Nơi tấp nập, chỗ đìu hiu
Trạm Y tế phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh) bình quân đón tiếp 30-40 bệnh nhân/ngày. Trạm trưởng Lê Hùng Cường cho biết: “Ngoài bệnh nhân là người dân địa phương, trạm còn phục vụ công nhân lao động trên địa bàn - những người từ các nơi khác đến. Bệnh nhân không chỉ đến trong giờ hành chính mà ngoài giờ cũng rất đông. Vì vậy, nhân viên trạm phải thường xuyên làm việc ngoài giờ. Riêng thứ 7 và chủ nhật, theo quy định thì chỉ có 1 người trực, nhưng trạm phải bố trí 2 người”.
Nhân viên Trạm Y tế phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh) chăm sóc bệnh nhi
Nhiều trạm y tế khác cũng thu hút đông bệnh nhân đến chăm sóc sức khỏe ban đầu như: Xã Xuân Hải (Nghi Xuân); Sơn Kim I, Sơn Diệm (Hương Sơn); Hộ Độ (Lộc Hà); Thạch Tân (Thạch Hà); Trung Lễ (Đức Thọ)…
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít trạm y tế ít bệnh nhân, nhất là các trạm gần bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố. Bác sỹ Trần Hậu Cư – Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Kể từ khi thông tuyến BHYT thì lượng bệnh nhân đến trạm giảm mạnh, có ngày không có bệnh nhân nào”.
Buổi chiều, Trạm Y tế phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) thường vắng bệnh nhân.
Trạm Y tế phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) cũng chung thực trạng. Chúng tôi có mặt tại trạm vào một buổi chiều, chứng kiến trạm vắng hoe, không một bóng bệnh nhân, chỉ có 2 nhân viên trực. Một nhân viên cho biết, chỉ có trạm trưởng là y sỹ mới được phép khám bệnh. Vì vậy, hôm nào trạm trưởng đi vắng là không phục vụ được bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Bệnh nhân thường đến vào buổi sáng, chủ yếu là nhóm bệnh nhân bị các bệnh mãn tính, ngại đi bệnh viện phải chờ lâu nên đến trạm khám, lấy thuốc.
Tổ chức lại trạm y tế theo quy mô vùng, miền
Theo dự thảo đề án “Sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành y tế Hà Tĩnh” của UBND tỉnh trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gần đây, trạm y tế xã, phường, thị trấn sẽ được rà soát, sắp xếp hợp lý theo hướng bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi về điều kiện địa lý; tổ chức lại trạm y tế theo quy mô vùng 1, 2, 3. Các trạm y tế ở vùng 1 chỉ thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ và giảm số người làm việc. Các trạm xa trung tâm huyện lỵ hơn (vùng 2) và các trạm y tế ở địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn (vùng 3) thì thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và được tăng cường số người làm việc.
Tại các trạm y tế ở vùng 1, bệnh nhân đến khám chủ yếu thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm thuộc diện quản lý
Căn cứ vào quy mô dân số, diện tích và điều kiện địa lý các xã, phường, dự kiến sáp nhập 81 trạm y tế, giảm 42 trạm so với hiện có. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế theo Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế, đồng thời bổ sung thêm nhiệm vụ về công tác DS/KHHGĐ và công tác y tế học đường trên địa bàn. Mỗi trạm bố trí 1-2 biên chế viên chức y tế thực hiện công tác dân số, y tế học đường tùy thuộc vào dân số và số trường học trên địa bàn.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, ngành sẽ sáp nhập các trạm y tế trước khi các địa phương thực hiện sáp nhập địa giới hành chính cấp xã.
Nhiều trạm trưởng và viên chức trạm y tế cho rằng, thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động. “Nếu sáp nhập, trạm y tế sẽ tăng nguồn lực để tổ chức hoạt động chuyên sâu hơn” - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thạch Quý Trần Hậu Cư khẳng định.