Nghìn đêm giữ rừng lim giữa đại ngàn Trường Sơn - Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dù lâm tặc luôn lăm le phá hoại nhưng hàng chục héc-ta rừng lim ở thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn vươn lên tươi tốt trong sự bao bọc của người dân. Ở đây, họ coi rừng như sinh mệnh, như những đứa con…

Rừng lim trăm tuổi giữa đại ngàn

Video: Rừng lim cổ thụ giữa Trường Sơn.

Căn nhà nhỏ của gia đình ông Trần Ngọc Lâm nép mình dưới chân núi Khe Năm, phía sau là cả một khu rừng tái sinh rộng hơn 20 ha; trong đó, có những cây lim hơn trăm năm tuổi, chu vi gốc đã hơn 300 cm. Thấy chúng tôi cùng cán bộ kiểm lâm đến, vợ chồng ông Lâm phấn khởi lắm. Bà khẩn thiết mời ở lại dùng bữa cơm, còn ông thì lo đi mượn thêm giày, thêm ủng để dẫn khách vào tham quan rừng.

“Leo một tí thôi là thấy lim rồi, ngay sát sau vườn, nhiều cây 2 người ôm không hết” - ông Lâm vừa hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật đi rừng để không bị vướng dây, không bị rắn, rết, vắt cắn, vừa khoe. Quả thật, chỉ đi chừng một đoạn ngắn thì cả một rừng lim hiện ra trước mắt, cây nhỏ có, cây to có.

Nghìn đêm giữ rừng lim giữa đại ngàn Trường Sơn - Hà Tĩnh

Lối mòn của gia đình ông Lâm sẻ phát để đi kiểm tra vẫn còn nhiều bụi rậm và trơn trượt.

Sau gần 1 giờ đồng hồ theo thiết bị định vị cầm tay của cán bộ kiểm lâm, chúng tôi đã ở độ cao hơn 200m so với mực nước biển nhưng tính ra chỉ mới đi được chừng 1 km. Ở đây không có đường, lối mòn của gia đình ông Lâm sẻ phát để đi kiểm tra vẫn còn nhiều bụi rậm và trơn trượt. Khu rừng trên cao âm u hơn, cây to nhiều hơn, cùng với lim là hàng nghìn cây gỗ quý khác như: dổi, chua khét, kền kền, táu, dẻ…

Nghìn đêm giữ rừng lim giữa đại ngàn Trường Sơn - Hà Tĩnh

Một cây lim gần sát nhà của ông Lâm có chu vi hơn 2,2m.

Chọn cây lim to nhất, chúng tôi đo thử thì chu vi gốc gần 270 cm. Ông Lâm khẳng định: “Cây này có lẽ phải gần 100 tuổi, vỏ đã xù xì, già lắm rồi. Bây giờ mà leo đến giăng (tên gọi của đỉnh núi) thì còn nhiều cây to nữa”…

Nghìn đêm giữ rừng

Nghìn đêm giữ rừng lim giữa đại ngàn Trường Sơn - Hà Tĩnh

Một cây lim cổ thụ có chu vi gần 2,7m.

Ông Lâm đã 60 tuổi và có hơn 30 năm gắn bó với rừng lim này. Năm 1990, khi Nhà nước có chủ trương vận động người dân nhận rừng để chăm sóc, bảo vệ thì rừng lim này được lâm trường khai thác gần như hết các cây gỗ lớn, lâm tặc lại hoành hành nên ít người dám nhận.

Ông là một trong những người tiên phong nhận hơn 26 ha rừng, trong đó có hơn 20 ha rừng hỗn giao tái sinh (khoảng 20% diện tích rừng lim), còn lại là diện tích rừng trồng. May rằng, do còn ít gỗ roòng nên những cây lim độ 30 - 40 năm tuổi chưa bị khai thác vẫn còn nhiều. Những năm đó, kinh tế người dân còn khó khăn và các quy định về bảo vệ rừng chưa chặt chẽ như hiện nay nên tình trạng khai thác trộm vẫn xảy ra thường xuyên.

Nghìn đêm giữ rừng lim giữa đại ngàn Trường Sơn - Hà Tĩnh

Rừng lim của thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1.

