Những giá trị di sản của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

(Baohatinh.vn) - Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác diễn ra vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) và ngày càng lan tỏa đến mọi miền.

Những giá trị di sản của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác Xuân Quý Mão 2023 khai hội bằng hội đua thuyền trên sông Ngàn Phố vào ngày mồng 8 tháng Giêng.

Tri ân bậc Đại danh y “đức cao vọng trọng”

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông bắt nguồn từ tín ngưỡng của người dân Hương Sơn trong việc tri ân Đại danh y Lê Hữu Trác (thế kỷ XVIII), người có công lao to lớn trong việc dùng y thuật của mình để chữa bệnh cứu người.

Đại danh y Lê Hữu Trác (1724-1791) sinh ra tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), trong một gia đình có truyền thống khoa cử. Cha ông là Lê Hữu Mưu đỗ Đệ tam giáp Tiến sỹ làm Thị lang Bộ Công và triều Lê Dụ Tông; mẹ là bà Bùi Thị Thưởng, một phụ nữ thông minh, hiền lành quê ở Bàu Thượng, Tĩnh Diệm, Hương Sơn (nay là xã Quang Diệm, Hương Sơn).

Những giá trị di sản của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

Bức họa chân dung Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh: Internet

Lê Hữu Trác từng thi đậu tam trường, sau khi cha mất, ông từ bỏ con đường khoa cử chuyển sang học võ, nghiên cứu binh thư và tham gia trận mạc. Sau mấy năm chinh chiến, ông lấy cớ xin về chăm sóc mẹ già ở Hương Sơn và không màng đến danh lợi mà chuyên tâm nghiên cứu về nghề thuốc, chữa bệnh cứu người, tự đặt cho mình biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Về sau, ông trở thành vị Đại danh y nổi tiếng, được xem là ông tổ của ngành đông y Việt Nam, là người đặt nền móng cho ngành y học nước nhà.

Trong sự nghiệp của mình, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã sưu tầm và phát hiện trên 300 vị thuốc nam, tổng hợp 2.854 phương thuốc chữa bệnh phổ biến cho Nhân dân. Riêng cuốn "Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập và 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền dân tộc, được xem là báu vật của nền y học Việt Nam. Đặc biệt, với 9 bài học về y đức dành cho người thầy thuốc chữa bệnh cứu người trong Y huấn cách ngôn mà ông để lại mãi là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho thế hệ sau tiếp nối.

Những giá trị di sản của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở khuôn viên khu mộ tại xã Sơn Trung (Hương Sơn).

Với những đóng góp to lớn cho dân tộc, sau khi Lê Hữu Trác mất, hằng năm, vào dịp ngày giỗ của ông, người dân Hương Sơn tề tựu dâng hương, hoa làm lễ tế bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức của vị danh y. Về sau, người dân cũng tổ chức nhiều hoạt động hội với các trò chơi dân gian nhằm tạo không khí sôi nổi, vui chơi trong dịp đầu xuân.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng từ đó mà hình thành, phát triển, trở thành nét văn hóa không thể thiếu mỗi dịp xuân về của người dân vùng lân cận nói riêng và Hương Sơn nói chung. Năm 2015, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Những giá trị di sản của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông hằng năm được tổ chức long trọng. Ảnh: Tư liệu

Ông Trần Văn Dĩnh (71 tuổi, xã Sơn Giang, Hương Sơn) cho biết: “Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông không chỉ giúp các thế hệ người dân Hương Sơn tiếp nối truyền thống tri ân cội nguồn mà còn là dịp để chúng tôi được hòa vào không khí mùa xuân sôi nổi.

Qua đây động viên, khích lệ mỗi người có trách nhiệm, nỗ lực xây dựng quê hương, nhất là mỗi mùa xuân đất nước ngày càng khang trang, đổi mới”.

Lan tỏa giá trị di sản

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông gắn với quần thể khu di tích về Đại danh y Lê Hữu Trác trải dài trong không gian 8 km, trên địa bàn 3 xã Sơn Trung (khu mộ và tượng đài), Quang Diệm (nhà thờ) và Sơn Giang (chùa Tượng Sơn) đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1990.

Như nhiều lễ hội khác, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra vào ngày 13 và 14 tháng Giêng hằng năm với lễ dâng hương tại khu mộ, nhà thờ; lễ rước từ khu mộ về nhà thờ; lễ cầu an, cầu sức khỏe tại chùa Tượng Sơn. Bên cạnh phần lễ là phần hội, gồm nhiều trò chơi dân gian, hội thi như: đua thuyền trên sông Ngàn Phố, thi trưng bày diều, nấu bánh chưng, trò chơi đẩy gậy, vật tay…

Những giá trị di sản của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

Người dân khắp mọi miền về dâng hương hoa tri ân Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Xuân Quý Mão 2023 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, thời tiết đẹp càng khiến lễ hội Hải Thượng Lãn Ông trở nên rộn ràng. Lễ khai hội diễn ra vào mùng 8 tháng Giêng với hội thi đua thuyền trên sông Ngàn Phố. Hàng nghìn người dân từ khắp các xã, thị trấn của huyện Hương Sơn háo hức tham gia càng thấy được sức lan tỏa mạnh mẽ của lễ hội trong đời sống người dân nơi đây.

Được khôi phục từ năm 2013, hội đua thuyền trên sông Ngàn Phố nằm trong chuỗi hoạt động lễ hội Hải Thượng Lãn Ông. Năm 2023, hội thi đua thuyền có sự tham gia của 30 đội (gồm 23 đội nam và 7 đội nữ) đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Kết quả, giải nhất thuộc về đội đua thuyền nam thị trấn Phố Châu và đội đua thuyền nữ xã Sơn Kim 2.

Những giá trị di sản của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

Hội đua thuyền trên sông Ngàn Phố.

Anh Nguyễn Đăng Tuấn (SN 1998, xã Sơn Long) bày tỏ: “Từ nhỏ, tôi đã luôn háo hức theo bố mẹ, anh chị tham gia lễ hội Hải Thượng Lãn Ông. Lễ hội mang nhiều ý nghĩa, không chỉ nhắc nhớ chúng tôi lòng biết ơn về công lao của Đại danh y mà còn khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết của người dân Hương Sơn nói chung”.

Để lễ hội ngày càng lan tỏa trong đời sống người dân địa phương, thay vì tỉnh và huyện chủ trì như nhiều năm trước, năm 2023, dưới sự chỉ đạo của các cấp, ngành, các địa phương có di tích được tự đứng ra đảm nhận các phần việc.

Những giá trị di sản của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

Màn đấu gậy gay cấn tại lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác Xuân Quý Mão 2023.

Ông Nguyễn Tiến Thích - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết: “Việc được giao chủ trì một số nội dung trong lễ hội khiến chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi. Điều đó đã khơi dậy niềm tự hào cũng như ý thức trách nhiệm của bà con nhân dân về việc tham gia bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa trên quê hương có di tích của Đại danh y Lê Hữu Trác”.

Cùng với Quang Diệm, Sơn Giang, Sơn Trung là nơi có di tích mộ và tượng đài của Đại danh y. Dịp lễ hội này, chính quyền và Nhân dân xã Sơn Trung được giao thực hiện hội thi nấu bánh chưng, công tác đón tiếp dâng hương của các đoàn khách tại khu mộ, phối hợp tổ chức lễ rước…

Những giá trị di sản của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

Hội thi trưng bày diều sáo Hải Thượng Lãn Ông

Không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân Hương Sơn, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông ngày càng lan tỏa đến du khách gần xa. Đặc biệt, lễ hội gắn liền với ngày giỗ Đại danh y là lúc những người làm nghề y từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về để bày tỏ lòng tri ân cũng như học tập những lời giáo huấn y đức của ông tổ ngành y dân tộc.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Lê Thu Hằng (Bộ Y tế) bày tỏ: “Gia đình tôi có 2 thế hệ đều làm trong ngành y dược. Vì thế, hằng năm vào dịp này, chúng tôi vẫn thường về đây để dâng hương bày tỏ lòng tri ân đối với sự đóng góp to lớn của Đại danh y Lê Hữu Trác. Học tập ông tổ ngành y, chúng tôi không ngừng rèn luyện chuyên môn cũng như y đức để thực hiện sứ mệnh chữa bệnh cứu người, phục vụ Nhân dân”.

Những giá trị di sản của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông

Tấm gương y đức của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho thế hệ sau tiếp nối. Trong ảnh: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Lê Thu Hằng (Bộ Y tế) dâng hương hoa tại phần mộ cụ Lê Hữu Trác (xã Sơn Trung, Hương Sơn).

Cùng với sức lan tỏa của lễ hội, những đóng góp to lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho nền y học, văn hóa Việt Nam cũng như thế giới, vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND tỉnh Hưng Yên, Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL hoàn thiện hồ sơ trình đề nghị UNESCO công nhận Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh nhân văn hóa thế giới, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông (1724-2024).

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.