Một góc trung tâm huyện Nghi Xuân. Ảnh Đậu Hà
Những năm trước, hạ tầng cơ sở huyện Nghi Xuân yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp trong khi tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 12%, cao hơn hẳn các địa phương khác. Nghi Xuân luôn xếp “chiếu dưới” so với các huyện khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, đến nay, huyện Nghi Xuân đã có bước phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, bộ mặt NTM có nhiều khởi sắc; hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, vững chắc; quốc phòng được giữ vững, ANTT được củng cố...
Khu di tích Nguyễn Du tại xã Tiên Điền. Ảnh Đậu Hà
Đặc biệt, mới đây, huyện Nghi Xuân được các cấp bộ, ngành xét duyệt, công nhận là huyện NTM (thứ 60 trong cả nước), và là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn huyện NTM. Nghi Xuân là 1 trong 2 địa phương (cùng với huyện Đức Thọ) được đưa vào “tầm ngắm” của tỉnh về đích năm 2020, nhưng với nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Nghi Xuân đã rút ngắn quãng đường và về đích ở thời điểm hiện tại, trước 2 năm so với dự kiến.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh thăm Trạm Y tế xã Xuân Hải. Tháng 3/2018
Xác định xây dựng nông thôn mới là cơ hội để phát triển, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của Đảng bộ và nhân dân, huyện Nghi Xuân đã tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, đa dạng hóa các chủ trương, chính sách bằng những việc làm cụ thể để phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi người dân. Từ đó làm thay đổi quan niệm, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là quần chúng nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình vườn mẫu tại xã Xuân Phổ
Trong tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy, các thành viên Ban Chỉ đạo, các phòng ban chuyên môn bám sát cơ sở; lấy kết quả đầu ra để đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo nói chung và cán bộ nói riêng.
Ngoài việc chọn thứ 7 là ngày xây dựng nông thôn mới để huy động cả hệ thống chính trị cùng với người dân vào cuộc, lãnh đạo huyện còn về từng xã để kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ, giải quyết từng khó khăn, vướng mắc trong thực hiện từng phần việc cụ thể. Bên cạnh huy đông nguồn nội lực, huyện Nghi Xuân còn kêu gọi sự giúp đỡ của con em xa quê tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới…
Đoàn Văn phòng Nông thôn mới Trung ương thăm mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Xuân Hải
Qua 8 năm bắt tay xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn đầu tư trên địa bàn huyện Nghi Xuân hơn 2.500 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,7 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Toàn huyện hiện có 110 km giao thông trục xã được nhựa hóa, 172 km kênh mương được bê tông hóa.
Đường làng thôn Hương Mỹ - xã Xuân Mỹ xanh, sạch, đẹp
Ở lĩnh vực giáo dục, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện xây dựng mới 73 công trình với 277 phòng học, 67 phòng bộ môn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,23%; tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn huyện đạt 99%. Toàn huyện quy hoạch được 27 vùng sản xuất tập trung với diện tích 1.315 ha với 68 doanh nghiệp, HTX…
Đoàn viên thanh niên Huyện đoàn Nghi Xuân giúp người dân thôn Phong Giang, xã Tiên Điền xây dựng nông thôn mới
Đây cũng sẽ là tiền đề để huyện tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trở thành đô thị loại IV giai đoạn 2018 - 2022.
Trên địa bàn xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Trong ảnh: Khu vườn trồng rau công nghệ cao của doanh nghiệp Nga Hải tại xã Xuân Mỹ. Ảnh Đậu Hà
Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh của huyện Nghi Xuân
Cảng cá Xuân Hội tấp nập tàu thuyền
Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn huyện Nghi Xuân phát triển mạnh.