Ông Lâm kể: Hơn 30 năm qua, những người dân Khe Năm chúng tôi có cả nghìn đêm không ngủ để giữ rừng. Còn nhớ, năm 1992, nhiều lần nghe tiếng cây đổ, vợ chồng ủ con nhỏ để chạy lên kiểm tra, phát hiện người phá rừng, chúng còn lớn tiếng đe dọa, đòi hành hung. Chuyện trộm gỗ, đe dọa vẫn thường diễn ra cho đến sau này. Có lần, vào khoảng năm 1995, lâm tặc cắt đến hơn 10 khối gỗ lim, dổi các loại. Thấy rừng bị phá, tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Không chỉ có những toán lâm tặc mà nhiều người dân nghèo chưa hiểu được giá trị thực tế của rừng cũng dùng cưa đơn, lợi dụng ban đêm chặt trộm với số lượng ít nên rất khó phát hiện.

Nghìn đêm giữ rừng lim giữa đại ngàn Trường Sơn - Hà Tĩnh

Nhiều cây lim gần 100 tuổi, vỏ đã xù xì.

"Bảo vệ rừng vất vả lắm, vì rừng thì rộng, người dân lại không có quyền gì trong tay nên dù có phát hiện kẻ trộm gỗ thì cũng chỉ có cách là đuổi họ ra khỏi phần đất của mình. Về sau, 10 hộ dân Khe Năm có rừng chúng tôi thành lập chi hội bảo vệ rừng, thay phiên nhau đi tuần, trực cả ban đêm. Phát hiện có người chặt gỗ thì cử người đi báo kiểm lâm và các lực lượng chức năng để phối hợp xử lý. Không chỉ bảo vệ, mỗi năm, gia đình còn trồng thêm khoảng 3.000 cây gỗ bản địa như lim, cồng…” - ông Lâm cho biết.

Nghìn đêm giữ rừng lim giữa đại ngàn Trường Sơn - Hà Tĩnh

Cây lim non được người dân trồng và chăm sóc đang phát triển tốt.

Bà Trần Thị Đào (60 tuổi) - vợ ông Lâm nói thêm: “Với tôi, rừng thực sự là nhà vì thời gian ở trên rừng còn nhiều hơn ở nhà, có vậy mới bảo vệ được rừng đến bây giờ. Nhớ lại những năm 1990 - 2000, khi đó rừng bị khai thác kiệt quệ, cả thôn gần như không còn nước ngầm mà phải hứng nước mưa để dùng. Còn bây giờ, nước khe suối chảy quanh năm. Gần đây có một đoàn chuyên gia về kiểm định nước của Nhật Bản đã có đánh giá nước ở đây rất sạch nên bà con yên tâm lắm”.

Việc bảo vệ rừng của người dân Khe Năm được nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chị Dương Thị Mỳ (40 tuổi) tâm sự: “Gia đình tôi được thừa hưởng gần 8 ha rừng của bố mẹ chồng để lại. Cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phá rừng để bán gỗ hay lấy đất trồng keo. Thậm chí, gia đình phải vất vả “chiến đấu” với nhiều toán lâm tặc trong hàng chục năm qua mới có thể giữ được rừng lim phát triển tươi tốt như hiện nay. Để phát triển rừng, chúng tôi còn phát quang dây leo, trồng giàu thêm một số cây bản địa, trong đó chủ yếu là cây lim.

Nghìn đêm giữ rừng lim giữa đại ngàn Trường Sơn - Hà Tĩnh

Rừng của gia đình ông Lâm có đủ tầng, tán của rừng tự nhiên.

Người dân Khe Năm chỉ khai thác một số lâm sản phụ dưới tán rừng như: mật ong, lá đọt (là dùng làm nón) hay một số cây dược liệu như sắn sục (thiên niên kiện), sa nhân, hoàng đằng… Thực tế, những nguồn thu này không đáng kể do việc khai thác, tiêu thụ còn khó khăn”.

Ông Đoàn Danh Tuyên - cán bộ Hạt Kiểm lâm Hương Sơn cho biết, trên địa bàn xã Sơn Kim 1 có khoảng 21.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, có khoảng 7.000 ha được giao cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ. Đặc biệt, có 4.000 ha rừng tự nhiên, hiện đã phát triển đủ tầng, đủ tán. Thời gian qua, người dân và các chủ rừng thực hiện rất tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng, được các cơ quan lâm nghiệp cấp tỉnh, Trung ương đánh giá rất cao. Chính sách giao rừng cho người dân quản lý của Nhà nước cho hiệu quả cao, góp phần bảo vệ, phát triển hệ sinh thái, chống xói mòn, ngăn lũ lụt…

(Còn nữa)...

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.