Đảng viên đi đầu trong "cuộc cách mạng" dồn điền đổi thửa ở Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Phát huy cao vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, trên cơ sở cách làm linh hoạt và sáng tạo, thôn Hòa Hợp, xã Kỳ Văn (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang triển khai thí điểm “cuộc cách mạng” dồn điền đổi thửa trên 100% diện tích trước ngày xuống giống vụ xuân năm 2022.

Thôn Hòa Hợp có diện tích sản xuất lúa 51,8ha. Sau cuộc chuyển đổi ruộng đất lần 1 vào năm 2008, toàn thôn vẫn còn 786 thửa với 262 hộ sản xuất; nhìn chung vẫn còn manh mún, không liền vùng, liền thửa, nhiều vùng ruộng bậc thang. Hệ thống đường giao thông, mương thoát nước không thuận lợi...

Đảng viên đi đầu trong “cuộc cách mạng” dồn điền đổi thửa ở Kỳ Anh

Phương tiện cơ giới được huy động tối đa để làm đất, đảm bảo tiến độ

Chuẩn bị bước vào vụ xuân này, thôn Hòa Hợp được xã, huyện lựa chọn triển khai thí điểm “cuộc cách mạng” dồn điền đổi thửa, với mục tiêu là giảm đến mức thấp nhất về số thửa, đảm bảo mỗi hộ hoặc nhiều hộ chỉ sản xuất trên 1 thửa. Với sự chỉ đạo và hỗ trợ sát sao, lãnh đạo thôn coi đây là cơ hội không thể tốt hơn để khắc phục triệt để những hạn chế của đồng ruộng trước đây, tạo ra được những cánh đồng lớn để đổi thay phương thức sản xuất, canh tác, nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích.

Tuy nhiên nhiều khó khăn đã đặt ra ngay khi bắt tay triển khai. Đó là hiện trạng ruộng đồng manh mún, không đồng đều; địa hình không bằng phẳng, độ chênh giữa các thửa lớn nên chi phí cho việc quy hoạch, san phẳng mặt bằng cao. Đặc biệt, khó khăn nhất là tâm lý ngại thay đổi, ngại khó trong phân chia ruộng đất sau khi phá bờ thửa của một bộ phận người dân.

Ông Lê Viết Lành - Bí thư Chi bộ thôn Hòa Hợp cho biết: “Xác định lòng dân là yếu tố căn bản để tháo gỡ tất cả những khó khăn đặt ra, sau khi tiếp thu chủ trương của xã, Chi bộ đã khẩn trương họp và ra nghị quyết với các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo sát thực để triển khai thực hiện. Sau đó triển khai các cuộc họp tại cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động Nhân dân”.

Đặc biệt, 26 đảng viên trong chi bộ đã phát huy cao vai trò là những người gương mẫu đi đầu. Không chỉ xung kích trong thực hiện chủ trương, các đảng viên còn là những người trực tiếp tuyên truyền, vận động Nhân dân và có nhiều ý kiến, hiến kế sát thực trong quá trình tổ chức thực hiện từ khảo sát thực địa, quy hoạch, ghép thửa, bốc thăm...

Đảng viên đi đầu trong “cuộc cách mạng” dồn điền đổi thửa ở Kỳ Anh

Người dân phấn khởi ra đồng hỗ trợ máy móc san mặt ruộng và đắp bờ vùng, bờ thửa lớn

“Một tấm gương sống bằng hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Thực hiện theo phương châm này, chúng tôi đã tận dụng triệt để tinh thần trách nhiệm và năng lực của cán bộ, đảng viên. Ngoài tuyên truyền, vận động tại các cuộc họp dân, qua công việc hằng ngày, các đảng viên còn thường xuyên hòa vào quần chúng để vừa làm vừa phổ biến chủ trương, vận động trực tiếp để bà con hiểu và ủng hộ; đặc biệt sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình, tạo niềm tin tuyệt đối với người dân” - Bí thư Chi bộ Lê Viết Lành chia sẻ.

Một trong rất nhiều câu chuyện về vai trò của đảng viên trong chuyển đổi ruộng đất ở thôn Hòa Hợp, đó là đến cuộc họp thứ 5 vẫn chưa chốt được kết quả khi còn một số ít hộ không đồng tình. Trước tình hình này, đảng viên Nguyễn Thị Thiệp đã thuyết phục một trong các hộ dân này bằng cách xin đổi vị trí thửa đất của mình và sẵn sàng nhận bất cứ thửa đất thuộc vùng nào.

Đảng viên đi đầu trong “cuộc cách mạng” dồn điền đổi thửa ở Kỳ Anh

Đảng viên Nguyễn Thị Thiệp (thứ 2 bên phải) cùng lãnh đạo thôn bàn về một số nội dung đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa

Trước hành động vì lợi ích chung của đảng viên Nguyễn Thị Thiệp, ngay trong cuộc họp này, các hộ dân “khó tính” nhất đã được thuyết phục và hoàn toàn đồng tình, ủng hộ chủ trương, tạo điều kiện để thôn bắt tay vào thực hiện “cuộc cách mạng” chuyển đổi ruộng đất mới.

Sau hơn 10 ngày triển khai, đến thời điểm này toàn thôn đã tiến hành được trên diện tích 25/51,8ha (đạt gần 50%). Từ 786 thửa ban đầu, sau chuyển đổi chỉ còn lại 89 thửa. Thửa lớn nhất có diện tích 5.225 m2, thửa nhỏ nhất 500m2.

Đảng viên đi đầu trong “cuộc cách mạng” dồn điền đổi thửa ở Kỳ Anh

Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng người dân thôn Hòa Hợp vẫn tích cực ra đồng làm việc.

Với sự vào cuộc quyết liệt của ban cán sự thôn và người dân, cùng với sự chỉ đạo sát sao của xã, thôn phấn đấu hoàn thành 100% khối lượng công việc trước xuống giống vụ xuân từ 10 - 15 ngày.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Kính, mặc dù bước đầu gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ huyện đến thôn; chính sách khuyến khích thiết thực của huyện và xã, đặc biệt là vai trò quan trọng của đảng viên trong tuyên truyền, vận động, tạo được sự tin tưởng thống nhất cao của người dân trong thực hiện chủ trương chung. Do đó, nhiệm vụ dồn điền đổi thửa tại thôn Hòa Hợp bước đầu đã thành công ngoài mong đợi.

Đảng viên đi đầu trong “cuộc cách mạng” dồn điền đổi thửa ở Kỳ Anh

Bà Lương Thị Quý trên thửa ruộng mới chuyển đổi với 5.000 m2 của gia đình

Bà Lương Thị Quý phấn khởi chia sẻ: “Với diện tích 5.000m2 , trước đây gia đình tôi phải canh tác trên 8 thửa ruộng ở nhiều vùng cách xa nhau, rất khó khăn, bất tiện trong sản xuất; đặc biệt ô thửa nhỏ, manh mún nên khó để sử dụng máy móc; giá thuê cơ giới trong các khâu cày bừa, thu hoạch luôn bị đẩy cao lên. Nay được chuyển đổi thành một thửa, gia đình sẽ có điều kiện đầu tư thâm canh và sản xuất hàng hóa để đem lại thu nhập cao hơn”.

Sau thành công ở thôn Hòa Hợp, xã Kỳ Văn sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện công cuộc dồn điền đổi thửa trên phạm vi toàn xã theo lộ trình cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành tổng diện tích 403 ha, đưa sản xuất nông nghiệp của địa phương bước sang một giai đoạn mới.

Từ 28 vùng sản xuất đã được phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn (mỗi vùng trên 5 ha) đã được thực hiện trong các vụ sản xuất trược, vụ xuân 2022, huyện Kỳ Anh tiếp tục thực hiện bước đi mới là dồn điền đổi thửa và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch lại hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng trên toàn vùng với 245 ha tại các xã trọng điểm sản xuất lúa. Trong đó, xã Kỳ Văn được chọn làm điểm thực hiện để rút kinh nghiệm nhân rộng các địa phương khác.

Việc dồn điền đổi thửa nhằm tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung, thửa ruộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi trong tưới tiêu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới vào sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời tạo tiền đề để liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast