Trận mưa lớn chiều 18/9 khiến nhiều tuyến phố Hà Tĩnh tái diễn tình trạng ngập lụt.
3 giờ mưa đã nhấn chìm tuyến nội thị
Ngày 18/9, TP Hà Tĩnh đón trận mưa không ngớt. Trong vòng 3 giờ đồng hồ, toàn địa bàn nhận lượng mưa với gần 120 mm. Các tuyến phố Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông, Phan Đình Phùng… đều bị chia cắt bởi những điểm úng ngập có nơi sâu đến 40 - 50 cm.
Mọi phương tiện bị cản đường lưu chuyển, ô tô, xe máy “chôn chân” chờ cứu hộ vì ngập nước. Thậm chí, một số vùng trũng, nước đã tràn vào nhà dân.
Nhà chị Nguyễn Thị Châu - tổ dân phố 6, phường Nam Hà thường xuyên đối mặt với cảnh nước vào nhà dù ở ngay cạnh mương thoát của thành phố.
Chị Nguyễn Thị Châu - tổ dân phố 6, phường Nam Hà cho biết: “Dù có hệ thống mương thoát nước thuộc dự án vốn vay ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) ngay trước cửa nhà nhưng mưa lớn, nước lên nhanh nên không thoát kịp. Chỉ chưa đến 1 giờ đồng hồ, nước vào nhà lênh láng.”
Trên thực tế, TP Hà Tĩnh đã đổ nhiều công sức và ngân sách trong nhiều năm nhằm cố gắng “chữa bệnh” ngập úng cho khu vực nội thị. Đó là hệ thống mương thoát nước, cống ngăn triều, tiêu thoát của các dự án ODA; nâng cấp một số tuyến đường như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ…
Người dân phải phá dỡ nắp cống để khơi rác tránh ngập lụt.
Dẫu vậy, cuộc “rượt đuổi” vẫn chưa có hồi kết. Ông Nguyễn Thế Công - Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Khách quan là do lưu lượng mưa lớn, kéo dài trong nhiều giờ, cộng với thời điểm thủy triều dâng cao nên đã cản trở tốc độ tiêu thoát trên địa bàn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do hạ tầng hệ thống thoát nước thành phố chưa đồng bộ, các điểm đấu nối vào hệ thống mương chính nhỏ dẫn đến quá tải; mạng lưới thu gom đầu tuyến còn nhiều hạn chế…
Vào trận mưa ngày 18/9, rất nhiều nơi, người dân phải tự dỡ nắp cống, hố thu nước khơi thoát vì bị rác thải bồi lấp, không phát huy tác dụng”.
“Khám” lại tổng thể để “bắt” đúng bệnh…
Người dân dỡ một nắp cống trên đường Lý Tự Trọng để đẩy nước từ đường vào cống.
Ngay sau trận mưa lớn, UBND TP Hà Tĩnh đã ban hành công văn chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa bão để lại. Riêng đối với hệ thống thoát nước, UBND thành phố yêu cầu các phòng, ban liên quan, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị và các địa phương kiểm tra, rà soát các công trình thoát nước, khơi thông cống rãnh, làm vệ sinh môi trường kênh, mương để đảm bảo tiêu úng kịp thời trong mùa mưa bão năm nay.
“Muốn vậy, thành phố cần phải rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của hệ thống tiêu thoát trên địa bàn. Tắc ở đâu? Lý do vì sao tắc? Cao trình hệ thống mương thoát, hạ tầng giao thông tại điểm ngập lụt ra sao?... Tìm thấy điểm “nghẽn” mới có thể áp dụng những giải pháp trước mắt hoặc phân kỳ đầu tư hiệu quả”, ông Nguyễn Thế Công - Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hà Tĩnh cho biết thêm.
Miệng cống ở Hào Thành khá nhỏ, khó đáp ứng thoát nước của những đợt mưa lớn.
Tất nhiên, việc đầu tư tổng thể hệ thống thoát nước đòi hỏi nguồn lực lớn và luôn luôn bị áp lực bởi quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu. Song, có những giải pháp mà thành phố có thể thực hiện ngay mà không quá tốn kém, chính là nâng cao trách nhiệm và ý thức phòng chống ngập lụt đô thị trong cộng đồng.
Đó là mỗi phường, xã phải phát huy tinh thần cơ sở, kiểm tra các tuyến kênh, mương trên địa bàn, huy động người dân tham gia nạo vét, thu gom rác thải, nhất là ở những điểm “nghẽn” ở các cống thu nước, cống thu gom đầu tuyến chứ không chờ “nước đến chân mới nhảy”. Các doanh nghiệp có ý thức di dời những công trình cản trở dòng chảy để không trở thành điểm xung yếu trong mưa bão.