Anh Trần Viết Tuấn - công nhân cơ khí Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh: “Nếu đã chọn học nghề thì phải quyết tâm thành thợ giỏi”
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí và có 5 năm làm việc tại Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm (Hải Phòng), anh Trần Viết Tuấn (SN 1990) quyết định trở về quê hương, xin vào làm việc tại Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh trao bằng khen công nhân lao động tiêu biểu cho anh Trần Viết Tuấn (giữa) tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2021. (Ảnh chụp ngày 26/4).
Công việc hằng ngày của anh Tuấn gắn với những vật tư, dụng cụ cơ khí; kiểm tra, sửa chữa xe thu gom, vận chuyển rác và các bộ phận máy móc tại nhà máy xử lý rác thải. Anh đã có nhiều sáng kiến hay đem lại hiệu quả lớn về kinh tế.
Anh Tuấn lựa chọn học nghề và quyết tâm trở thành thợ giỏi.
Một trong những sáng kiến nổi bật đó là tạo ra chiếc máy ép ống bằng thủy lực để sản xuất đồng loạt các bộ cọc chống đỡ cho cây xanh. Nếu như trước đây, với phương pháp dập thủ công, mỗi ngày một người thợ chỉ có thể làm được 2 bộ cọc hoàn chỉnh, thì nay, với sáng kiến này đã tăng lên 5 bộ cọc/ngày.
Sáng kiến máy ép cọc của anh Tuấn đã làm lợi chi phí, thời gian sản xuất cho công ty.
Bên cạnh đó, anh gia công thêm dụng cụ đo kích thước để cắt cọc chống. Những sáng kiến đó đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tăng năng suất lao động; được lãnh đạo công ty đánh giá cao và đề xuất LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen.
Anh Tuấn chia sẻ: “Học xong THPT, tôi không thi đại học mà chọn học nghề. Tôi đặt mục tiêu là một khi đã chọn học nghề thì phải quyết tâm trở thành thợ giỏi. Và đến nay, tôi đã không phải hối hận với quyết định của mình”.
Ca làm việc của anh Tuấn (bên trái) cùng đồng nghiệp tại xưởng cơ khí của công ty.
Ngay từ khi đang học nghề, anh Tuấn đã giành giải nhất hội thi thợ giỏi của TP Hải Phòng. Khi về làm việc tại Hà Tĩnh, anh cũng xuất sắc giành giải nhất hội thi thợ giỏi cấp công nhân của công ty; nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở...
Anh Nguyễn Xuân Tùng - Xí nghiệp Sản xuất bê tông nhựa nóng - Công ty CP Phát triển công nghiệp - Xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh: “Tiếp cận với công nghệ mới để làm giàu kiến thức, kỹ năng, tay nghề”
Là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành cơ điện tử - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, anh Nguyễn Xuân Tùng (SN 1986) đã áp dụng một cách xuất sắc những kiến thức được học vào thực tiễn công tác.
Sản xuất bê tông nhựa nóng là công nghệ mới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Loại sản phẩm này có nhiều ưu điểm đối với các công trình cầu đường, tuy nhiên, quá trình sản xuất không hề dễ dàng vì nó dễ bị “phân tầng” (các thành phần bị tách ra trong quá trình vận chuyển, sản xuất).
Hệ thống sản xuất bê tông nhựa nóng được điều khiển tự động.
“Để khắc phục nhược điểm này, tôi đã có sáng kiến lắp đặt thêm hệ thống khuấy trộn nhựa polyme. Với hệ thống này, các thành phần có trong sản phẩm được trộn đều, độ liên kết cao, giúp tăng tuổi thọ, tính thẩm mỹ cho mặt đường, cầu, đồng thời giảm thiểu tác động xấu đến môi trường...” - anh Tùng cho biết.
Ngày nay, công nhân như anh Tùng không chỉ làm việc thủ công mà còn áp dụng công nghệ cao trong công việc.
Sáng kiến khuấy trộn này được số hóa bằng phần mềm điều khiển trên hệ thống máy vi tính. Các thông số được lập trình trên phần mềm giúp sản phẩm đảm bảo tiêu chí chất lượng; giảm thời gian, chi phí vận hành, tăng năng suất cho trạm trộn.
Sáng kiến của anh đã giúp sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường.
Anh Tùng còn có nhiều sáng kiến mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp như: hệ thống sấy điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh; sấy nhựa bằng than thay dầu diesel... Những sáng kiến có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đã giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Anh Tùng chia sẻ: “Tiếp cận với công nghệ mới dù khó khăn nhưng cũng là cơ hội để công nhân chúng tôi làm giàu thêm kiến thức, kỹ năng, tay nghề”.
Anh Nguyễn Lương Đăng, Tổ trưởng Tổ điện - Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt: “Thợ giỏi phải có kiến thức của một người thầy, kỹ năng của một người thợ”.
Là người đảm nhận vị trí quản lý Tổ điện của công ty, anh Nguyễn Lương Đăng (SN 1988) được đánh giá là một công nhân có kiến thức chuyên môn vững vàng, tay nghề giỏi. Tổ của anh Đăng có 6 người, đảm nhận các công việc cung cấp nguồn điện an toàn, thông suốt đến tất cả các bộ phận máy móc, cầu cảng; sửa chữa, khắc phục sự cố về điện... Đây là một trong những tổ đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với hoạt động tại cảng Vũng Áng.
Anh Nguyễn Lương Đăng (thứ 2 từ trái sang) nhận bằng khen công nhân lao động tiêu biểu tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2021.
Trong quá trình làm gỗ dăm - một mặt hàng truyền thống tại cảng, anh Đăng và các đồng nghiệp gặp một vấn đề khá nan giải khi bộ phận vận chuyển có những hạn chế về kỹ thuật khiến cho dây cáp dễ bị mòn, ảnh hưởng đến công suất nâng, hạ tải. Sau một thời gian nghiên cứu, anh Đăng đã cho ra đời sáng kiến “Gia công, chế tạo bộ đòn gánh cẩu một container xả đáy làm hàng gỗ dăm sử dụng cần cẩu Tukan 1500”.
“Thợ giỏi phải có kiến thức của một người thầy và kỹ năng của một người thợ”.
Sáng kiến được áp dụng đã giải quyết những hạn chế của dây chuyền cũ, tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh còn được đánh giá cao với sáng kiến tích hợp điện nguồn ra và nguồn vào để tiết kiệm dây, chi phí sửa chữa, vận hành hệ thống điện...
Với sự đoàn kết, tổ điện của anh Đăng luôn đi đầu trong phonng trào thi đua của công ty.
Anh Đăng còn là một tổ trưởng, đảng viên gương mẫu. Anh luôn nhiệt tình hướng dẫn các tổ viên những kỹ thuật mới; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của anh em để kịp thời đề xuất với lãnh đạo công ty có những chế độ, chính sách hợp lý. Anh Đăng chia sẻ: “Tôi quan niệm muốn trở thành thợ giỏi phải có kiến thức của một người thầy và kỹ năng của một người thợ. Thế nên, tôi luôn không ngừng nỗ lực học hỏi và rèn luyện”.