Những cánh đồng thửa lớn ở Can Lộc.
Ông Đặng Trần Phong - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Thành công trong năm đầu thực hiện Nghị quyết 01-NQ/HU của BTV Huyện ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2020-2025 đã “mở đường” cho những người nông dân thực hiện khát vọng lớn trên đồng ruộng”.
Từ sự đổi mới tư duy, mạnh dạn xóa bỏ những tập quán sản xuất xưa cũ, khát vọng làm ăn lớn đã được nông dân áp dụng trên những cánh đồng lớn. Theo đó, vụ xuân 2022, “cuộc cách mạng” ruộng đất ở Can Lộc đã bước sang giai đoạn mới - tập trung và đồng bộ trên toàn huyện; việc chuyển đổi ruộng đất gắn với dồn điền đổi chủ, xây dựng cánh đồng lớn tập trung để từng bước tiệm cận với tích tụ ruộng đất.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất ở Can Lộc.
Vụ xuân năm nay đã trở thành dấu mốc lớn đối với người dân trên địa bàn 18 xã, thị trấn ở Can Lộc. Ở hầu hết các thôn xóm, ruộng đất đã được quy về 1 mối. Nhiều người không giấu nổi niềm vui, sự hào hứng khi lần đầu tiên được tham gia sản xuất tập trung trên những cánh đồng lớn.
Bà Hoàng Thị Hoa (thôn Thượng Sơn, xã Sơn Lộc) chia sẻ: “Từ 8 mảnh ruộng ở 8 nơi, nay thực hiện dồn điền, đổi thửa, ruộng của gia đình tôi chỉ còn lại 1 thửa lớn. Cơ giới hóa sản xuất thuận lợi, chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều ngày công và chi phí. Cánh đồng hơn 11 ha quy tụ 40 hộ dân trong thôn được sản xuất tập trung theo quy trình một giống, một thời vụ cũng đã giải quyết nỗi lo của chúng tôi về việc dẫn nước, quá trình chăm sóc lúa… Đây là một chủ trương rất đúng đắn, giúp chúng tôi thoát khỏi những nếp nghĩ, cách làm lạc hậu, dần tiếp cận những phương thức sản xuất mới, xu hướng mới trong nông nghiệp”.
Người dân xã Trung Lộc dùng nilông vây ruộng để ngăn chuột phá hại.
Thực tế, khi mới bước vào triển khai thực hiện nghị quyết, nhiều xã đã gặp không ít khó khăn. Song, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân, chủ trương dồn điền, đổi thửa đã dần hiện thực hóa trên nhiều vùng quê Can Lộc. Nhiều cánh đồng đã quy tụ được hàng chục ha đến cả trăm ha. Trong những vụ mùa, thay vì vất vả ngược xuôi, người nông dân đã được giải phóng sức lao động nhờ các loại máy móc.
Dẫn chúng tôi đi trên đồng lúa xanh ngát rộng 70 ha của 157 hộ dân ở thôn Hạ Vàng (xã Vượng Lộc), ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hạ Vàng phấn khởi cho biết: “Kể từ khi tiến hành phá bờ thửa, hình thành cánh đồng lớn, đồng bộ cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch, các hộ dân trong thôn Hạ Vàng đã không còn cảnh sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm. Máy móc đã gánh đỡ những công việc nặng nhọc, giúp người dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian. Cánh đồng lớn cũng “xe duyên” cho 3 nhà: doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học trong sản xuất nông nghiệp, tiếp sức để HTX Hạ Vàng từng bước vươn tới khát vọng xây dựng cánh đồng mẫu, xây dựng sản phẩm gạo OCOP”.
Trên những cánh đồng lớn, người nông dân đang đồng bộ cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch.
Nghị quyết 01-NQ/HU của BTV Huyện ủy Can Lộc đã đi sâu vào cuộc sống và đang phát huy hiệu quả bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng chất xúc tác từ chính sách và khí thế hưởng ứng của người dân ở 18 xã, thị trấn. Và xuân này, đồng ruộng Can Lộc có 1.238 ha được quy hoạch liền vùng, liền thửa (đạt 111,6% kế hoạch).
Năm nay, việc chuyển đổi được thực hiện khép kín từng thôn xóm theo hình thức vừa quy hoạch vùng tập trung, vừa xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Một lần nữa, huyện lúa không chỉ tạo ra cuộc cải cách ruộng đất mà còn thay đổi cả cách thức và chủ thể sản xuất. Trong đó, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân và doanh nghiệp là nhân tố trung tâm.
Màu xanh bát ngát căng tràn nhựa sống của những mầm cây, của niềm tin và niềm hy vọng trong ánh mắt người dân đang nẩy nở trên những cánh đồng một thửa - hứa hẹn mùa vàng no ấm.