Nông dân Hà Tĩnh “dệt mùa xuân” trên những cánh đồng

(Baohatinh.vn) - Trên các cánh đồng mẫu lớn, trang trại, vườn đồi, người nông dân Hà Tĩnh đang hăng say lao động vào vụ mới với quyết tâm gặt hái những “mùa vàng”. 

Những ngày đầu năm mới 2022, trên cánh đồng xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) đã rộn vang tiếng máy cày, tiếng cười nói rôm rả của người dân đi làm đồng. Ông Nguyễn Bồng (SN 1962) ở thôn Đông Đoài đang tất bật cùng “con trâu sắt” mới được đầu tư 400 triệu đồng rong ruổi khắp các cánh đồng làm đất vào vụ xuân.

Nông dân Hà Tĩnh “dệt mùa xuân” trên những cánh đồng

Đầu năm, trên các cánh đồng mẫu lớn, người nông dân Hà Tĩnh đang hăng say lao động vào vụ mới. Trong ảnh:Ông Nguyễn Bồng tất bật làm đất để chuẩn bị vào vụ sản xuất.

Vừa lái “con trâu sắt”, ông Bồng tươi cười chia sẻ: “Tôi là một trong những người đi đầu trong phong trào tích tụ ruộng đất, làm cánh đồng mẫu lớn ở địa phương. Tôi hiện có 4 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, 2 ha trồng cây màu, 2 ha trồng lúa. Tính trung bình, tôi thu nhập 150 triệu đồng/năm. Tôi thấy làm cánh đồng mẫu lớn dễ canh tác, thuận tiện trong chăm sóc, đặc biệt hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với làm những thửa nhỏ, manh mún”.

Trước đây, ông Bồng nhận thấy cánh đồng của thôn bỏ hoang hóa, người dân không hào hứng làm ruộng. Khi Nhà nước khuyến khích làm cánh đồng mẫu lớn, sẵn có phương tiện, máy móc nên ông “đánh liều” gom đất, cải tạo đồng ruộng. Năm 2016, ông tiến hành phá thửa, san đất. Sau gần 6 năm, từ cánh đồng bỏ hoang, phèn chua quanh năm, ông đã biến thành “cánh đồng bạc triệu”. Bước đột phá của ông là đã mạnh dạn đầu tư 2 ha để trồng dưa lê. So với các loại cây trồng khác, dưa lê hiệu quả cao hơn, nếu thời tiết thuận lợi, nắng ấm thì chỉ cần 30-35 ngày là cho thu hoạch.

Nông dân Hà Tĩnh “dệt mùa xuân” trên những cánh đồng

Ông Nguyễn Bồng tích tụ ruộng đất, sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế.

Hơn nữa, thời gian cho ra quả kéo dài từ 3-4 tháng. “Năm nay, tôi sẽ tập trung đầu tư vào trồng 2 ha dưa lê với quyết tâm tăng năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu dưa lê của địa phương. Tôi thấy cây dưa “làm giả nhưng ăn thật”. Riêng 2 ha dưa lê cho tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng rồi. Năm mới, mong dịch COVID-19, dịch bệnh trên gia súc… được kiểm soát để người nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất, làm giàu từ đồng ruộng. Qua đây, tôi cũng mong muốn chính quyền tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ, động viên thiết thực để người dân có thêm động lực canh tác, sản xuất” - ông Bồng chia sẻ.

Những ngày này, cánh đồng ngô của anh Võ Nguyên Giáp (SN 1984, thôn 4, xã Hương Thủy, Hương Khê) đã phủ một màu xanh ngắt. “Hiện trên cánh đồng 3,2 ha này tôi đang trồng ngô lấy hạt và ngô sinh khối. Từ khi chuyển sang canh tác tập trung, hiệu quả cao gấp 2-3 lần. Mỗi năm, trừ chi phí, tôi cũng thu về gần 100 triệu đồng” - anh Giáp chia sẻ.

Nông dân Hà Tĩnh “dệt mùa xuân” trên những cánh đồng

Anh Võ Nguyên Giáp bên cánh đồng ngô.

Cánh đồng nơi anh Giáp sản xuất vốn là ruộng bậc thang, manh mún, đường giao thông nội đồng chưa được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, người dân không mặn mà nên ruộng đồng bỏ hoang quanh năm.

Trước thực trạng đất đai lãng phí, gần chục năm trời ấp ủ, đắn đo, năm 2020, anh quyết định làm cánh đồng mẫu lớn. Anh bỏ ra 200 triệu đồng cải tạo đất, san lấp bờ thửa, làm lại đường… để trồng cây ngô. Sau 2 năm, ngô hạt và ngô sinh khối cho năng suất tương đối cao, từ 3-4 tạ/sào. Hiện đầu ra cây ngô tương đối ổn định khi các doanh nghiệp chăn nuôi và người dân địa phương nhận bao tiêu sản phẩm.

Nông dân Hà Tĩnh “dệt mùa xuân” trên những cánh đồng

Cánh đồng ngô rộng 3,2 ha đang phát triển xanh tốt của anh Giáp.

“Tôi là người đầu tiên ở địa phương làm cánh đồng mẫu lớn, bước đầu cho hiệu quả cao. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư làm trang trại chăn nuôi nhằm tận dụng nguồn thức ăn dồi dào từ ngô. Hy vọng năm mới địa phương đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới, viễn thông, đường giao thông… để tôi hướng đến sản xuất theo chuỗi khép kín” - anh Giáp cho hay.

Anh Lương Xuân Lộc (SN 1973, ở thôn Đông Thịnh, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh) được xem là người làm trang trại tổng hợp có quy mô lớn ở địa phương. Chia sẻ niềm vui những ngày đầu năm mới, anh Lộc niềm nở: “Gia đình tôi hiện đang làm trang trại tổng hợp với diện tích hơn 16 ha; mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng từ mô hình nuôi cá, thả gà giống, trồng cây ăn quả… Nhờ làm trang trại, tôi mới thoát được nghèo, con cái được học hành. Năm qua thực sự khó khăn nhưng tôi vẫn có thu nhập ổn định từ trang trại. Năm nay, gia đình quyết tâm nâng cao thu nhập hơn năm trước”.

Nông dân Hà Tĩnh “dệt mùa xuân” trên những cánh đồng

Sau hơn 30 năm đầu tư làm trang trại, anh Lương Xuân Lộc đã có cơ ngơi trang trại tổng hợp tiền tỷ.

Từ nhỏ, anh Lộc vốn yêu thích nghề làm trang trại. Năm 1992, học xong THPT, anh lên vùng đất Đông Thịnh cùng gia đình khai hoang, chăn thả trâu bò. Năm 1998, sau khi lấy vợ, anh chuyển hẳn lên vùng đất cằn cỗi này lập nghiệp. Đến năm 2004, anh Lộc chuyển sang đào ao nuôi cá kết hợp với chăn nuôi. Năm 2015, địa phương khuyến khích làm kinh tế trang trại, anh dốc nguồn lực tích tụ ruộng đất bạc màu, canh tác năng suất thấp sang làm trang trại tổng hợp. Được biết, trang trại của anh Lộc hiện có 3 ha thả cá diêu hồng, cá chim, cá mè; 800 con gà giống; 600 gốc chanh, cam; 10 con trâu; còn lại đất trồng rừng.

“Thời gian tới, nếu con trai tôi yêu thích, gắn bó lâu dài với nghề nông thì tôi sẽ đầu tư cho con phát triển trang trại. Tôi thấy nếu nắm vững KHKT, có đam mê thì không lo thất bại” - anh Lộc bộc bạch.

Nông dân Hà Tĩnh “dệt mùa xuân” trên những cánh đồng

Niềm vui của anh Lộc khi chia sẻ về quá trình đầu tư làm trang trại tổng hợp.

Những tâm sự, sẻ chia của các “nông dân thời mới” nói trên cũng chính là khát vọng, quyết tâm của nông dân Hà Tĩnh trong năm mới 2022. Những người nông dân không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm, tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất để cùng nhau dệt nên những mùa vàng no ấm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.