Người phụ nữ miền biển và hành trình trở thành giám đốc 2 hợp tác xã

(Baohatinh.vn) - Bằng nỗ lực, tâm huyết, tìm tòi học hỏi, chị Phan Thị Lý (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã từng bước gây dựng sự nghiệp, trở thành người quản lý 2 HTX.

Người mở đường cho công nghệ xử lý rác tiên tiến

Được thành lập năm 2014, với nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho xã Cương Gián, đến nay, HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát đã được 8 xã của huyện Nghi Xuân tin tưởng, ký hợp đồng thuê dịch vụ. Uy tín, sự lớn mạnh của HTX là kết quả nỗ lực của tập thể người lao động mà trong đó vai trò quan trọng nhất là công tác điều hành của chị Phan Thị Lý (SN 1984, Cương Gián) - Giám đốc HTX.

b1.jpg
Chị Phan Thị Lý - Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát và HTX Thiên Phú.

Chị Lý là con thứ 5 trong gia đình ngư dân có 6 người con. Vì hoàn cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2004, chị đi XKLĐ tại Đài Loan. Năm 2012, chị về quê lập gia đình và khởi nghiệp bằng xưởng cơ khí. Năm 2014, chị đã vận động một số hộ gia đình thành lập HTX về môi trường.

Chị Lý cho biết: “Lúc đó, tôi có nhiều ý tưởng khởi nghiệp lắm nhưng nhận thấy công việc thu gom, xử lý rác thải ở địa phương vẫn chưa bài bản, quy mô nên tôi đã tham khảo mô hình ở các tỉnh bạn, vận động một số hộ cùng tham gia và xin chủ trương thành lập HTX".

a4.jpg
Công nhân HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát tiến hành phân loại, xử lý rác tại cơ sở.

Tháng 10/2014, HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát do chị Phan Thị Lý làm Giám đốc chính thức ra mắt với sự tham gia của 7 thành viên, số vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng. Ban đầu, HTX có chức năng tổ chức thu gom, xử lý rác (chôn lấp) trên địa bàn xã Cương Gián. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm HTX đi vào hoạt động, chị Lý vẫn luôn trăn trở bởi thực tế, việc xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp về lâu về dài sẽ ảnh hưởng môi trường. Vì vậy, chị đã có những chuyến đi tìm hiểu các công nghệ xử lý rác hiện đại bằng công nghệ lò đốt Loshiho - một công nghệ xử lý rác thải nhanh trong vòng 24 giờ, đảm bảo các quy chuẩn về môi trường đã được Bộ TN&MT công nhận.

a5.jpg
Công nghệ lò đốt Loshiho đảm bảo các quy chuẩn về môi trường được ứng dụng tại HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát.

Thấy đây là phương pháp mang lại nhiều lợi ích trong bảo vệ môi trường, chị Lý đề xuất chủ trương ứng dụng công nghệ này tại cơ sở của mình và được các cấp ngành chấp thuận. Năm 2016, chị cùng các thành viên HTX mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua sắm thêm trang thiết bị, mở rộng công suất xử lý rác phục vụ cho 2 xã Cương Gián và Xuân Liên bằng công nghệ lò đốt Loshiho. Đây cũng là HTX môi trường đầu tiên ở Hà Tĩnh áp dụng công nghệ này.

Với sự tin tưởng của nhiều địa phương, đầu năm 2024, HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát đã đầu tư thêm kinh phí mở rộng quy mô đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn 8 xã của huyện Nghi Xuân, gồm: Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm, Xuân Viên, Xuân Hội, Xuân Lam, Xuân Hồng và Xuân Lĩnh.

Không bằng lòng với những gì đạt được, chị Lý vẫn tiếp tục tìm hiểu học hỏi để tìm những công nghệ mới trong xử lý rác. Vừa qua, sau khi tham khảo nhiều thông tin, chị đã cùng chồng sang tận tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tham quan nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ xử lý rác thải ở đây, với mong muốn đặt mua dây chuyền xử lý rác hiện đại mang về áp dụng tại cơ sở của mình.

a1.jpg
Chị Phan Thị Lý (thứ 2 từ trái sang) cùng chồng là anh Phạm Thanh Sơn (áo sọc) trong chuyến tham quan nhà máy sản xuất thiết bị xử lý rác ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), dịp tháng 4/2024.

