Thực phẩm “bẩn” tràn trên bàn nhậu!

(Baohatinh.vn) - Hàng loạt vụ việc đuôi, chân trâu, bò, mỡ động vật thối, phụ gia chế biến chứa chất cấm, kinh doanh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)... vừa bị cơ quan chức năng Hà Tĩnh phát hiện khiến người dân không khỏi hoang mang. Chưa bao giờ, câu chuyện thực phẩm “bẩn” trên bàn nhậu lại “nóng” như hiện nay, trong khi công tác quản lý dịch vụ ăn uống lại đang bộc lộ quá nhiều “lỗ hổng”...

Vi phạm tràn lan

Ngày 27/5, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Tĩnh bắt 102 kg đuôi, chân trâu, bò đã bốc mùi hôi thối tại quán bún Phương Huế (thôn Tân Phú, xã Thạch Trung). Ngày 3/7, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã bắt giữ 100 kg da và gân bò không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Bến xe Hà Tĩnh.

thuc pham ban tran tren ban nhau
thuc pham ban tran tren ban nhau

Công an TP Hà Tĩnh bắt quả tang 102 kg đuôi và chân trâu bò đã bốc mùi hôi thối tại quán bún Phương Huế ở thôn Tân Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh.

Trong các ngày 12 - 14/7, Chi cục ATVSTP tiến hành kiểm tra, phát hiện 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Hương Khê sử dụng hóa chất không có trong danh mục cho phép dùng trong chế biến thực phẩm. Tiếp đó, ngày 21/7, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Hà Tĩnh phát hiện tại nhà bà Võ Thị Hường (xóm Nam Quang, xã Thạch Trung) đang tổ chức sơ chế, chuẩn bị đưa đi tiêu thụ hơn 2.000 kg mỡ động vật đã bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bám đầy bên ngoài…

Nếu không bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ, trên 100 kg đuôi, chân trâu, bò thối đang bắt đầu phân hủy sẽ được “phù phép” thành những món nhậu thơm ngon; 2.000 kg mỡ động vật thối cũng sẽ được bán cho các nhà hàng, quán ăn... Đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong câu chuyện thực phẩm “bẩn” tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Tĩnh nói riêng và cả tỉnh nói chung hiện nay.

Quán ăn Phương Huế nay đã được đổi tên thành Cố đô Huế. Khoác lên mình “chiếc áo mới”, thay tên quán, chủ cửa hàng Phương Huế (cũ) lại tiếp tục hoạt động kinh doanh ăn uống như thường. Và thực khách vẫn vào ra nườm nượp mà không hề hay biết đến vụ việc vi phạm vừa qua.

Ông Nguyễn Trường Sinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh cho biết: “Gần đây, nổi lên nhiều vụ việc vi phạm ATVSTP khiến người dân hoang mang, lo lắng nên chúng tôi đã tăng cường công tác kiểm tra. Theo đó, những lỗi mà các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thường vi phạm là sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã quá thời hạn; sử dụng người thuộc diện phải tập huấn kiến thức ATTP theo quy định mà không có giấy xác nhận kiến thức ATTP; không thực hiện lưu mẫu theo quy định...”.

Nhiều “lỗ hổng” trong quản lý

Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với cơ quan chức năng. Anh Nguyễn Thanh Ba - Trưởng khoa ATVSTP, Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Kỳ Anh cho biết: “Thực phẩm trong các nhà hàng, quán ăn thường được mua nhỏ lẻ tại các hộ chăn nuôi hoặc các hộ kinh doanh gia súc, gia cầm ở chợ, ven đường... Với nguồn thực phẩm này đều chưa qua kiểm dịch và cơ bản là không đảm bảo ATVSTP”.

thuc pham ban tran tren ban nhau

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản - thủy sản Hà Tĩnh và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phát hiện hơn 100 kg thịt, xương, mỡ lợn bốc mùi hôi thối giữa chợ Hà Tĩnh

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Kỳ Anh, toàn thị xã hiện có khoảng 450 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có gần 20 cơ sở do người nước ngoài làm chủ. Với các cơ sở do người nước ngoài làm chủ, thực phẩm (nhất là phụ gia) thường được mang từ nước họ sang theo đường xách tay, rất khó kiểm soát.

