Hàng loạt lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung sắp "phá sản"!

(Baohatinh.vn) - Trên địa bàn Hương Khê hiện có 3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhưng cả 3 đều đang lâm vào tình cảnh “sống dở, chết dở”. Thực trạng này khiến các chủ cơ sở phải đề xuất với chính quyền xin đóng cửa để chuyển hướng khác.

Vắng vẻ, đìu hiu là hình ảnh thường ngày của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thôn 2, xã Phúc Đồng. Đảm nhận việc giết mổ cho 7 xã vùng hạ Hương Khê, có công suất trên 50 con gia súc một ngày đêm, nhưng gần một năm đi vào hoạt động, bình quân mỗi ngày, cơ sở này chỉ giết mổ 1 - 2 con gia súc trên địa bàn xã Phúc Đồng. Đặc biệt, những ngày gần đây, lò mổ này hoàn toàn đóng cửa vì không có người đưa gia súc vào giết mổ.

hang loat lo giet mo gia suc gia cam tap trung sap pha san
hang loat lo giet mo gia suc gia cam tap trung sap pha san

Nhiều lò mổ ở huyện Hương Khê đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

“Không chỉ ngày thường, mà kể cả dịp tết Đinh Dậu vừa rồi, lò mổ cũng không hề có một con gia súc nào bên ngoài được đưa vào giết mổ. Và không chỉ đau đầu với khoản lỗ do vay vốn đầu tư, hằng ngày, ít nhất cũng phải có 1 người túc trực, trông coi, dọn dẹp lò mổ nên càng đội thêm chi phí. “Bỏ tiếc, mò sâu”, hiện gia đình chưa biết tính toán giải quyết như thế nào”, anh Nguyễn Quang Hà - chủ cơ sở giết mổ xã Phúc Đồng buồn rầu cho biết.

Cơ sở giết mổ gia súc ở xã Phúc Trạch - điểm giết mổ tập trung của 6 xã vùng thượng huyện Hương Khê có công suất khoảng 70 con gia súc/ngày đêm. Nằm ở vị trí thuận lợi, ngay cạnh đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng mỗi ngày, cơ sở này cũng chỉ giết mổ được 3 - 4 con gia súc, bằng một phần rất nhỏ so với công suất thiết kế. Nếu tính tổng chi phí: điện nước, nhiên liệu; tiền thuê nhân công; tiền phí lăn dấu thú y…, thì chủ cơ sở sẽ bị lỗ nặng, mặc dù cố gắng cầm cự nhưng rất khó để duy trì hoạt động lâu dài.

hang loat lo giet mo gia suc gia cam tap trung sap pha san

Lò đun nước và các vật dụng phục vụ giết mổ vứt chỏng chơ, lộn xộn do không thường xuyên làm việc.

Chị Cao Thị Minh Hợi - chủ cơ sở giết mổ xã Phúc Trạch cho biết: “Gọi là lò giết mổ tập trung cho 6 xã vùng thượng Hương Khê, nhưng thực chất chỉ có các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Phúc Trạch tham gia. Nếu tiếp tục tình trạng này thì chúng tôi phải đề xuất với chính quyền, xin đóng cửa cơ sở để chuyển hướng làm ăn khác”.

Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê thừa nhận, trong thời gian qua, công tác quản lý về giết mổ; đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường của huyện Hương Khê còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt; chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo của ngành chuyên môn và của huyện; có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý. Một số cán bộ chuyên môn cấp huyện chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong bám sát cơ sở để chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại các xã, thị trấn chưa được thường xuyên, liên tục và hiệu quả…

Việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm tăng cường công tác quản lý giết mổ, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Để phát huy tác dụng của các cơ sở này, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chỉ sử dụng sản phẩm thịt đã được kiểm soát giết mổ. Đồng thời, yêu cầu người hành nghề kinh doanh, giết mổ phải ký cam kết và nghiêm chỉnh chấp hành việc giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast