Nguồn vốn dồi dào, vì sao hợp tác xã vẫn khó tiếp cận?

(Baohatinh.vn) - Tổng dư nợ lĩnh vực kinh tế tập thể Hà Tĩnh hiện đạt hơn 106 tỷ đồng và đang có xu hướng giảm. Theo nhận định, “sức khỏe yếu” là nguyên nhân chính khiến các hợp tác xã khó tiếp cận vốn.

Hợp tác xã (HTX) Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) là một trong số ít HTX trên địa bàn đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Lựa chọn chế biến, sản xuất bánh đa vừng làm ngành nghề kinh doanh chính, với sự quyết đoán, táo bạo trong đường hướng sản xuất gắn với việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đến nay, bánh đa vừng Nguyên Lâm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, thương hiệu bánh đa vừng Nguyên Lâm còn được người tiêu dùng Nhật Bản, Anh đón nhận tích cực.

bqbht_br_z6368493597387-d5a11d193e6158f9a552838aa086fa10.jpg
Cuối năm 2024, HTX Nguyên Lâm vay 2,8 tỷ đồng đầu tư dây chuyền sản xuất bánh đa vừng.

Ông Lê Văn Duẩn – Giám đốc HTX Nguyên Lâm thông tin: "Năm 2025, HTX đặt mục tiêu tiêu thụ trên 5 triệu bánh đa vừng, trong đó 20% sản lượng xuất khẩu, doanh thu trên 8 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024). Năng lực, quy mô sản xuất của HTX đảm bảo nên cuối năm 2024, chúng tôi vừa được vay thêm 2,8 tỷ đồng tại Agribank Bắc Kỳ Anh để đầu tư dây chuyền sản xuất theo quy trình khép kín".

Thực tế cho thấy, HTX Nguyên Lâm là 1 trong số ít các HTX đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thương mại. Hà Tĩnh có 1.009 HTX, trong đó 916 HTX đang hoạt động song hiện chỉ có 33 HTX còn dư nợ ngân hàng. Theo tìm hiểu, các HTX gặp khó trong việc tiếp cận tín dụng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, môi trường.

HTX Dịch vụ tổng hợp, môi trường Thạch Ngọc (Thạch Hà) chuyên thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Thạch Ngọc và vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại 4 xã: Việt Tiến, Thạch Kênh, Thạch Liên, Ngọc Sơn. Hơn 10 năm qua, HTX luôn chật vật do nguồn thu từ dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt không đủ trang trải chi phí hoạt động.

bqbht_br_012.jpg
HTX Dịch vụ tổng hợp, môi trường Thạch Ngọc không thể vay vốn ngân hàng do năng lực hạn chế.

Theo ông Phan Danh Tuấn – Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp, môi trường Thạch Ngọc: Hiệu quả hoạt động thấp, nhiều lần HTX muốn chuyển đổi mô hình, mở mang ngành nghề song không đủ nguồn lực thực hiện. Nhiều năm qua, HTX không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng; khi cần vốn, một số thành viên HTX cắm bìa đất gia đình để cho HTX vay, song nguồn vốn ít ỏi nên mọi ý định sản xuất, kinh doanh đều “nằm trên giấy”, đời sống người lao động khó khăn.

Theo phản ánh, HTX ngoài hoạt động thiếu hiệu quả thì đội ngũ cán bộ quản lý chủ yếu chưa qua đào tạo, năng lực quản lý còn yếu nên gặp khó khăn trong quản lý, lập kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều HTX không có tài sản hoặc giá trị tài sản cố định thấp, lại chủ yếu ở dạng trụ sở làm việc, công trình được giao quản lý nên HTX thiếu tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II là một trong những ngân hàng chú trọng cho vay vốn đối với khu vực HTX, kinh tế tập thể song đến nay dư nợ lĩnh vực này của chi nhánh còn khiêm tốn (trên 19 tỷ đồng).

bqbht_br_z6368910905922-c8dd90836c7d332cdc8e0e08a17333d5.jpg
Dư nợ HTX, kinh tế tập thể tại Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II hiện chỉ đạt trên 19 tỷ đồng.

Theo đại diện Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II: Thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực để đưa nguồn vốn “giá rẻ” đến với các HTX, tổ hợp tác. Tuy vậy, do việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp chưa được tốt, số HTX sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít; hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp nên khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình tín dụng liên quan đến khu vực kinh tế tập thể, HTX; tiếp tục tạo thuận lợi để các HTX đủ điều kiện vay vốn đầu tư phát triển.

Theo ghi nhận, các “ông lớn” như: Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, VietinBank Hà Tĩnh, BIDV Hà Tĩnh, Vietcombank Hà Tĩnh và một số ngân hàng cổ phần quy mô trên địa bàn cũng đã tiên phong cho vay khu vực kinh tế tập thể với các chương trình tín dụng ưu đãi; tuy vậy, tổng dư nợ của lĩnh vực này còn khiêm tốn. Tính đến 15/2/2025, dư nợ cho vay đối với HTX, tổ hợp tác của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh là 106,861 tỷ đồng (giảm 3% so với cuối năm 2024).

Để gia tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thời gian tới, ngoài sự nỗ lực đổi mới từ nội tại các HTX, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX; tăng cường thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó cho các HTX; chú trọng hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các HTX; đặc biệt giúp các HTX tiếp cận kịp thời, đầy đủ nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

bqbht_br_z6368907319981-593400679e56a178d183b2251b33e37d.jpg
VietinBank Hà Tĩnh là 1 trong những ngân hàng tạo điều kiện cho vay khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Đối với ngành Ngân hàng sẽ đẩy mạnh hướng dẫn và cho vay theo các chính sách ưu đãi của ngành và của tỉnh. Bao gồm: cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ và Nghị định 116/2016/NĐ-CP sửa đổi; Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2025...

Cùng đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; tập trung hỗ trợ, tư vấn giúp HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, xây dựng dự án vay vốn đảm bảo tính khả thi; đẩy mạnh tuyên truyền giúp HTX hiểu rõ chính sách tài chính, tiền tệ và cơ chế tín dụng; tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, Liên minh HTX Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động tọa đàm, đối thoại, kết nối giữa HTX và các tổ chức tín dụng…

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Giá vàng hôm nay 24/5/2025: Hướng tới tuần tăng giá mạnh

Giá vàng hôm nay 24/5/2025: Hướng tới tuần tăng giá mạnh

Giá vàng hôm nay 24/5/2025: Giá vàng tăng gần 2% và hướng tới tuần tăng tốt nhất trong 6 tuần gần đây, khi nhà đầu tư đổ xô tìm đến tài sản an toàn trước những lời cảnh báo áp thuế mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với sự suy yếu của đồng USD.
Mục sở thị quy trình nuôi tằm trong phòng điều hòa

Mục sở thị quy trình nuôi tằm trong phòng điều hòa

Vượt qua những khó khăn ban đầu, HTX Mật ong Cường Nga (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã làm chủ kỹ thuật nuôi tằm và xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân.
Gỡ khó trong kinh doanh cát sỏi ở Nghi Xuân

Gỡ khó trong kinh doanh cát sỏi ở Nghi Xuân

Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã tiến hành quy hoạch, cấp phép hoạt động cho một số bến thủy nội địa, góp phần giúp doanh nghiệp vật liệu xây dựng thuận lợi trong kinh doanh, đảm bảo quy định pháp luật.
Nông dân Cẩm Xuyên trồng sả tía cho thu nhập cao

Nông dân Cẩm Xuyên trồng sả tía cho thu nhập cao

Phát huy tiềm năng kinh tế vùng bán sơn địa, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã tập trung phát triển mô hình trồng sả tía trên đất vườn đồi. Từ một vài hộ trồng thí điểm ban đầu đến nay, toàn xã đã có hơn 30ha trồng sả tía, đưa lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Nguy cơ thiếu nước cục bộ: Áp lực lớn cho sản xuất hè thu tại Hà Tĩnh

Nguy cơ thiếu nước cục bộ: Áp lực lớn cho sản xuất hè thu tại Hà Tĩnh

Hiện đang là cao điểm thu hoạch lúa vụ xuân nhưng lịch sản xuất vụ hè thu cũng đã cận kề. Trong điều kiện nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hệ thống kênh tưới bị xuống cấp, tạo ra áp lực cho tiến độ, diện tích và năng suất vụ sản xuất hè thu tại một số địa phương.