Nếu đúng thời vụ thì khoảng thời gian này, người nuôi ngao ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà - vùng nuôi ngao lớn nhất Hà Tĩnh sẽ vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ lớn trong tháng 10 vừa qua, nhiều diện tích ngao của người dân đã bị nước lũ cuốn trôi, vùi lấp gây thiệt hại nặng. (Trong ảnh: Người nuôi ngao ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ đang cố gắng vớt vát số ngao còn sót lại sau đợt mưa lũ).
“Nước lũ lớn quá, toàn bộ diện tích 15 ha ngao ngập trắng trong biển nước, trong đó có nhiều diện tích ngao thương phẩm sắp cho thu hoạch. Thứ chết do bị ngọt hóa, thứ thì bị cuốn trôi, bùn vùi lấp nên thiệt hại ước tính hơn 2 tỷ đồng. Không chỉ có HTX của tôi mà các hộ nuôi ngao trên địa bàn đều bị ảnh hưởng, có nhiều nhà mất trắng”, ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Việt Hồng chia sẻ.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình, 2 đợt mưa lũ trong tháng 10 đã gây thiệt hại lớn tới nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. Với nghề nuôi ngao ở các bãi triều thì xã Mai Phụ có diện tích bị ảnh hưởng lớn nhất với 80 ha. Bên cạnh đó, một số địa phương khác như Hộ Độ, Thạch Châu, thị trấn Lộc Hà... cũng bị chết, nước cuốn trôi khá nhiều.
Dù thiệt hại nặng nề nhưng sau khi nước lũ rút, người nuôi ngao ở Lộc Hà đang cố gắng khắc phục khó khăn, tiến hành cải tạo, vệ sinh bãi nuôi để tiếp tục thả nuôi lứa mới. (Trong ảnh: Người dân xã Mai Phụ vận chuyển ngao giống để đưa đi thả ở các bãi nuôi).
Trước khi nhập ngao giống, người dân đã ra tận cơ sở bán giống ở Thanh Hóa để kiểm tra, thương lượng giá cả. Mỗi kg ngao giống có từ 1.000 - 1.200 con. Giá ngao tùy thuộc vào chất lượng, số lượng con giống.
Ngao giống được đưa lên thuyền để đưa ra bãi nuôi...
Theo người dân địa phương, giá ngao thương phẩm mấy năm gần đây đang khá ổn định với 12.000 - 13.000 đồng/kg, nhưng quá trình nuôi lại gặp nhiều rủi ro do dịch bệnh, thiên tai.
So với các năm trước thì thiệt hại của người nuôi ngao trong năm nay là nặng nề nhất. Vì thế, người dân mong muốn vụ nuôi này sẽ thuận lợi để bù đắp chi phí cho mất mát trước đó.
“Cái khó nhất hiện nay đối với người nuôi ngao để tái sản xuất chính là kinh phí mua giống. Mấy năm nay đều xuất hiện tình trạng ngao chết, nhiều hộ nuôi đang cạn dần vốn. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ” - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Việt Hồng Nguyễn Văn Việt cho hay.
Ngao là đối tượng rất mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường như ngọt hóa, nhiệt độ, nguồn nước ô nhiễm… đều có thể gây ra chết hàng loạt. Do ngao nuôi ở bãi triều rộng, nước lên xuống thường xuyên nên công tác phòng và chữa bệnh rất khó. Để nuôi ngao thuận lợi, người nuôi cần phải cải tạo bãi nuôi kỹ trước khi thả giống. Với những vùng nuôi có thời gian trên 3 vụ, chất hữu cơ lắng đọng nhiều, cần phải cải tạo bãi nuôi vào thời điểm trời nắng, cày lật và phơi bãi kỹ. Kiểm tra và nhặt bỏ ngao chết trước khi thả nuôi. Tránh hiện tượng ngao chết làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Không nên nuôi mật độ quá dày. Khuyến cáo nuôi mật độ: 160 - 180 kg/1.000 m2 đối với loại giống cỡ 2 vạn con/kg. Bên cạnh biện pháp phòng ngừa như trên, người nuôi cần tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng về mùa vụ thả nuôi, chất lượng con giống... Khi có hiện tượng vật nuôi bị bệnh hoặc chết, cần báo ngay cho cơ quan quản lý để có biện pháp khoanh vùng, dập dịch, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. |