Những người “ăn cơm nhà, vác tù và dân số”

(Baohatinh.vn) - Với khoản phụ cấp ít ỏi, đi lại vất vả nhưng đội ngũ cộng tác viên dân số ở Hà Tĩnh vẫn bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.

3 năm gắn bó với công tác dân số, y tế thôn là cũng chừng ấy thời gian chị Lê Thị Quyên - cộng tác viên (CTV) dân số thôn Phú Hương 1, xã Hương Xuân (Hương Khê) miệt mài với hoạt động bám nắm địa bàn.

Những người “ăn cơm nhà, vác tù và dân số”

Chị Quyên (ngoài cùng bên trái) cùng các chị em CTV dân số xã Hương Xuân thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Toàn thôn Phú Hương 1 có 159 hộ với 547 khẩu nhưng địa bàn rộng, cách trung tâm hơn 4 km, dân cư sống thưa thớt, có những cụm dân cư loa phát thanh không thể phủ sóng đến tận nơi. Thêm vào đó, nhiều gia đình làm việc và ở ngay tại rừng cao su, điện thoại nhiều lúc không liên lạc được, nên mỗi khi muốn tuyên truyền, phổ biến chủ trương, kế hoạch mới, chị phải đến tận nơi để gặp gỡ bà con. Đặc biệt, trong các đợt triển khai chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, để vận động 1 người có khi phải đi rất nhiều lần.

Chị Quyên cho biết: “Ở địa bàn của tôi, nhiều người vẫn còn quan niệm “đông con hơn nhiều của”, “nhà phải có nếp, có tẻ” nên việc đưa chính sách dân số đi vào cuộc sống là điều không dễ. Thế nên, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần chuyển mục tiêu từ DS/KHHGĐ sang dân số và phát triển, nhiệm vụ của chúng tôi là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện sinh đẻ có kế hoạch và tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng. Điều thuận lợi của tôi là ngoài vai trò CTV dân số, y tế thôn, tôi còn là chi hội trưởng phụ nữ nên việc lồng ghép tuyên truyền cho hội viên qua các buổi sinh hoạt cũng đã phát huy hiệu quả”.

Những người “ăn cơm nhà, vác tù và dân số”

Bước chân không mỏi của đội ngũ cán bộ, CTV đã góp phần đưa chủ trương, chính sách dân số đi vào cuộc sống.

Thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ phụ nữ, dân số, y tế thôn nhưng chị Quyên chỉ được hưởng phụ cấp mỗi tháng 540 nghìn đồng. Mặc dù mức phụ cấp đó chưa đủ để trang trải tiền xăng xe, điện thoại nhưng bằng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, chị Quyên vẫn lặng thầm bám địa bàn, thực hiện tốt nhiệm vụ.

Mỗi thôn trên địa bàn xã Hương Xuân có những điểm đặc thù khác nhau. Chính vì vậy, không có công thức chung nào cho các CTV dân số. Tùy vào tính chất riêng, mỗi CTV lại linh hoạt lựa chọn các phương pháp tuyên truyền khác nhau.

Chị Lê Anh Ngọc - cán bộ dân số xã Hương Xuân chia sẻ: “Địa bàn chúng tôi có 9 thôn với gần 4.000 khẩu, trong đó 745 phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai đạt gần 100%. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn khoảng 17,5%, thấp hơn so với bình quân của địa phương. Kết quả đó phần lớn là nhờ vào sự bền bỉ, linh hoạt của đội ngũ cộng tác viên dân số”.

Mong muốn đóng góp một phần công sức trong sự phát triển chung của quê hương, 15 năm nay, cựu chiến binh Lê Thanh Cẩm (thôn Kim Thủy, xã Kim Hoa, Hương Sơn) vẫn gắn bó với nhiệm vụ là CTV dân số kiêm y tế thôn bản.

Ông Cẩm chia sẻ: “Nam giới làm CTV dân số là việc không mấy dễ dàng. Những ngày đầu khi tiếp cận với chị em, cả hai bên đều ngại ngùng nhưng bằng sự kiên trì, khéo léo và cả sự thân quen từ quá trình hơn 30 năm làm y tế thôn bản, tôi đã vượt lên những khó khăn đó. Việc lồng ghép tuyên truyền các chính sách về dân số ngày càng nhẹ nhàng, hiệu quả hơn qua những câu chuyện đời thường”.

Những người “ăn cơm nhà, vác tù và dân số”

CTV Lê Thanh Cẩm (ngoài cùng bên trái) đã có 15 năm gắn bó với công tác dân số trên địa bàn.

Dưới sự cần mẫn, trách nhiệm của CTV dân số Lê Thanh Cẩm, thôn Kim Thủy đã trở thành 1 trong 8 thôn tiêu biểu của huyện Hương Sơn 2 năm liền (2022-2023) không có người sinh con thứ 3. Kết quả đó chính là động lực để ông tiếp tục gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho công tác dân số.

Theo thống kê của ngành dân số, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1.937 CTV dân số được phân bố theo các địa bàn dân cư. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với nhiệt huyết và những cách làm sáng tạo, bước chân thầm lặng của những cán bộ, CTV dân số vẫn miệt mài in dấu trên những nẻo đường đưa chính sách dân số về với người dân.

Thời gian qua, hoạt động của đội ngũ CTV dân số gặp khá nhiều khó khăn, một số địa bàn, CTV dân số không được hưởng phụ cấp nữa nên nghỉ việc. Trước tình hình đó, chi cục đã có nhiều văn bản tham mưu các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết vấn đề phụ cấp cho CTV dân số xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, đề nghị các cấp chính quyền có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời, tạo động lực để đội ngũ CTV dân số gắn bó lâu dài với công việc.

Ông Phan Trường Sang
Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ Hà Tĩnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.