“Xắn tay” trồng lại hơn 555 ha cam già cỗi ở Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Nông dân huyện miền núi Vũ Quang đang tập trung trồng thay thế các diện tích cam bị già cỗi, thoái hoá do tuổi đời lâu năm để tiếp tục duy trì sự phát triển của “thủ phủ” cam Hà Tĩnh.

Đầu năm 2005, ông Đoàn Quốc Hoài (thôn 1, xã Quang Thọ) bắt tay vào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bằng việc trồng cam trên diện tích hơn 3 ha với hơn 1.500 gốc. Đến nay, vườn cam của ông đã có dấu hiệu già cỗi, năng suất kém.

“Xắn tay” trồng lại hơn 555 ha cam già cỗi ở Vũ Quang

Từ đầu năm nay, ông Đoàn Quốc Hoài đã đầu tư gần 80 triệu đồng để cải tạo đất, “xoá bỏ” gần 500 gốc cam già cỗi với diện tích gần 1 ha để trồng thay thế.

Ông Hoài cho biết: “Sau thời gian dài cho thu hoạch, vườn cam của gia đình nhiều cây đã bị thoái hoá gốc, cành và bộ rễ không còn phát triển khoẻ mạnh như trước, năng suất quả vì thế giảm hẳn. Để bảo toàn năng suất, chất lượng quả và thu nhập cho gia đình ở những mùa tới, từ đầu năm nay, tôi đã đầu tư gần 80 triệu đồng để cải tạo đất, trồng thay thế gần 500 gốc cam không đạt chất lượng với diện tích gần 1 ha".

“Xắn tay” trồng lại hơn 555 ha cam già cỗi ở Vũ Quang

Việc thay thế các diện tích cam già cỗi, thoái hoá giúp gia đình ông Hoài bảo toàn được năng suất trong những năm tới.

Cũng theo ông Hoài, dù gia đình đã chăm sóc cam theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình VietGap, tuổi thọ cam được nâng lên nhưng theo thời gian, việc thoái hóa là không tránh khỏi. Vì thế, việc thay thế các gốc cam có tuổi đời trên 15 năm là điều cần thiết, giúp bảo toàn năng suất, chất lượng quả.

Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ thông tin: “Toàn xã hiện có gần 130/390ha cam già cỗi, thoái hoá. Từ đầu năm, bà con trên địa bàn đã chủ động làm đất, trồng thay thế các diện tích cam không còn khả năng khai thác quả. Đồng hành với bà con, địa phương đã chỉ đạo ngành chuyên môn xuống các hộ có vườn cam lâu năm hướng dẫn trồng mới các diện tích cần thay thế; đồng thời, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ để tăng tuổi thọ, chất lượng cho cây”.

Xã Thọ Điền là địa phương có diện tích cam bị già cỗi, thoái hoá nhiều nhất huyện Vũ Quang với hơn 162 ha trong tổng số 490 ha cam hiện có. Thời điểm này, bà con nơi đây cũng đang tập trung trồng mới các diện tích này để bảo toàn năng suất ở những năm tới.

“Xắn tay” trồng lại hơn 555 ha cam già cỗi ở Vũ Quang

Gia đình bà Lê Thị Bích Lương (thôn Hoa Thị, xã Thọ Điền) hiện có hơn 1 ha cam bù bị già cỗi, thoái hoá cần trồng mới kịp thời.

Bà Lê Thị Bích Lương (thôn Hoa Thị, xã Thọ Điền) cho biết: “Gia đình tôi trồng 2 ha cam bù, sau gần 15 năm khai thác, đến nay, hơn một nửa diện tích đã bị già cỗi. Nếu như trước đây, mỗi vụ cho thu hoạch gần 17 tấn quả thì 2 năm trở lại đây, năng suất đã giảm một nửa, thu nhập vì thế cũng giảm sút. Hiện gia đình đang tập trung nhân lực chặt bỏ những cây không còn khả năng sinh trưởng, đồng thời kết hợp cải tạo đất, đào hố để trồng mới thay thế. Là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của gia đình nên chúng tôi rất quan tâm đến việc thay các gốc già cỗi, quá lứa để “hồi sinh” vườn cam”.

“Xắn tay” trồng lại hơn 555 ha cam già cỗi ở Vũ Quang

Theo bà Lương, để đảm bảo năng suất, chất lượng của cây cam thì người trồng phải đặc biệt quan tâm nguồn giống.

Theo bà Lương, sản xuất cây ăn quả có múi nói chung và cây cam nói riêng tại xã Thọ Điền đang là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất, chất lượng của cây cam thì người trồng phải đặc biệt quan tâm nguồn giống, việc đầu tư chăm sóc và khai thác đảm bảo kỹ thuật, hợp lý hơn.

“Xắn tay” trồng lại hơn 555 ha cam già cỗi ở Vũ Quang

Huyện Vũ Quang đã có nhiều nỗ lực trong ngăn chặn thoái hóa giống cam như bảo tồn nguồn gen, bình tuyển các giống cam sạch sâu bệnh.

Ông Phan Xuân Nam - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 555 ha cam bị già cỗi, thoái hoá (chiếm hơn 19% tổng diện tích cam), tập trung ở các xã Thọ Điền (162 ha), Quang Thọ (129 ha); Đức Bồng (109 ha)... Đây đều là những diện tích có tuổi đời trên 15 năm cần được trồng mới. Địa phương đã rà soát và nắm số liệu cam bị già cỗi, thoái hoá ở từng xã và cắt cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống hướng dẫn, đốc thúc bà con kịp thời trồng thay thế bằng các giống chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã trồng mới gần 100 ha. Bà con các địa phương vẫn đang tích cực làm đất để trồng mới khi thời tiết thuận lợi.

“Những năm qua, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong ngăn chặn thoái hóa giống cam như bảo tồn nguồn gen, bình tuyển các giống cam sạch sâu bệnh; chuyển giao tiến bộ KHKT cho người trồng cam, nhờ đó, năng suất và chất lượng cam luôn được giữ vững” - ông Nam cho biết thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast