Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh diễn biến phức tạp

(Baohatinh.vn) - Đến nay 25 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị, thành Hà Tĩnh đang có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), do đó cơ quan chức năng và người chăn nuôi đang gấp rút phòng trừ, ngăn không cho dịch lây lan.

Sau 2 ngày bỏ ăn và chết, con lợn mạ nặng 2,5 tạ của gia đình ông Lê Đức Thắng (thôn Đông Mỹ, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) có kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP hôm 4/11/2021. Thời điểm đó, trong chuồng còn 5 con lợn nái và 16 con lợn thịt nên gia đình ông Thắng rất lo lắng.

Sau khi tiêu hủy con lợn chết theo quy định, ông Thắng lập tức phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột trong và ngoài khu vực chăn nuôi; xông các loại lá thơm và thảo dược để thanh lọc môi trường, hạn chế vi khuẩn xâm nhập.

Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh diễn biến phức tạp

Ông Lê Đức Thắng (xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) phun tiêu độc khử trùng chuồng trại...

Ông Thắng cho hay: “Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, cung cấp cho thị trường tết Nguyên đán, đều đặn ngày 2 lần chúng tôi xử lý môi trường, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tăng sức đề kháng cho đàn lợn qua thức ăn và các loại thuốc bổ”.

Đây là lần thứ 2 trong năm nay xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) xuất hiện DTLCP. Ngay lập tức chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cấp bách triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Theo đó, xã đã cấp hóa chất cho thôn Đông Mỹ phun tiêu độc khử trùng các trục đường và khu vực chăn nuôi; lập biển báo vùng có dịch; kiểm soát nghiêm ngặt việc mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn. Cán bộ thú y xã rà soát tổng đàn, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để bảo vệ an toàn gần 3.000 con lợn trên toàn xã.

Không riêng Cẩm Thành, hiện nay 8 xã của huyện Cẩm Xuyên (gồm: Cẩm Sơn, Cẩm Hưng, Nam Phúc Thăng, Cẩm Lộc, Yên Hoà, Cẩm Quang, Cẩm Hà và Cẩm Duệ) cũng đang có DTLCP; đã tiêu hủy 69 con lợn bị nhiễm bệnh với tổng trọng lượng trên 6.400 kg.

Ông Phan Thanh Nghi - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Huyện đã cấp phát 6,3 tấn vôi bột, 456 lít hóa chất cho 9 xã có DTLCP để xử lý ổ dịch, hỗ trợ các hộ chăn nuôi phun tiêu độc khử trùng. Trung tâm cũng cử cán bộ bám sát địa bàn để hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời các biện pháp chuyên môn phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi”.

Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh diễn biến phức tạp

Các địa phương lập biển cấm mua bán, vận chuyển tại khu vực có DTLCP.

Hiện nay, 25 hộ thuộc 10/18 xã, thị trấn của huyện Can Lộc cũng đã xuất hiện DTLCP; đã tiêu hủy 194 con lợn chết và bị nhiễm bệnh với tổng trọng lượng 11,1 tấn.

Theo Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Phan Xuân Phượng, toàn huyện hiện có khoảng 50.000 con lợn. Để khống chế dịch bệnh, huyện yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “5 không” trong phòng chống DTLCP.

Huyện Can Lộc đang tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch để người dân chủ động phòng chống; hướng dẫn các hộ chấp hành nghiêm quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y, thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tiếp tục thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường; bổ sung chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi và khuyến cáo không tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện.

Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh diễn biến phức tạp

Huyện Can Lộc đã tiêu hủy 194 con lợn chết và bị nhiễm bệnh với tổng trọng lượng 11,1 tấn.

DTLCP tại Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp, do vậy không riêng chăn nuôi quy mô nông hộ mà các trang trại lớn cũng đang siết chặt công tác phòng dịch.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa – Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi (xã Xuân Thành, Nghi Xuân) cho hay: “Mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện DTLCP song đây là dịch bệnh nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh và chưa có vắc-xin phòng trừ nên chúng tôi rất lo ngại. Để bảo vệ an toàn 300 con lợn nái sinh sản và 1.100 con lợn thịt, trang trại thực hiện nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; nhập thêm hóa chất tiêu độc khử trùng; bố trí phương tiện chuyên vận chuyển thức ăn chăn nuôi và yêu cầu kiểm soát, xử lý hóa chất mỗi khi ra vào; cấm không cho xe vận chuyển vật nuôi vào trang trại”.

Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh diễn biến phức tạp

Hợp tác xã Thắng Lợi tuân thủ nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng chống DTLCP

Tính đến ngày 6/11, ngoại trừ Vũ Quang, Hương Sơn và Nghi Xuân thì 10 địa phương còn lại của Hà Tĩnh đã công bố DTLCP tại 25 xã, phường, thị trấn; tiêu hủy trên 300 con lợn chết và nhiễm bệnh.

Ngành chuyên môn nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh tái bùng phát và lây lan nhanh là do nhiều tỉnh, thành phố hiện đang xảy ra DTLCP. Tại Hà Tĩnh, thời gian qua do giá lợn giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn nên số lượng lợn còn tồn trong các cơ sở chăn nuôi khá nhiều. Mặt khác, do ảnh hưởng mưa bão, một số địa phương bị ngập lụt, môi trường ô nhiễm. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động buôn bán, giết mổ còn thiếu chặt chẽ ở một số địa phương cũng khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh diễn biến phức tạp

DTLCP xuất hiện hầu hết tại các địa bàn của Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Khắc Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho hay: "Thực tiễn cho thấy, DTLCP chỉ xảy ra đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi chưa đảm bảo các điều kiện theo hướng an toàn sinh học. Tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện nay khoảng 383.000 con, trong khi quy mô nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (42% tổng đàn) nên nguy cơ tái phát, lây lan dịch bệnh trong thời gian tới vẫn rất cao.

Bởi vậy, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, áp dụng đồng bộ các giải pháp chống dịch để kiểm soát, xử lý dứt điểm ổ dịch; rà soát, kiểm soát tổng đàn để quản lý; tăng cường kiểm tra, giám sát việc nhập đàn, buôn bán, giết mổ lợn nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khiến dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, người dân cần tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và tuyệt đối không được chủ quan, không giấu dịch".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast