Những cánh đồng thửa lớn ở Can Lộc.
Nghị quyết 06 - NQ/TU ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết 06) được xem như “kim chỉ nam” cho sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới. Từ vụ xuân 2022, khắp các địa phương đều đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi ruộng đất, sản xuất tập trung, hình thành cánh đồng lớn.
Ở TP Hà Tĩnh, từ những ngày cuối tháng 11/2021, không khí ra quân thực hiện tích tụ ruộng đất đã rộn ràng khắp các địa phương. Đây là năm thành phố tập trung thực hiện đồng bộ sản xuất theo cánh đồng lớn gắn với phát triển mô hình nông nghiệp đô thị trên toàn địa bàn.
Ông Lê Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Từ tháng 8/2021, BTV Thành ủy đã ban hành chỉ thị về tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị. Theo đó, UBND thành phố giao chỉ tiêu đến các phường, xã với diện tích thực hiện từ cuối năm 2021 đến hết năm 2022 là 278 ha. Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy ban hành đúng thời điểm thành phố triển khai rầm rộ đã khích lệ tinh thần của cả hệ thống chính trị và bà con nhân dân. Đặc biệt, địa phương có thể vận dụng nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương”.
Vụ xuân 2022 là năm đầu tiên TP Hà Tĩnh tập trung thực hiện đồng bộ sản xuất theo cánh đồng lớn gắn với phát triển mô hình nông nghiệp đô thị trên toàn địa bàn.
Hiện nay, thành phố đã hình thành một số mô hình mới như: sản xuất lúa hàng hóa; rau, củ, quả công nghệ cao; mô hình sinh thái kết hợp giữa trồng lúa hữu cơ, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ nông nghiệp...
Với Cẩm Xuyên, bắt đầu thí điểm phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn từ năm 2017, đến nay, Cẩm Xuyên đã có 1.480 ha sản xuất theo cánh đồng lớn, thực hiện một giống trên một cánh đồng, áp dụng 100% cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình) phấn khởi: “Cứ đầu kỳ xuống giống, trưởng thôn thông báo qua loa truyền thanh, bà con chúng tôi cùng ngâm giống, cùng ra đồng. Toàn bộ máy móc được tập trung, vừa làm đất vừa gieo cấy, đảm bảo đồng nhất một giống, một thời vụ và một quy trình sản xuất”.
Người dân xã Trung Lộc dùng nilông vây ruộng để ngăn chuột phá hại.
“Vụ xuân năm 2022, huyện triển khai thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất ở 22/23 xã (xã Cẩm Nhượng không sản xuất lúa). Các xã thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con nông dân để hình thành vùng tập trung theo tinh thần Nghị quyết 06. Đến nay, địa phương đã hoàn thành thí điểm tại 2 thôn (thôn 6A, xã Nam Phúc Thăng và thôn Đông Dương, xã Cẩm Dương) với diện tích 85 ha và đang tiếp tục thực hiện ở các địa phương còn lại. Số thửa của hộ dân giảm từ 2-3 thửa xuống còn 1 thửa/hộ với diện tích bình quân từ 0,6-1 ha/thửa”, ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết.
Chuyển đổi ruộng đất, thực hiện sản xuất tập trung giúp các địa phương tối ưu hóa sử dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng, từng bước tăng cao hiệu quả sản xuất lúa.
Theo Sở NN&PTNT, năm 2021, tổng diện tích gieo cấy đạt 104.923 ha, năng suất bình quân đạt 55,33 tạ/ha (tăng 3,92 tạ/ha so với năm 2020); sản lượng lúa cả năm đạt trên 58,05 vạn tấn, tăng hơn 4,6 vạn tấn so với năm 2020. Trong đó, diện tích sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn là 4.050 ha, năng suất đạt 58,38 tạ/ha. Toàn tỉnh có gần 1.900 ha với tổng sản lượng gần 6.700 tấn lúa được doanh nghiệp (DN) liên kết, bao tiêu sản phẩm. Theo đánh giá của một số địa phương, hình thức sản xuất cánh đồng lớn đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao, tăng 20-25% so với trước.
Tính đến đầu vụ xuân 2022, toàn tỉnh đã phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn với diện tích gần 3.800 ha, tăng hơn 2.600 ha so với năm trước. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh sẽ thực hiện được 6.000 ha quy hoạch theo cánh đồng lớn, tích tụ ruộng đất và đạt 20.000 ha đến năm 2030. Theo đó, các địa phương đã hình thành các tổ hợp tác, HTX để kết nối với DN từ sản xuất - tiêu thụ - xây dựng thương hiệu. Đến nay, ngoài các công ty: CP Giống cây trồng Hà Tĩnh, TNHH KC Hà Tĩnh, TNHH Thống Tuấn, HTX Dịch vụ giống, thu mua, chế biến nông sản Đức Lâm…, bà con nông dân cũng đang chờ đón sự trở lại của nhiều DN ngoài tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Chủ trương phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn không chỉ xóa nhòa ranh giới giữa các cánh đồng, mà còn tạo sự đồng nhất về thời vụ, về loại giống, hướng đến sản xuất tập trung quy mô lớn.
Nghị quyết 06 - NQ/TU được xem là “kim chỉ nam” để các địa phương mở rộng sản xuất tập trung theo hướng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất hàng hóa (Ảnh tư liệu).
Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH KC Hà Tĩnh cho biết: “Công ty đang hướng tới sản phẩm lúa chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ phục vụ thị trường xuất khẩu. Việc mở rộng ngày càng nhiều những cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn sẽ giúp DN xây dựng được vùng nguyên liệu ngay tại địa phương, từ đó quản lý tốt chất lượng đầu vào, đầu ra sản phẩm. Trong kế hoạch, chúng tôi luôn mong muốn được ký kết thuê đất sản xuất và liên kết với các tổ hợp tác, HTX tại địa phương làm cầu nối giữa người sản xuất và DN”.
Tập trung, tích tụ ruộng đất là giải pháp quan trọng giúp bà con áp dụng cơ giới hóa, KHKT, giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị trên đơn vị diện tích. Từ đó, thúc đẩy liên kết với DN, chuyển bước quan trọng từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô diện tích lớn. Nghị quyết 06 ra đời đã tập trung được cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ đề án tích tụ ruộng đất một cách hiệu quả, bền vững gắn với quản lý Nhà nước về đất đai để hình thành vùng tập trung. Đây là điều kiện để ngành NN&PTNT đưa ra các định hướng sản xuất cho từng loại cây, con chủ lực, mở rộng các mô hình tập trung ruộng đất và thu hút DN".