Những nốt trầm lặng lẽ…

(Baohatinh.vn) - Tôi thường nghĩ đến hình ảnh những nốt trầm lặng lẽ trên khuông nhạc khi nghĩ về những con người lặng thầm làm những công việc không mấy cao sang. Những nốt nhạc ấy, sẽ trôi đi như gió mây trong bộn bề cuộc sống nhưng cũng để lại những dấu ấn khó quên trong tâm tư nhiều bạn bè, đồng nghiệp.

Tôi thường nghĩ đến hình ảnh những nốt trầm lặng lẽ trên khuông nhạc khi nghĩ về những con người lặng thầm làm những công việc không mấy cao sang. Những nốt nhạc ấy, sẽ trôi đi như gió mây trong bộn bề cuộc sống nhưng cũng để lại những dấu ấn khó quên trong tâm tư nhiều bạn bè, đồng nghiệp.

Nhiều người mà tôi quen biết thường mặc định trong đầu rằng, nghề nghiệp quyết định nhận thức và ứng xử của một người. Với họ, những người lao động chân tay là những người hạn chế về nhận thức. Thực ra, do định kiến đó mà họ ít gần gũi, tiếp xúc với những người có địa vị xã hội thấp hơn mình nên không thể hiểu được cái hay, cái đẹp cũng như những cống hiến lặng thầm của những người lao động bình thường cho xã hội.

Một trong những người bạn lớn tuổi mà tôi được quen biết là thiếu tá Nguyễn Thế Hùng (sinh năm 1966), lái xe tại Phòng Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn - Công an tỉnh. Gần 10 năm quen biết, hình ảnh anh Hùng trong tôi luôn là một người đàn ông đàng hoàng, mẫu mực trong công việc cũng như cuộc sống gia đình. Sự rèn luyện trong công tác cũng như trong giao tiếp, ứng xử của anh khiến nhiều người yêu mến và kính trọng.

Anh Hùng chia sẻ, nguyên tắc đầu tiên là phải tự mình kính trọng mình, như thế người khác mới tôn trọng mình được. Làm nghề lái xe, nhiều người đã không coi trọng rồi, nếu mình còn ăn nói không đàng hoàng nữa thì chắc chắn họ sẽ khinh khi. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu đi học để theo nghề lái xe, hơn nữa lại là lái xe trong ngành công an nhân dân, anh đã nhủ mình phải luôn tự rèn luyện nhân cách, tự học hỏi các kiến thức xã hội để có thể tự tin trong giao tiếp với bạn bè. Dù rằng trong mắt nhiều người, nghề lái xe của anh là một nghề thấp kém nhưng anh luôn tự tin, chưa bao giờ để mình rơi vào cảm giác mặc cảm.

Thượng tá Hoàng Văn Long – Trưởng phòng Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn - Công an tỉnh rất tự hào về anh Nguyễn Thế Hùng cũng như những chiến sỹ lái xe phòng cháy chữa cháy. Hiện tại, ở 3 cơ sở, đơn vị có 9 lái xe, mặc dù công việc rất vất vả và thu nhập thấp hơn những bộ phận khác nhưng đây đều là những chiến sỹ tiêu biểu. Anh Hoàng Văn Long còn khẳng định, lái xe là một bộ phận rất quan trọng trong công tác phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn, thậm chí còn quan trọng hơn một số bộ phận khác.

Chính bởi ý thức cao về vai trò của mình mà anh Nguyễn Thế Hùng còn là tấm gương sáng trong việc tự rèn luyện, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Với chức trách được giao là chiến sỹ lái xe chữa cháy, anh là tấm gương cần cù, chịu khó, làm việc khoa học, giờ nào việc đó. Đặc biệt, trong mắt các đồng đội, anh Nguyễn Thế Hùng là một người có trách nhiệm cao với nghề nghiệp của mình. Phương tiện của anh luôn trong trạng thái sẵn sàng để khi xảy ra cháy, có thể xuất xe đến đám cháy một cách nhanh nhất, an toàn nhất. Anh Hùng còn được đồng nghiệp kính trọng vì trong giao tiếp hàng ngày anh luôn truyền nhiệt huyết, kinh nghiệm lái xe, bảo quản xe chữa cháy cho các thế hệ kế tục.

Anh Nguyễn Thế Hùng cho rằng, làm nghề gì cũng vậy, quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm, lòng yêu nghề và để được coi trọng, mỗi người cần rèn luyện nhân cách, trau dồi nhận thức của mình. Có như vậy, thì ngoài xã hội lẫn trong gia đình, mình mới được tôn trọng. Cũng từ tấm gương sáng mà anh tạo dựng, con trai anh cũng đem lòng yêu nghề của bố nên đã sớm trở thành một chiến sỹ phòng cháy chữa cháy. Với anh Hùng, đó là một thành quả vô cùng đẹp mà cuộc sống ban tặng cho anh.

Làm những công việc giản dị đôi khi không phải do lựa chọn chủ quan mà còn bởi chữ duyên trong cuộc sống. Bạn Hồng Thanh ở phường Bắc Hà là một trong những người bạn đặc biệt và thú vị mà tôi đã có duyên kết giao. Hồng Thanh từ lâu nay đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với những tín đồ của đồ ăn handmade nhưng ít ai biết rằng cô đã từng tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Hà Nội và từng có thời gian làm kế toán tại Hà Nội, cộng tác với nhiều tờ báo…

Trong khoảng thời gian nghỉ việc kế toán vì công việc trái với suy nghĩ của bản thân, Hồng Thanh tìm đến các lớp học nữ công gia chánh. Ban đầu Thanh chỉ học làm bánh thạch và các loại bánh mỳ cho biết và chỉ làm cho gia đình dùng nhưng về sau, nhiều bạn bè nhờ làm rồi tiếng lành đồn xa, bánh của Hồng Thanh vừa ngon vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên lượng người đặt bánh nhiều hơn. Cũng không biết từ lúc nào, Thanh say nghề, liên tục đăng ký học các lớp nâng cao và trở thành một người làm đồ handmade khá nổi tiếng.

Khi Thanh quyết định ở nhà làm đồ ăn handmade, gia đình kịch liệt phản đối. Mọi người vừa tiếc bao nhiêu công sức đi học vừa sợ người đời cười chê vì công việc không tên, không địa vị xã hội của Thanh. Nhưng, mặc kệ những nghi ngại, toan tính đó, Thanh vẫn lặng lẽ theo đuổi đam mê của mình. Cô tin rằng, nghề này đã chọn cô và nếu đã có duyên thì ắt sẽ có phận. Thanh là người thông minh nên học cái gì cũng rất nhanh. Và đã học là làm được. Những loại bánh mà Thanh học đều do các đầu bếp nổi tiếng nước ngoài dạy, bởi thế khi làm bánh, Thanh cũng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Nhờ đó, bánh và cả thạch của Thanh đều có hương vị riêng, được nhiều người lựa chọn.

Hồng Thanh chia sẻ, khi mình đã quyết định lựa chọn một công việc bị cho là tầm thường thì mình phải tự tạo được sự khác thường của mình. Và sự khác thường ấy nằm trong nguyên liệu, trong công thức và cả tình yêu của người thợ. Hồng Thanh được coi là người đầu tiên mang bánh thạch về đất Hà Tĩnh, từ bấy đến nay cũng chưa có ai vượt qua được Hồng Thanh về mẫu mã cũng như chất lượng của bánh. Các loại thức ăn khác mà Thanh làm như bánh mỳ, bánh ga to, xúc xích, chả cốm, sữa hạt… đều được yêu thích và thường là không đủ cung cấp. Không chỉ thế, Hồng Thanh còn là một cô giáo nghiệp dư chuyên mở các lớp ngắn hạn dạy nữ công gia chánh được nhiều người tin cậy.

Từ bỏ ý định tìm kiếm công việc bàn giấy để theo đuổi một niềm đam mê vô tình chợt đến giữa cuộc đời là một việc không mấy dễ dàng. Hơn nữa bên tai lúc nào cũng có nhưng lời gièm pha, dè bỉu của người đời nên càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, Hồng Thanh đã lần lượt vượt qua được những khó khăn, vất vả để đứng vững với nghề. Thanh cho biết, có nhiều đêm, canh lò nướng bánh thâu đêm suốt sáng nhưng vẫn thấy vui vì đó là đam mê đồng thời cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình trong thời điểm hiện tại. Sau những đêm thức trắng, sáng sớm mai được thấy con cái vui vẻ cắp sách đến trường là nỗi mệt nhọc như tan biến hết.

Không chỉ riêng Hồng Thanh, tôi còn biết rất nhiều nữa những bà mẹ chấp nhận làm những công việc không tên và có phần thấp kém trong xã hội đơn giản vì niềm đam mê giản dị của họ và vì tình yêu dành cho gia đình. Những công việc như thế tuy thu nhập không ổn định nhưng lại cho họ thời gian để chăm lo cho chồng và nhất là con cái. Với họ, kết quả học hành, sự hiếu thuận của con cái là của để dành quý giá nhất.

Cuộc sống cứ trôi đi theo quỹ đạo sẵn có và mỗi người đều có cho mình một chỗ đứng trong trục quay đó. Những người mà tôi quen biết đã cho tôi thấy rằng, dù đứng ở đâu, cao hay thấp, sang hay hèn, nếu con người biết yêu lao động, có ý thức học tập, rèn luyện thì họ sẽ có được sự tôn trọng của xã hội. Và, khi họ tự tin với lựa chọn của mình thì những định kiến của người đời cũng chỉ là một thoáng bụi mờ giữa muôn ngàn vạn dặm thiên lý mà thôi.

Ảnh, video và thiết kế: huy tùng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói