Người quê tôi

(Baohatinh.vn) - “Đất có công hầu dòng nước tốt/ Trời sinh hào kiệt ánh sao ngời/ Làng quê nổi tiếng ghi sao hết/ Rờ rỡ danh nhân sử chép rồi”. Quê tôi TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) là một trong những số ấy...

Người quê tôi

Non nước Hồng Lĩnh (Ảnh: Nguyễn Thanh Hải).

Thư tịch cổ ghi vùng thị xã Hồng Lĩnh (núi Hồng - sông Lam) quê tôi vốn là một quốc gia/ Nhà nước Việt Thường Thị thời Nhà nước Văn Lang khoảng 700 năm trước Công nguyên. Chính sử thì chép, dưới thời Lý Trần, vùng đất này ở vị trí phiên trại phía Nam. Dân gian thì lưu truyền truyền thuyết về Kinh đô Ngàn Hống.

Chuyện rằng, khi mới mở nước, cha của Long vương là Dương vương cùng đàn chim phượng 100 con đến vùng núi Hồng - sông Lam, thấy núi non trùng điệp, nhỏn (đỉnh) vươn tận trời xanh, chân vờn ra tận biển có thế “rồng bay, hổ chầu” bèn quyết định lấy nơi này làm kinh đô. Nhưng núi Hồng Lĩnh chỉ có 99 nhỏn, con chim phượng đầu đàn không có chỗ đậu, vỗ cánh bay về phương Bắc. Dương vương đổi ý xa giá ra Phong Châu… Rồi chuyện Nguyễn Huệ bỏ Hồng Lĩnh về Phú Xuân, chuyện vua Thiệu Trị khắc thơ “Dãy dài trùng điệp ngất trời xanh” lên bia đá đặt tại Hành cung trên sườn ngọn Thiên Tượng… Mỗi ông vua mỗi chuyện. Hoàng đế, nhà nho, danh nhân, chí sĩ, dân gian đưa quê tôi vào truyện kể, thơ văn, ca dao, dân ca.

Người quê tôi

Lễ rước linh vị, các vật phẩm cúng tế Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương cùng các Vua Hùng là một trong những nghi lễ truyền thống trong chương trình Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương - được tổ chức vào ngày 10/3 (âm lịch) tại thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh tư liệu

“Núi Hồng ai đắp mà cao/ Sông Rum ai bới ai đào mà sâu”… Tôi nghĩ, chính người quê tôi đặt nên những câu chuyện ấy, những lời ca ấy để thể hiện tình nghĩa đối với vùng “giang sơn tụ khí” Hồng Lĩnh - Lam Giang, nơi sinh thành các danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.

Bao nhiêu là chuyện về đất, về người. Từ xửa xưa, người già quê tôi kể cho con cháu, rồi con cháu kể cho con cháu… Cứ thế, những câu chuyện già như trời, như đất và tươi rói như mầm cây.

Trong quãng ngày đêm dài dằng dặc của lịch sử, trải qua bao thời đại biến thiên dâu bể, mặc dù khi là một phủ, một trấn, khi là hai lộ, hai tỉnh, vùng đất núi Hồng - sông Lam vẫn gắn bó truyền thống về tất cả các mặt địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, phong tục, ngôn ngữ...

Hàng ngàn năm với biển và núi đá, quỷ sứ lẫn thần linh trong truyện cổ tích. Mấy thế kỷ loạn lạc, bệnh tật, đói khát, lễ tiết trong văn nghệ dân gian. Qua thời Bắc thuộc, hàng vạn người Chăm-pa, Chân Lạp càn quấy, rồi các cuộc đi đánh Chiêm Thành, đánh quân Nguyên - Mông của nhà Lý, nhà Trần đã kéo người quê tôi vào vòng xoáy của chiến chinh sinh tử. Rồi máu rơi, lửa cháy suốt thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (năm 1627-1672); thời quân Tây Sơn ra Bắc dẹp Trịnh (1786), quân chúa Nguyễn Ánh truy quét nhà Tây Sơn, năm Ất Dậu, Bính Tuất (1885, 1886). Tây vào Xứ Nghệ, phong trào Cần Vương tiếp đến chống thuế Trung Kỳ, đến cách mạng 1930-1931, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ… ghi trong chính sử.

Người quê tôi

Núi Hồng - sông La. Ảnh: Đậu Hà.

Thiên tai, bệnh tật, chiến tranh nối nhau dồn dập đổ vào quê tôi. Chen giữa đứt đoạn dải đồng bằng ven chân núi, lác đác đồng trũng ven sông là làng xóm so le những ngôi nhà tranh săng, thưng phên nứa. Tên làng nghe ra cái nông nỗi đời người: Bấn, Treo, Ạch, Tác… Ruộng đất, cây lúa, củ khoai cứ quấn quýt mà non xanh Hồng Lĩnh thì thao thức không nguôi trong lòng người quê tôi. Bao chùa chiền, đền miếu hiển lộ hoặc thấp thoáng trong màu xanh cây lá cứ phảng phất khói hương linh thiêng.

Phong thổ, con người quê tôi, các nhà nho, chí sĩ bao thời từng đưa vào văn phẩm những hùng trấn, thắng địa, bách xuyên tôn, nhất lộ hùng, đất đứng chân, người trung nghĩa... vẫn nguyên giá trị. Can trường trước giặc giã, trước thiên tai mà hiền hậu như củ khoai, hạt lúa trước người anh em, tâm thế bình lặng như đọi nước trong trước thánh thần, tổ tiên.

Thời nào đó, hàng trăm năm trước, chướng khí nặng nề, bão lụt, hạn hán, đói khổ bệnh tật, ốm đau bủa vây quanh ngã ba Bãi Vọt - cái ngã ba nổi tiếng bền bỉ trong lịch sử được tạo sinh từ con đường Thiên lý ở Kinh đô Trường Yên (Ninh Bình) kéo dài vào quê tôi, cữ cuối thế kỷ thứ X và con đường từ chân núi Hồng Lĩnh thẳng về phía Tây xuyên rừng Trường Sơn sang Lào, cữ đầu thế kỷ XIX đã đẩy người quê tôi phiêu bạt đi xứ khác. Nhưng rồi đầu thế kỷ XX, họ lại trở về với núi Hồng - sông Lam, với đất hương hỏa của tổ tiên, với đền, chùa trên núi, thuyền nan, thuyền gỗ dưới sông.

Năm 1965, trăm người như một, quê tôi xé thịt da hứng chịu bom đạn của giặc Mỹ để giữ đường, giữ làng, giữ đền, chùa trên núi. Người chết, nhà cháy, làng mạc tan hoang nhưng đường bộ, đường sông không một giây tắc nghẽn. Sau chiến tranh, người quê tôi cởi bỏ những bộ quần áo còn bốc mùi khói bom, dính máu đỏ, bắt tay vào xây móng dựng nhà, cày ruộng, trồng lúa, trồng cây, đánh cá, hội làng, lễ tiết.

Rồi thời hậu chiến, bao cấp, những bất công, thiếu thốn, đói khát như mưa bão quật vào quê tôi. Hàng ngàn người con vùng đất núi Hồng - sông Lam ra chiến trường đánh Mỹ, ngày chiến thắng chỉ mấy trăm người trở về với những tấm thân không còn nguyên vẹn. Cửa hàng quốc doanh chen chân chia nhau hạt bo bo, mảnh vải màn. Dọc hai con đường lớn đang vá víu, những sườn đồi trống trơ đất sỏi và cỏ khô vàng úa. Cứ thế trải dài non mười năm, mãi tới năm 80 của thế kỷ trước…

Người quê tôi

Phối cảnh một góc quy hoạch khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng.

Sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo như làn gió ấm áp mạnh mẽ thổi về đất núi Hồng - sông Lam. Người quê tôi ào ạt lên bám đường, bám núi. Phải mở mang, phải xây dựng những thứ đem lại lợi ích cho cư dân vùng đất nhìn đâu cũng thấy ra sự phồn vinh. Và nhà máy, công ty, xí nghiệp ra đời. Và dân các nơi tìm đến quê tôi. Họ mang theo nghề nghiệp từng nuôi sống họ, mang theo bản sắc văn hóa vùng đất họ sinh ra và lớn lên. Vùng núi Hồng - sông Lam trở nên sầm uất. Cả dải đất dài biền biệt dọc theo chân núi xuống tận sông Lam, quán hàng chen chúc, đèn điện giăng ngang, giăng dọc. Thế nhưng, rồi nhiều người bỏ làng vào các khu công nghiệp. Đất thổ cư, đất ruộng hẹp dần dành phần cho các dự án. Nhà cao tầng lô xô dọc đường phố, dưới chân núi, bên bờ sông.

Người quê tôi

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và chủ đầu tư động thổ khởi công dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Cổng Khánh 1 tại phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh). Dự án được triển khai trên quy mô diện tích 45 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 255 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư IDI (TP Hà Tĩnh) thực hiện.

May mắn mà như một tất nhiên, quê tôi còn nhiều lắm những người bao gồm nhiều thế hệ dù xa, dù gần và ở bất cứ đâu trong xã hội vẫn nhận ra cái tinh hoa, hồn cốt của quê hương. Di sản văn hóa truyền thống đã lặn vào suy tư, thấm đẫm trong thao thức của họ. Phát triển kinh tế là chuyện muôn đời. Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa cha ông dựng xây, trao truyền để làm nền tảng cho mọi lành mạnh, tử tế thì người quê tôi chẳng thua kém mấy người. Hôm nay, ngày mai và mãi mãi, sẽ có nhiều người quê tôi quên mình với sứ mệnh đánh thức lịch sử và truyền thống đất núi Hồng - sông Lam.

Một ngày áp tết, mưa giăng giăng, tôi lên chùa Thiên Tượng trên núi Hồng Lĩnh, nhìn về sông Lam chợt nhớ thắng cảnh “Đá Ông - Bà”. Một cặp “Đá Ông - Bà” ở bãi biển dưới chân núi Hồng Lĩnh về phía Đông Nam; một cặp khác mọc từ nước bên dòng tả ngạn sông Lam. Bỗng nghĩ, “Đá Ông - Bà” là biểu tượng tình yêu son sắt của người quê tôi với văn hóa, con người.

Những phong tục, tập quán, lời ăn tiếng nói, những truyện cổ tích, thần thoại, dân ca, dân vũ, trò chơi, lễ hội, những đình chùa, đền miếu thờ thánh thần và danh nhân… tự bao đời người quê tôi đã nương tựa vào đó, vịn lấy nó mà chiến thắng đói nghèo, thiên tai, giặc giã để dựng xây tình yêu, khát vọng về tương lai. Con đường dựng xây ấy còn gập ghềnh bao nẻo ngang, nẻo tắt thì cặp “Đá Ông - Bà” vẫn cắm chân vào đất như đã từng từ thuở khai thiên tịch. Người quê tôi tin vậy.

Tháng Chạp, 2020.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.