Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh là một trong những đơn vị quan tâm phối hợp thực hiện khám sức khỏe định kỳ, cấp phát thuốc cho người lao động.
Hơn 10 năm gắn bó với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh, hơn ai hết, anh Bùi Anh Tuấn (công nhân Chi nhánh Công viên và Cây xanh) hiểu được giá trị, lợi ích của mỗi lần được thăm khám sức khỏe nghề nghiệp.
Anh cho biết: “Làm việc trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là cả những ngày mưa bão, lại thêm việc leo trèo, chúng tôi được công ty đặc biệt quan tâm các vấn đề về xương khớp, cột sống và huyết áp. Nhiều bộ phận khác trong môi trường độc hại như xử lý thoát thải, đường ống… cũng luôn được công ty chủ động đề xuất khám chuyên khoa. Thông qua những đợt khám định kỳ, một số đồng nghiệp của tôi đã được phòng ngừa, phát hiện sớm nhiều nguy cơ bệnh tật”.
Cũng thường xuyên phải làm việc trong môi trường bụi, ô nhiễm, chị Nguyễn Thị Hoa – công nhân Công ty CP Gạch ngói Cầu Họ cho biết, chị cùng với hơn 140 nữ lao động ở đây không chỉ được khám sức khỏe định kỳ mà còn được quan tâm theo chuyên khoa. Sau mỗi lần khám, nếu có vấn đề về sức khỏe, chị em được hỗ trợ kinh phí tái khám, được luân chuyển vị trí công việc; công ty cũng đầu tư cải thiện môi trường, thiết bị làm việc nhằm hạn chế thấp nhất những nguy cơ về bệnh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, không nhiều đơn vị thực hiện tốt quy định khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ như những công ty trên.
Có 32 công đoàn cơ sở với gần 1.900 đoàn viên, tuy nhiên, thời gian qua, công đoàn ngành xây dựng mới chỉ có 6 đơn vị với 762 NLĐ được khám sức khỏe định kỳ. Rất ít đơn vị coi đó phải là hoạt động thường xuyên, là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (DN), đơn vị với người lao động. Thậm chí, nhiều đơn vị như Công ty CP Vật liệu xây dựng Lam Hồng, Công ty TNHH Đồng Tiến, Công ty Tư vấn xây dựng Hà Tĩnh… từ khi thành lập đến nay, chưa một lần tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ.
Ông Trần Hậu Hùng - Chủ tịch Công đoàn ngành xây dựng cho rằng: Hầu hết các DN trực thuộc ngành trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, hoạt động không tập trung. Bên cạnh đó, việc giám sát, thực thi pháp luật lao động chưa nghiêm nên vấn đề khám sức khỏe định kỳ chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của NLĐ.
Hiện nay, do điều kiện môi trường, sức ép công việc nên số lượng và nguy cơ NLĐ bị mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng gia tăng. Điều đáng nói là không chỉ nhiều DN ngoài quốc doanh cố tình vi phạm mà tại các cơ quan hành chính nhà nước, việc khám sức khỏe định kỳ theo luật quy định cũng chưa được quan tâm. Lý do được đưa ra để biện minh thường là kinh phí không đủ cho hoạt động này. Tuy nhiên, thực tế tại các đơn vị thực hiện tốt, có thể thấy, kinh phí chưa phải là vấn đề được đặt lên hàng đầu, điều cốt lõi là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc thực thi pháp luật lao động.
Cùng với lý do trên, ý thức của NLĐ trong việc tự bảo vệ sức khỏe cũng còn nhiều điều đáng bàn. Rất nhiều NLĐ không có thói quen quan tâm đến sức khỏe để tự giác đi khám. Họ chỉ tìm đến cơ sở y tế khi có triệu chứng của bệnh và nhiều khi phát hiện ra bệnh thì cũng đã muộn. Chị Hoàng Thị Hà - thành viên HTX Quản lý đầu tư xây dựng & Môi trường đô thị Hương Sơn chia sẻ, đi làm đã 16 năm mà chị mới được khám sức khỏe tại công ty 1 lần, một phần không có điều kiện về kinh phí, thời gian, phần cũng vì không ai nhắc nhở nên chủ quan.
Việc khám sức khỏe định kỳ giúp DN biết được thể trạng của mỗi lao động để có phương án điều chỉnh, bố trí hợp lý, từ đó, giúp NLĐ ngăn ngừa, phát hiện, điều trị bệnh sớm; giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động. Cũng nhờ đó, NLĐ sẽ thêm động lực, gắn bó lâu dài, góp phần vào sự phát triển bền vững của đơn vị.
Với thực trạng hiện nay, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, công đoàn, ngành y tế… được xem là những động thái tích cực nhất để chủ sử dụng lao động coi trọng hơn vấn đề chăm lo sức khỏe cho NLĐ.