Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn chứng từ, từ ngày 1/7/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phải xuất HĐĐT.
Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT tại Cục thuế Hà Tĩnh họp phân công nhiệm vụ
Để chính thức bỏ hoá đơn giấy truyền thống, chuyển sang HĐĐT, Tổng cục thuế đã chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 thực hiện từ tháng 11/2021 tại 6 địa phương (gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ); giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 4/2022 tại 57 tỉnh/thành còn lại.
Theo đó, từ tháng 4/2022, người nộp thuế phải đăng ký sử dụng HĐĐT theo quy định. Trường hợp chưa đáp ứng ngay điều kiện chuyển sang sử dụng HĐĐT thì chậm nhất đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành.
Kết quả triển khai, tính đến hết ngày 27/6, Hà Tĩnh có 4.755/4.758 doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng hoá đơn đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT (đạt tỷ lệ 99,99%); 437/495 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT (đạt tỷ lệ 88,3%). Tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý của ngành Thuế Hà Tĩnh là 575.274 hóa đơn. Toàn tỉnh có 7/10 phòng, chi cục thuế có tỷ lệ triển khai HĐĐT đạt 100%. |
Đường dây nóng của Cục thuế Hà Tĩnh luôn đảm bảo hỗ trợ về HĐĐT 24/7 cho người nộp thuế
Ông Nguyễn Xuân Thường, Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế - Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay trên địa bàn còn một số chi nhánh ngân hàng đang chờ để triển khai đồng loạt với ngân hàng tổng nên chưa áp dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hệ thống quản lý phức tạp nên chưa kịp chuyển đổi, một số đơn vị chưa có nhu cầu sử dụng hoá đơn nên xin chưa thực hiện chuyển đổi. Theo quy định, ngày 1/7/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phải xuất HĐĐT nên bắt buộc phải chuyển đổi theo lộ trình”.
Thời điểm này, Cục thuế Hà Tĩnh đang tiếp nhận và giải đáp nhiều vướng mắc cho người nộp thuế về các quy định huỷ bỏ hoá đơn giấy; cách xử lý sai sót khi xuất HĐĐT… Theo quy định, khi chuyển sang HĐĐT thì hóa đơn giấy cần hủy bỏ. Khi hủy hóa đơn giấy, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh phải lập bảng kiểm kê hóa đơn cần hủy; thành lập hội đồng hủy hóa đơn; ký biên bản hủy hóa đơn. Các thành viên hội đồng hủy hóa đơn phải ký vào biên bản hủy hóa đơn và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai sót. Hồ sơ hủy hóa đơn được lưu tại tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn.
Cán bộ Cục thuế Hà Tĩnh hỗ trợ trực tiếp người nộp thuế tại Văn phòng Cục.
Cuộc chạy đua nước rút để “khai tử” hoá đơn giấy, chuyển đổi sang HĐĐT đang được ngành thuế, người nộp thuế “đếm ngược” từng ngày, từng giờ. Cán bộ thuế đang tích cực hỗ trợ, đảm bảo hướng dẫn về HĐĐT 24/7 cho người nộp thuế.
Với HĐĐT, người dân và doanh nghiệp không còn phải mất thời gian, chi phí cho việc in, lưu trữ, kê khai hóa đơn do dữ liệu hóa đơn doanh nghiệp sử dụng được kết nối trực tiếp tới cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế. Người dân, doanh nghiệp cũng không phải lo lắng về việc mất, hỏng hóa đơn, dễ tra cứu để so sánh nhằm xác nhận hóa đơn trên kho dữ liệu.
Cơ quan thuế và các cơ quan quản lý cũng không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay; từ đó, góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; tình trạng gian lận thuế, trốn thuế. Hiện ngành thuế đã sẵn sàng để “khai tử” hoá đơn giấy truyền thống, hy vọng người nộp thuế đồng thuận để đảm bảo tiến độ theo quy định.