Người dân không nên tự ý đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu

(Baohatinh.vn) - Ngành Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo, ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân không nên tự ý đi tiêm vắc-xin phòng bạch hầu khi chưa có hướng dẫn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp ở Nghệ An tử vong.

Tại Hà Tĩnh, sau khi có các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch xâm nhập, nhất là chủ động rà soát, giám sát những trường hợp đi từ vùng dịch về, những trường hợp có tiếp xúc với các ca bệnh để kịp thời có biện pháp dự phòng.

tiem phong bach hauA.jpg
Người dân đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng đi tiêm vắc-xin 5 trong 1. Ảnh: Thanh Loan.

Đối với các bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ thì kịp thời triển khai công tác phòng, chống dịch như 1 ca bệnh. Điển hình, một bệnh nhân ở Hương Khê đi từ Đắc Lắc trở về trên địa bàn vào đầu tháng 7, có các triệu chứng nghi ngờ mắc bạch hầu, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động phối hợp với BVĐK TTH Hà Tĩnh, BVĐK tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê rà soát xác định các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân để khoanh vùng, triển khai biện pháp dự phòng. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Hương Khê tổ chức vệ sinh, khử khuẩn nơi ở của ca bệnh.

Cùng với giám sát, phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, ngành y tế còn chủ động tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, trước những nguồn thông tin khác nhau, một số người dân ngoài độ tuổi tiêm chủng mở rộng (đối với bệnh bạch hầu) đã tìm đến giải pháp tự đi tiêm phòng dịch vụ các loại vắc-xin phòng, chống bạch hầu khi chưa có khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế.

bach-hau-1-1702525893363717994578-2398_3f152AA
Vắc-xin phòng vi khuẩn bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Ảnh minh họa vi khuẩn bạch hầu.

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: “Ở Việt Nam, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ năm 1985. Hiện nay, vắc-xin có chứa thành phần bạch hầu đã triển khai tiêm trong chương trình với 3 liều để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi và 1 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi. Lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để tạo miễn dịch lâu dài, cũng như lịch tiêm chủng của quốc gia, đảm bảo mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em.

Còn đối với người ngoài độ tuổi tiêm chủng mở rộng (đối với bệnh bạch hầu), Cục Y tế dự phòng đã khuyến cáo không tự ý tiêm chủng vắc-xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn cụ thể của của cơ quan y tế. Chính vì vậy, ngành y tế Hà Tĩnh đề nghị người dân cần tuân thủ khuyến cáo này”.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh cũng lưu ý, để phòng, chống hiệu quả với bệnh bạch hầu, điều quan trọng nhất là đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng đi tiêm vắc-xin phòng bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

z5616427962124_517090768864f1cc1114372a364e3863_be5caA
Hướng dẫn phòng, chống bạch hầu của ngành y tế.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc, nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh như: sốt nhẹ, ho khàn tiếng, mệt, chán ăn, họng đỏ… cần phải đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng.

Ngày 13/6/2024, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT về danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Trong đó, lịch tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ bổ sung thêm 1 liều vắc-xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi. Trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ triển khai tiêm phòng vắc-xin bạch hầu – uốn ván cho trẻ 7 tuổi ngay khi được phân bổ vắc-xin cũng như có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế.

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên (mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi và hầu họng). Tác nhân gây ra bệnh là ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu tiết ra tác động đến tim, thận và hệ thần kinh gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Theo WHO, bạch hầu là bệnh có tỷ lệ tử vong lên đến 20%, trong đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên ngày càng tăng. Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan. Chúng lây theo đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho… giọt bắn có chứa vi khuẩn hòa vào không khí, khi hít phải, nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu sẽ mắc bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 – 5 ngày hoặc hơn kể từ khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.