Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Dám nghĩ dám làm, nhiều thanh niên trên địa bàn Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình kinh tế góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, địa phương.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên Nghi Xuân

Cơ sở sản xuất nước tinh khiết “Khe Trồng Chuối” của đoàn viên Võ Văn Anh được thành lập năm 2022

Tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng - Trường Đại học Vinh (Nghệ An), năm 2022, Võ Văn Anh (SN 1994, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) đã mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.

Ngoài số tiền tích góp của gia đình và sự ủng hộ của bạn bè, Võ Văn Anh vay thêm ngân hàng hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị, máy móc để sản xuất nước lọc tinh khiết mang nhãn hiệu "Khe Trồng Chuối”. Hiện nay, cơ sở của anh cung cấp ra thị trường hơn 200 bình nước loại 20 lít và hàng nghìn chai nước loại từ 350 ml -1,5l/ngày. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh thu về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.

"Giai đoạn đầu kinh doanh gặp khó do sản phẩm mới nên thị trường tiêu thụ không ổn định. Nhưng với quyết tâm, sự động viên của mọi người, tôi đã không chùn bước, tiếp tục đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Được sự đồng hành của Huyện đoàn Nghi Xuân trong việc quảng bá sản phẩm, đến nay, thương hiệu nước uống đóng chai Khe Trồng Chuối từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường”- đoàn viên Võ Văn Anh phấn khởi.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên Nghi Xuân

Sau 3 năm xây dựng, đến nay sản phẩm Đông trùng hạ thảo Phú Nhân của anh Trịnh Thế Cường đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường

Năm 2021, anh Trịnh Thế Cường (SN 1987) cùng gia đình đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị trị giá trên 1,2 tỷ đồng và bắt đầu triển khai sản xuất loại nấm quý hiếm đông trùng hạ thảo trên diện tích khoảng 200m2. Sau 3 năm sản xuất, đến nay sản phẩm Đông trùng hạ thảo Phú Nhân đã ổn định sản xuất, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Anh Trịnh Thế Cường - Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng Hoàng Khôi cho biết: “Sản phẩm Đông trùng hạ thảo Phú Nhân đã đạt chuẩn OCOP 4 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc. Hiện nay, sản phẩm của công ty được phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố và lượng khách quay trở lạ sử dụng đến 95%. Ngoài đông trùng hạ thảo tươi và sấy, hiện chúng tôi đang nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm khác như rượu, mật ong ngâm đông trùng hạ thảo”.

Trên đây là 2 trong số 70 mô hình kinh tế do đoàn viên thanh niên làm chủ đang hoạt động trên địa bàn Nghi Xuân. Các mô hình được thành lập đa ngành nghề từ nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí đến kinh doanh thương mại, giáo dục, dịch vụ, du lịch... với quy mô đầu tư từ 200 triệu đồng đến trên 2 tỷ đồng. Các mô hình đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với mức thu nhập tối thiểu 5 triệu đồng/người/ tháng.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên Nghi Xuân

Tổ chức đoàn huy động lực lượng đoàn viên hỗ trợ ngày công xây dựng các mô hình kinh tế.

Bí thư Huyện đoàn Nghi Xuân Nguyễn Thị Hồng Minh cho hay: “Thời gian qua, Huyện đoàn Nghi Xuân cùng các địa phương thường xuyên quan tâm, rà soát, phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, huy động lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ ngày công xây dựng mô hình. Chúng tôi cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để hỗ trợ vốn vay cho các mô hình; vận dụng các nguồn vốn để hỗ trợ các mô hình.

Huyện đoàn đã thành lập CLB Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp nhằm tạo điều kiện để các mô hình chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của các mô hình tại các chương trình, hội chợ thương mại góp phần tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm của đoàn viên".

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.