Như thường lệ, mỗi năm cứ vào dịp cuối tháng Tư đầu tháng Năm âm lịch, người dân Hà Tĩnh nói chung và người dân các xã Thạch Kim, Mai Phụ, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà), Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Long (Thạch Hà)… lại bồi hồi tưởng nhớ, chuẩn bị cho lễ giỗ của danh tướng Lê Khôi.
Lê Khôi (? – 1446) quê ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), là con trai của Lê Trừ, anh trai Lê Lợi. Ông là một trong những vị tướng kiêu hùng nhất của đội quân Lam Sơn. Khi dẹp tan giặc Minh, ông lại góp công lớn trong mở mang nông nghiệp cho cư dân phía Nam Đại Việt (nay là vùng Nghệ An và Hà Tĩnh).
Năm 1446, sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu ở biên giới phía Nam, Lê Khôi trở về kinh thành, trên đường về, không may ông lâm bệnh, qua đời tại núi Long Ngâm (thuộc xã Thạch Hải, Thạch Hà ngày nay) và được an táng tại đây. Cảm kích trước công lao to lớn của tướng Lê Khôi, vua cho lập đền thờ và Nhân dân hằng năm cúng tế.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, hằng năm, Nhân dân trong vùng tổ chức lễ giỗ của ông với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống. Nghi lễ được người dân lưu truyền hàng trăm năm qua. Và đến năm 2017, lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hằng năm, 2 huyện Thạch Hà và Lộc Hà đều phối hợp tổ chức rất trang trọng, chu đáo.
Những ngày này, tại làng chài thôn Xuân Phượng (Thạch Kim, Lộc Hà), không khí trở nên rộn ràng hơn khi ai ai cũng hướng về lễ giỗ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi. Từ con đường đê ven biển Cửa Sót dẫn về đền Đông Phương - nơi lập linh vị thờ vọng vị danh tướng, cờ hoa biểu ngữ được trang hoàng lộng lẫy.
Ông Nguyễn Văn Lam (người dân thôn Xuân Phượng, Thạch Kim) bày tỏ: “Đối với chúng tôi, Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi không chỉ là một vị tướng có công lao to lớn bảo vệ đất nước mà khi mất đi, ngài còn là một vị thánh, luôn chở che cho người dân làng biển. Vì vậy, chúng tôi luôn biết ơn ngài, lễ giỗ là một trong những dịp để chúng tôi bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân đó”.
Ông Lam chính là người được Ban lễ nghi đền Đông Phương phân công nhiệm vụ đứng chủ làm thuyền Long Châu hàng chục năm qua. Thuyền Long Châu nhằm biểu thị ý muốn cầu ngư của người dân xã Thạch Kim trong lễ rước tại lễ hội đền Lê Khôi.
Năm nay, chiếc thuyền mô hình bằng vật liệu gỗ và giấy được ông Lam và các bạn nghề thực hiện trong 3 tháng, đến nay, đã hoàn thành, sẵn sàng cho lễ rước vào sáng mồng 2/5 âm lịch sắp tới.
Ông Phạm Minh Hưng – Trưởng ban Lễ nghi đền Đông Phương (Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết: “Đối với người dân xã Thạch Kim, Mai Phụ và thị trấn Lộc Hà, lễ giỗ Chiêu Trưng Đại Vương là sự kiện vô cùng quan trọng. Trong đó, phần lễ rước linh vị ngài về đền chính luôn được chúng tôi chuẩn bị hàng tháng trời, thực hiện nhiều hạng mục, nghi lễ và huy động hàng trăm người cùng tham gia. Đó chính là sự bày tỏ lòng tri ân đối với vị danh tướng và vị thánh của cửa biển Cửa Sót”.
Những ngày này, người dân từ khắp mọi miền cũng đã về đền Lê Khôi để dâng hương, hoa bày tỏ tri ân với tiền nhân.
Chị Nguyễn Thị Thanh Mai ở phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Hằng năm gia đình chúng tôi vẫn thường về đền Lê Khôi để thăm viếng. Năm nay, dịp lễ giỗ ngài trùng với kỳ thi vào lớp 10 THPT mà con út tôi tham dự nên tôi tranh thủ đưa cháu và một số bạn của cháu về dâng hương. Tôi mong khi đến đây, trong khung cảnh thiên nhiên thanh tĩnh, tưởng nhớ về công lao to lớn của tướng Lê Khôi, các con sẽ có thêm động lực để bước vào kỳ thi trong tâm thế tốt nhất”.
Gắn bó với công việc Trưởng ban Lễ nghi tại Khu lăng mộ và đền Lê Khôi từ năm 2016, ông Nguyễn Văn Lượng (67 tuổi ở xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà) đã chứng kiến tấm lòng tri ân của du khách muôn phương dành cho vị tướng của dân tộc.
Ông Lượng cho biết: “Dù nằm ở khu vực khá tách biệt với khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn nhưng nhiều năm qua, tôi đã chứng kiến hàng ngàn người dân khắp nơi về đây tham quan, dâng lễ. Ngoài du khách trong tỉnh còn có nhiều người đến từ các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh phía Nam như Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên Huế…
Nhiều người tâm sự với tôi, họ đến đây bằng sự ngưỡng mộ công trạng của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, đồng thời xem ông là bậc thánh thiêng liêng luôn hộ trị cho họ trong cuộc sống”.
Năm nay, lễ giỗ và lễ hội đền Lê Khôi do 2 huyện Thạch Hà và Lộc Hà cùng tổ chức, diễn ra từ ngày 2/6 – 8/6/2024. Trong đó, phần hội bắt đầu với nhiều chương trình thể thao, văn nghệ do các địa phương cấp xã tổ chức. Kế đó là giải đua thuyền truyền thống cấp huyện, tổ chức vào ngày 2/6 vừa qua.
Ngày 7/6, bà con nhân dân sẽ thực hành lễ rước linh vị từ các đền thờ vọng ở các xã như: Thạch Kim, Mai Phụ, Đỉnh Bàn, Thạch Hải… về đền chính. Cuối cùng là phần lễ chính thức, diễn ra tại đền vào sáng mồng 3/5 âm lịch, tức ngày 8/6/2024.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thạch Hà (thành viên Ban Tổ chức lễ hội đền Lê Khôi) cho biết: “Hiện công tác chuẩn bị cho các nghi lễ và hậu cần liên quan đã được chúng tôi hoàn tất, sẵn sàng cho lễ hội và lễ giỗ lần thứ 578 Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi diễn ra thành công”.
Đền và lăng mộ Lê Khôi được xây dựng năm 1446, qua nhiều lần trùng tu đến nay, khu di tích vẫn còn giữ những nét kiến trúc đặc trưng thời xưa, cùng nhiều hiện vật quý mang tính lịch sử. Với nhiều giá trị, năm 1990, đền và khu mộ Lê Khôi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Cùng với di tích, năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã quyết định công nhận “Lễ hội đền Lê Khôi” Hà Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội diễn ra trùng với lễ giỗ Lê Khôi vào ngày 3/5 âm lịch hằng năm.