Nỗ lực "phát huy tài nguyên bản địa"

Không chỉ tiên phong trong lĩnh vực môi trường, chị Phan Thị Lý còn được biết đến là giám đốc của HTX Thiên Phú nổi tiếng về sản xuất nước mắm truyền thống và các sản phẩm hải sản. Với chị, việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh bắt nguồn từ mong muốn phát huy tiềm năng, lợi thế, chắp cánh cho những sản phẩm chủ lực của quê hương vươn tầm.

a6.jpg
Chị Phan Thị Lý và các thành viên HTX Thiên Phú kiểm tra mẻ nước mắm chuẩn bị đến kỳ thu hoạch.

Năm 2015, HTX Thiên Phú ra đời với 8 thành viên. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm hoạt động, ngay khi mẻ sản phẩm đầu tiên sắp xuất bán thì gặp khó khăn bởi sự cố môi trường biển, hàng nghìn lít nước mắm không thể xuất ra thị trường. Không chùn bước, chị Lý động viên các thành viên cố gắng chờ đợi cơ hội.

Năm 2018, HTX hoạt động trở lại. Với sự nỗ lực của các thành viên, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, trong đó có vai trò không nhỏ của các cấp hội phụ nữ, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu nước mắm Lạch Kèn. Năm 2019, sản phẩm được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, là 1 trong 6 sản phẩm OCOP đầu tiên của Hà Tĩnh.

a8.jpg
Sản phẩm nước mắm Lạch Kèn đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm HTX Thiên Phú sản xuất ra thị trường 25.000 lít nước mắm; chế biến xuất bán ra thị trường hàng chục tấn hải sản các loại như: cá, mực khô, ruốc… mang về tổng doanh thu trung bình đạt 3,5 tỷ/năm. Bên cạnh đó, sau khi ý tưởng khởi nghiệp "Nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa" của chị Phan Thị Lý đạt giải nhất cuộc thi "Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa" do Hội LHPN tỉnh tổ chức năm 2023, HTX Thiên Phú đã tiếp tục mạnh dạn triển khai mô hình này và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

a2.jpg
Mô hình nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa mang lại nhiều triển vọng kinh tế cho HTX Thiên Phú.

Xây dựng và quản lý thành công 2 HTX, chị Phan Thị Lý không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế chung của địa phương mà còn giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Chị Tô Thị Hà ở thôn Đại Đồng (Cương Gián) - thành viên HTX Thiên Phú và HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát cho biết: "9 năm trước, sau khi đi XKLĐ về, vợ chồng tôi cũng bối rối vì chưa định hướng được con đường tương lai. Có chút vốn nhưng nếu không có công việc ổn định thì cũng không ổn. Từ khi tham gia HTX, vợ chồng tôi không chỉ có việc làm ổn định mà còn phát huy được nguồn vốn tích lũy, nâng cao chất lượng cuộc sống".

a9.jpg
Chị Phan Thị Lý điều hành cuộc họp triển khai nhiệm vụ của HTX Thiên Phú.

Cùng với phát triển kinh tế, chị Phan Thị Lý còn tích cực tham gia công tác xã hội. Nhiều năm liền, chị là uỷ viên BCH Hội LHPN xã Cương Gián, hiện chị cũng là đại biểu HĐND huyện Nghi Xuân. Năm 2022, hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" của các cấp hội phụ nữ, chị Lý đã nhận đỡ đầu 1 trẻ mồ côi trên địa bàn, với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/năm, trong thời gian 3 năm.

Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của chị Phan Thị Lý trong việc xây dựng và quản lý hiệu quả 2 mô hình HTX. Các mô hình không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động mà còn mở lối cho những hướng đi mới. Trong đó, với việc không ngừng tìm tòi công nghệ tiên tiến áp dụng vào thu gom, xử lý rác trên địa bàn huyện của chị Lý và HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát là rất đáng ghi nhận, biểu dương.

Ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.