Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, hiện nay, Khoa Phòng chống HIV/AIDS đang quản lý, điều trị cho 449 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 271 bệnh nhân nam, 155 bệnh nhân nữ; trẻ em dưới 15 tuổi là 22 bệnh nhân. Có 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 216/216 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS.
Người nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV theo hướng dẫn của bác sỹ.
Đối với những người có bệnh nền hoặc sức đề kháng yếu nói chung và người nhiễm HIV/AIDS suy giảm miễn dịch nói riêng khi nhiễm COVID-19 tình trạng sẽ nặng hơn so với những người khỏe mạnh khác. Tại Hà Tĩnh, đã xuất hiện nhiều ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng, nên để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đòi hỏi người nhiễm HIV cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa.
Theo bác sỹ Nguyễn Đình Du - Phó Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, đối với những người nhiễm HIV có số lượng tế bào CD4 thấp và những người nhiễm HIV nhưng chưa điều trị bằng thuốc ARV thì khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nguy cơ bệnh sẽ càng nặng hơn so với những người có số lượng tế bào CD4 cao và những người tuân thủ điều trị ARV tốt.
Bệnh nhân nhiễm HIV tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch khi đi khám, chữa bệnh.
Nhiều ca bệnh COVID-19 tử vong thời gian qua đều có các dữ liệu lâm sàng cho thấy, các yếu tố nguy cơ tử vong chính do COVID-19 có liên quan đến tuổi già và các bệnh khác kèm theo. Do đó, nếu người nhiễm HIV cao tuổi, có các bệnh nền kèm theo như: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thì nguy cơ tử vong sẽ càng cao.
“Để phòng tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2, những người nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sỹ. Thực hiện kiểm tra sức khỏe và tuân thủ điều trị như uống thuốc đúng liều, đúng giờ.... Xây dựng một kế hoạch chăm sóc bản thân nếu phải ở nhà trong một vài tuần. Cố gắng tối đa liên lạc trực tuyến với phòng khám, điều trị HIV để được tư vấn, hướng dẫn”, bác sỹ Nguyễn Đình Du - Phó Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS khuyến cáo.
Phòng Khám, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV cấp thuốc cho bệnh nhân nhiễm HIV.
Ngoài ra, nếu người bệnh có các bệnh mãn tính khác đi kèm như: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thì cần phải thực hiện khám, uống thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ, nhằm kiểm soát tốt các bệnh nói trên. Đồng thời, nên duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng như: ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngủ ít nhất 8 giờ/ngày, giảm căng thẳng, luyện tập thể dục đều đặn. Đây là cách tốt nhất để giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Bệnh nhân N.T.K (Hương Sơn) cho biết: “Sức khỏe mình không tốt nên khi thấy xuất hiện các ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng tôi khá lo. Hiện nay, ngoài những lúc đi lấy thuốc, còn lại tôi rất hạn chế đi ra khỏi nhà, hạn chế tiếp xúc và thực hiện nghiêm ngặt các khuyến cáo của bác sỹ để giảm thiểu tối đa các nguy cơ cho bản thân”.
Ngành y tế cũng đã khuyến cáo, những người nhiễm HIV/AIDS cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: tránh xa người đang ho, ốm; rửa/vệ sinh tay thường xuyên và không chạm vào mặt; hàng ngày vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc đặc biệt cần thực hiện tốt 5K, nếu bị ốm hãy ở nhà và liên hệ ngay với cơ sở y tế khi có các biểu hiện (sốt, ho, đau người/mệt mỏi, khó thở).
Ngoài ra, người nhiễm HIV cũng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của những người thân bên cạnh, sự động viên, đồng cảm, chia sẻ những lúc khó khăn với những người không may nhiễm HIV là nguồn động lực để vượt qua bệnh tật, vươn lên sống có ích cho bản thân và cộng đồng.