều lần tạm ngừng hoạt động. Với loại hình mầm non tư thục, mọi chi phí dựa vào nguồn thu phụ huynh nên khi chuỗi dạy học bị “đứt gãy” đồng nghĩa nhà trường phải nợ lương, bảo hiểm của người lao động.

Ngân hàng Hà Tĩnh - “điểm tựa” cho doanh nghiệp duy trì sản xuất

Phó Chủ tịch UBND Lê Ngọc Châu kiểm tra công tác dạy học và phòng, chống dịch COVID-19 tại Trường Mầm non quốc tế Nguyễn Du Plus. Ảnh: Nguyễn Oanh.

Bà Nguyễn Bích Thị Hảo - Giám đốc Công ty TNHH Tâm Sinh Lộc phấn khởi: “Trong đại dịch, chúng tôi đã sớm được tiếp cận vốn vay theo chương trình vay trả lương ngừng việc với số tiền 785 triệu đồng, 259 lượt lao động được thụ hưởng. Nhờ vậy, doanh nghiệp có nguồn để trả lương cho giáo viên các tháng 5,6,7/2021, giúp họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài”.

Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 tác động xấu tới nền kinh tế, gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp. Khó tiếp cận khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn thu giảm mạnh đã đành, doanh nghiệp còn phải chịu không ít áp lực để giữ chân lao động, trả nợ ngân hàng. Do vậy, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay… là động thái tích cực của ngành ngân hàng nhằm “san sẻ” gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Ngân hàng Hà Tĩnh - “điểm tựa” cho doanh nghiệp duy trì sản xuất

BIDV Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Tính đến 30/9/2021, dư nợ cho vay doanh nghiệp tại các ngân hàng Hà Tĩnh đạt 23.199 tỷ đồng, chiếm 34,27% dư nợ toàn địa bàn, tăng 12,53% so với đầu năm 2021.

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Lũy kế từ ngày 13/3/2020 đến 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 69 doanh nghiệp với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 538,02 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 34 doanh nghiệp với tổng giá trị nợ được miễn, giảm lãi là 116,82 tỷ đồng.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước khi có dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/8/2021 đạt 33.412 tỷ đồng. Dư nợ cho vay mới tại thời điểm 31/8/2021 đạt 5.728 tỷ đồng với 889 doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng cũng thực hiện hạ lãi suất dư nợ hiện hữu với tổng dư nợ 10.007 tỷ đồng cho 1.025 doanh nghiệp, số tiền lãi được hạ 45,12 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5% - 1,5%/năm).

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.