“Quán Tứ Xuyên ở thị xã Kỳ Anh có ông chủ là người Trung Quốc nên vài tuần hoặc một tháng, ông ta lại về nước một lần rồi mang nguyên liệu sang. Ngoài phụ gia, những thực phẩm như: thịt gà, cá, nội tạng... cũng được chuyển từ các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc về” – chị H. từng là nhân viên quán Tứ Xuyên cho hay.

Khảo sát tại nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố, phóng viên ghi nhận tình trạng nhiều cơ sở vi phạm quy trình chế biến một chiều. Như quán ăn của chị Th. (phường Trần Phú), chỉ với không gian vỏn vẹn 25 m2, chị Th. kinh doanh từ bún, xôi, bánh mướt đến bánh bèo, chè thập cẩm, nước mía... Mọi quy trình chế biến từ thực phẩm sống đến chín đều diễn ra ở khoang bếp hết sức chật chội và có phần nhếch nhác.

Chị Th. lý giải: “Quy định nguyên tắc một chiều trong kinh doanh ăn uống là phải bảo đảm đầy đủ khu vực chứa, rửa nguyên liệu; khu vực sơ chế; khu nấu nướng và phân loại thức ăn... theo hệ thống. Thực phẩm đã chế biến xong thì không quay lại khu vực sơ chế nhưng do không gian chật hẹp nên chúng tôi không thể thực hiện như quy định. Còn thuê mặt bằng rộng hơn thì kinh phí hạn hẹp”.

Trên thực tế, các vụ việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm “bẩn” bị phát giác thời gian qua đều chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Chế tài xử phạt quá nhẹ như hiện nay dường như chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các đối tượng vi phạm. Trong lúc chờ cơ quan chức năng siết chặt quản lý, chờ chủ các nhà hàng, quán ăn thực hiện đúng quy định của Nhà nước, kinh doanh có lương tâm thì thực phẩm “bẩn” vẫn xuất hiện hàng ngày trên bàn nhậu, và người tiêu dùng vẫn bị “đầu độc” mà không hề hay biết.

Ông Nguyễn Trường Sinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:

Toàn tỉnh hiện có 2.715 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh. Theo quy định, cơ sở muốn kinh doanh dịch vụ ăn uống phải được cấp giấy chứng nhận ATVSTP thì mới được hoạt động… Nhưng, tình trạng chung hiện nay là chưa làm thủ tục nhưng đã kinh doanh theo kiểu “vừa hành quân, vừa xếp hàng”. Ngoài ra, còn có những trường hợp giấy phép kinh doanh hết hạn nhưng vẫn hoạt động gây khó khăn cho công tác quản lý VSATTP.

Ông Lê Xuân Hạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hà Tĩnh:

Đối với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, quán ăn trên địa bàn, ngành Thuế cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình quản lý và truy thu. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, thu thuế đối với các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố được hơn 575 triệu đồng. Trong khi đó, số hộ kinh doanh lĩnh vực này nợ thuế 3 tháng trở lên hơn 287 triệu đồng. Thực tế, nợ đọng từ các hộ kinh doanh ăn uống rất khó thu vì khi kinh doanh không thuận lợi, cơ sở chuyển hình thức kinh doanh, chuyển địa điểm... rất khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Đình Khoa – Đội trưởng Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT:

Việc phát hiện các xe vận chuyển thực phẩm bẩn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin phát giác, số lượng nhỏ lẻ, vận chuyển chủ yếu vào 2-3h sáng... Để ngăn chặn các vụ vi phạm thực phẩm “bẩn”, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Không chỉ riêng lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở nếu phát hiện vụ việc vi phạm cũng có quyền xử lý. Đặc biệt, mỗi người dân nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm, cần chủ động báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast