Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số ở Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Ngành dân số huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tăng cường triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao nhận thức, hành động về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Xã Đan Trường (huyện Nghi Xuân) hiện có gần 7.500 nhân khẩu. Là địa phương vùng biển nên cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu gắn liền với nghề biển. Trong suy nghĩ của nhiều người, quan niệm “đông con thì đông của” vẫn còn ảnh hưởng. Để thay đổi quan niệm đó và thực hiện hiệu quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chính quyền địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền hữu hiệu.

Người dân xã Đan Trường tham gia hoạt động khám bệnh tại chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình năm 2024.

Chị Trần Thị Mai - chuyên trách DS (Trạm Y tế xã Đan Trường) cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “công tác DS trong tình hình mới” tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Theo đó, thông qua các buổi sinh hoạt thôn, các buổi họp của Hội LHPN, Đoàn thanh niên, mạng xã hội... chúng tôi đã tuyên truyền về việc giảm sinh con thứ 3 trở lên, mất cân bằng giới tính khi sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai và nâng cao chất lượng DS...”.

Từ các hoạt động trên, năm 2024, xã Đan Trường chỉ có 18 trẻ được sinh ra là con thứ 3, chiếm tỷ lệ 21,69% (tỷ lệ toàn huyện là 30,81%). Tỷ lệ phát triển DS tự nhiên là 0,31% (tỷ lệ toàn huyện là 0,8%)… Những kết quả đạt được của xã đã góp phần quan trọng cùng các địa phương khác thực hiện hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện.

Còn tại xã Cổ Đạm, ngoài hoạt động tư vấn, vận động về DS-KHHGĐ thì công tác truyền thông về khám chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân cũng được thực hiện rất hiệu quả. Xã đã thực hiện các nội dung tuyên truyền thiết thực, hình thức đa dạng như: tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các địa điểm công cộng, truyền thông qua hệ thống loa phát thanh...

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà - chuyên trách DS (Trạm Y tế xã Cổ Đạm) thông tin: “Hằng năm, địa phương phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Cùng đó, phối hợp với Chi cục DS tỉnh, Công ty Cổ phần Công nghệ Hóa Sinh Việt Nam triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án 818 gồm: Siêu âm ổ bụng, kiểm tra chỉ số khối cơ thể, kiểm tra nhanh tiểu đường. Đồng thời, truyền thông, tư vấn nâng cao sức khỏe, kỹ năng phòng chống các bệnh không lây nhiễm, các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản… cho người dân”.


Các đề án nâng cao chất lượng DS được huyện Nghi Xuân triển khai kịp thời, đúng hướng dẫn, phù hợp với tình hình của địa phương.

Cùng với xã Đan Trường, Cổ Đạm, 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã chú trọng đến hoạt động tư vấn do đội ngũ cán bộ y tế, dân số và mạng lưới cộng tác viên thực hiện tại các cụm dân cư. Riêng năm 2024, ngành DS huyện Nghi Xuân đã thực hiện nhiều mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS như: Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Đề án chăm sóc sức người cao tuổi… Các đề án được triển khai kịp thời, đúng hướng dẫn, phù hợp với tình hình của địa phương.

Cùng đó, ngành DS địa phương đã phối hợp với Tổ chức MSI Việt Nam và Chi cục DS tỉnh tổ chức đào tạo kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung và cấy thuốc tránh thai cho cán bộ y tế tuyến huyện. Phối hợp với các khoa, phòng thuộc Trung tâm Y tế huyện tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép đáp ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho 17 xã, thị trấn.

Ngành DS huyện Nghi Xuân đã tích cực đẩy mạnh việc truyền thông trên mạng xã hội, hệ thống loa phát thanh, tờ rơi... Phối hợp với Hội LHPN huyện tập huấn về chính sách DS và phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản tại các xã, thị trấn. Năm 2024, đã có trên 115 tin, bài về công tác DS được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của đơn vị và Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh. Tổ chức truyền thông, đối thoại trực tiếp về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đoàn viên, thanh niên, xây dựng, hỗ trợ sinh hoạt câu lạc bộ tiền hôn nhân tại các trường THCS và THPT… Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, tập trung cao điểm vào các dịp: Ngày DS thế giới (11/7), Ngày DS Việt Nam (26/12), Tháng hành động quốc gia về DS và lồng ghép vào các ngày lễ, các phong trào tại địa phương…

Ngoài hoạt động khám sức khỏe định kỳ, các hoạt động thể dục thể thao dành cho người cao tuổi cũng được huyện Nghi Xuân tích cực triển khai.

Nhờ đó, năm 2024, tỷ lệ phát triển DS tự nhiên đạt 0,8% (giảm 0,03% so với năm 2023). Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 424 cháu, giảm 14 trẻ so với năm 2023. Tỷ số giới tính khi sinh đạt 105 bé trai/100 bé gái (giảm 12,7 điểm %). Số vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ mới thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 111,57% kế hoạch năm… Số người cao tuổi được khám và lập hồ sơ sức khỏe định kỳ tại trạm y tế đạt 115,3% (tăng 15,3% so với năm 2023).

Thời gian tới, cùng với việc tham mưu kịp thời các văn bản về công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới, đơn vị sẽ phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ về sức khỏe sinh sản. Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực DS-KHHGĐ. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS. Huy động các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng tích cực tham gia công tác truyền thông, giáo dục về DS. Đưa các chủ trương, chính sách quy định về DS-KHHGĐ vào quy ước tại các cơ quan, đơn vị và hương ước tại các thôn, tổ dân phố…

Ông Lê Nguyên Hiếu - Trưởng phòng DS, Truyền thông (Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân)

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói