Chị Phan Thị Hoài ở thôn Kiều (xã Thọ Điền, Vũ Quang) chăm sóc đàn lợn hơn 100 con của gia đình.
Gia đình chị Phan Thị Hoài ở thôn Kiều là một trong những hộ chăn nuôi lợn lâu năm trên địa bàn xã Thọ Điền (Vũ Quang). Bước vào mùa nắng, chị đã chủ động che chắn lại chuồng trại, chuẩn bị các biện pháp chống nóng và đảm bảo thức ăn, nước uống đầy đủ cho đàn lợn hơn 100 con.
Chị Hoài cho biết: “Để đàn lợn phát triển khỏe mạnh trong mùa nắng, gia đình đã đầu tư hệ thống nước uống sạch, thực hiện vệ sinh chuồng trại 2 lần/ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ, thông thoáng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh để diệt những loại côn trùng truyền và gây bệnh trong mùa hè”.
Bà Đặng Thị Mơ (thôn Hoa Thị, xã Thọ Điền) tăng khẩu phần ăn cho đàn bò 6 con của gia đình.
Bà Đặng Thị Mơ ở thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền) cũng tất bật chăm sóc đàn bò gồm 6 con của gia đình. Bà Mơ cho biết: "Đàn bò là tài sản lớn nhất của gia đình, nếu không chăm sóc tốt trong mùa nắng thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Bởi, bò là vật nuôi chịu nắng kém, do vậy khi thời tiết nắng nóng sẽ dễ phát sinh dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp.
Những ngày nắng nóng kéo dài, gia đình đã chủ động tăng lượng thức ăn xanh, chất đạm và bổ sung vitamin C, khoáng chất trong khẩu phần ăn; cung cấp thêm nước uống để giảm nhiệt cho cơ thể vật nuôi. Đặc biệt, thay vì chăn thả bò ở các sườn bãi, tôi đã tiến hành nuôi nhốt ở nhà”.
Cũng theo bà Mơ, nắng nóng kéo dài trong những ngày qua sẽ làm đàn vật nuôi chậm phát triển, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm nếu không được chăm sóc, theo dõi cẩn thận.
Đàn hươu hơn 100 con của anh Nguyễn Hồng Tiệp (ở thôn 8, xã Sơn Giang, Hương Sơn) được chăm sóc cẩn thận trong mùa nắng.
Những ngày này, người dân Hương Sơn cũng luôn tay chăm sóc đàn hươu của gia đình. Theo chia sẻ của bà con, hươu là vật nuôi khó tính, khi thời tiết nắng nóng, khô khốc, nhiệt độ tại các chuồng nuôi tăng cao khiến môi trường sinh sống bị ảnh hưởng, khiến chúng không háu ăn như những ngày bình thường.
Anh Nguyễn Hồng Tiệp (thôn 8, xã Sơn Giang, Hương Sơn) cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn 200 con hươu. Những ngày qua, tôi đã thực hiện nhiều biện pháp giải nhiệt cho đàn hươu, như: cho uống nước thường xuyên, che bạt tại khu vực nuôi, bổ sung thêm khẩu phần ăn. Việc vệ sinh chuồng trại tạo thông thoáng, tránh các mầm bệnh gây hại cho hươu cũng được tôi đặc biệt chú ý. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên trao đổi với cán bộ thú y để có những biện pháp chống nóng, phòng dịch bệnh đúng kỹ thuật để đàn hươu sinh trưởng tốt trong mùa nắng nóng này”.
Chị Hoàng Thị Hoa (thôn Trung Tiến, xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) chăm sóc đàn gà hơn 300 con của gia đình.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có gần 70.000 con trâu, 167.000 con bò, 380 con lợn, trên 10 triệu con gia cầm và hơn 40 nghìn con hươu. Để duy trì, phát triển ổn định hoạt động chăn nuôi trong mùa nắng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không chăn thả vật nuôi khi trời nắng nóng, nhiệt độ cao; cần cung cấp nước uống sạch và thức ăn dễ tiêu hóa, có bổ sung vi lượng cần thiết.
Vào những ngày nắng nóng gay gắt, người chăn nuôi nên cho vật nuôi ăn nhiều bữa trong ngày vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để tăng khả năng hấp thụ thức ăn, hạn chế cho ăn buổi trưa khi trời nắng nóng; tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cho uống B complex, Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa...; tắm cho gia súc 1- 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể, không nên tắm cho gia súc vào buổi trưa và lúc nắng nóng.
Toàn tỉnh hiện có gần 70.000 con trâu, 167.000 con bò
Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Trong những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt, người dân cần đặc biệt chú ý hạ nhiệt, làm mát chuồng trại, cung cấp đủ nước uống sạch và thức ăn dễ tiêu hóa, có bổ sung vi lượng cần thiết cho vật nuôi.
Ngoài ra, cần thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện sớm các loại gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời”.