Hà Tĩnh ban hành công điện chỉ đạo tăng cường phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Công điện số 33/CĐ-UBND, ngày 24/12/2002 về việc chỉ đạo tăng cường công tác phòng chốngđói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi

Hà Tĩnh ban hành công điện chỉ đạo tăng cường phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi

Hà Tĩnh liên tục xuất hiện các đợt rét, nhiệt độ giảm sâu.

Công điện nêu rõ: theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong vụ đông xuân 2020-2021 sẽ xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 7-10 ngày, tập trung vào nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố từ đầu năm 2020 đến nay.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại hơn 1.500 xã của 50 tỉnh, thành phố. Bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 84 xã của 28 tỉnh, thành phố, tăng gần 2 lần so với năm 2019. Bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 194 xã của 24 tỉnh, thành phố.

Từ giữa tháng 10/2020 cho đến nay, bệnh viêm da nổi cục lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đã xảy ra tại gần 100 xã, 35 huyện của 12 tỉnh, thành phố, làm tổng số trên 1.100 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó trên 170 con chết, buộc phải tiêu hủy.

Tại Hà Tĩnh, hiện còn Cẩm Xuyên, Can Lộc, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh có bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày và 2 huyện Thạch Hà, Lộc Hà có bệnh viêm da nổi cục, do đó, nguy cơ các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Hà Tĩnh ban hành công điện chỉ đạo tăng cường phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi

Bò của người dân xã Thạch Hải (Thạch Hà) có triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục.

Nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 là rất cao, nên để chủ động đối phó với tình hình diễn biến cực đoan của thời tiết, dịch bệnh nguy hiểm, hạn chế thấp nhất thiệt hại và ổn định phát triển sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu:

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:

Về công tác phòng, chống đói rét: Tập trung chỉ đạo, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói rét, cho vật nuôi. Chỉ đạo các phòng, chuyên môn, đoàn thể và chính quyền cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc người dân áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp kết hợp với kinh nghiệm của địa phương: Chủ động, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; củng cố, che chắn, giữ ấm chuồng trại; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, diệt các loại côn trùng,... tại chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi; nhốt trâu bò tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 13 độ C và cho gia súc nghỉ làm việc; chú trọng khu vực miền núi, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét; huy động nguồn nhân lực hỗ trợ kịp thời cho người dân triển khai các biện pháp phòng chống đói rét cho vật nuôi đạt hiệu quả.

Cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, tình hình dịch bệnh, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không chủ quan và chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi.

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, bố trí nguồn lực tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hà Tĩnh ban hành công điện chỉ đạo tăng cường phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi

Khu vực chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ, lẻ là nơi dễ xẩy ra dịch bệnh vì khó đảm bảo tốt các điều kiện phòng dịch.

Đối với các địa phương đang có dịch DTLCP và viêm da nổi cục: Triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng chống dịch bệnh ban hành tại Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 3995/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành kịch bản phòng, chống DTLCP; Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 08/10/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP; Công điện số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020, Chỉ thị 8634 CT-BNN-TY ngày 09/12/2020 của Bộ NN&PTNT về kiểm soát, phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò và các văn bản hướng dẫn chuyên môn của ngành thú y.

Trong đó lưu ý: Khẩn trương kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; lập các đoàn kiểm tra liên ngành, các chốt kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển tại các trục giao thông chính; thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi và khu vực liên quan đảm bảo yêu cầu, tần suất theo quy định; khoanh vùng, giám sát chặt chẽ tình hình để phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh;

Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; thống kê đầy đủ, chính xác số lượng vật nuôi bị thiệt hại kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ để khôi phục sản xuất; báo cáo tình hình, diễn biến, công tác phòng, chống dịch bệnh hằng ngày gửi Sở NN&PTNT (trước 16h30) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Hà Tĩnh ban hành công điện chỉ đạo tăng cường phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi

Cán bộ thú y xã hướng dẫn người dân xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) các biện pháp cơ bản chăm sóc đàn bò trong mùa đông.

Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã:

Chủ động nắm bắt thông tin, tình hình dịch bệnh, diễn biến thời tiết để hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; đồng thời tham mưu, chuẩn bị các loại vật tư, hóa chất, dụng cụ đảm bảo phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức theo dõi, kiểm tra công tác tổ chức, thực hiện tại các địa phương, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, bổ cứu kịp thời.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng các bản tin dự báo thời tiết; phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền, phổ biến quy trình kỹ thuật, biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên vật nuôi để người dân biết, thực hiện hiệu quả.

Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, chính quyền các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nội dung công điện này.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast