Nữ bệnh nhân ở Vũ Quang bị ngừng tim vì uống nhầm rễ cây lá ngón

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Chống độc của bệnh viện mới tiếp nhận 1 trường hợp nữ bệnh nhân tên T.T.T (46 tuổi, ở Vũ Quang, Hà Tĩnh) ngộ độc rễ cây lá ngón rất nguy kịch.

Trước đó, khoảng 6h30 ngày 4/7, bệnh nhân T uống 500-600ml nước thuốc sắc từ rễ cây phơi khô (dân địa phương thường gọi là rễ cây cóc). Sau uống 10 phút, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng méo miệng, mệt lả.

Bệnh nhân được người nhà đưa vào trạm y tế xã, sau đó chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Vũ Quang. Trong khoảng 15 phút trên đường di chuyển đến bệnh viện, ý thức bệnh nhân giảm dần, gọi hỏi không đáp ứng.

Tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Quang, bệnh nhân được xử trí đặt ống nội khí quản, truyền dịch, sau đó tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Bệnh nhân T.T.T điều trị tại Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Mai
Bệnh nhân T.T.T điều trị tại Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Mai

Trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, kéo dài 5-10 phút, tím tái. Bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng ngừng tuần hoàn, được các bác sĩ xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Sau 15 phút bệnh nhân có mạch trở lại. Tuy nhiên, sau đó 10 phút, bệnh nhân tiếp tục ngừng tuần hoàn lần thứ 2. Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân, sau 3 phút, bệnh nhân có mạch trở lại.

Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê.

Theo người nhà bệnh nhân T., có 3 người cùng uống nước thuốc sắc từ rễ cây cóc phơi khô vào buổi tối trước ngày bệnh nhân T. sử dụng, cùng với mục đích giúp ngủ ngon. 3 người này cũng có biểu hiện chóng mặt, mệt lả, nhưng rất may không biến chứng nặng.

Cây lá ngón rất dễ nhầm với cây khác

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Tiến Dũng – Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân T nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Sau khi làm các kiểm tra và xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ngộ độc cây lá ngón.

"Rễ cây lá ngón chứa lượng độc tố cao nhất so với các bộ phận khác của cây. Ngay khi ăn vào miệng, chất độc sẽ gây đau, rát, buốt miệng, sau đó xuống dạ dày làm bỏng, co thắt dạ dày, bỏng đường tiêu hóa, gây nôn… Sau đó chất độc ngấm vào máu, đến thần kinh, thân não, tủy sống sẽ gây kích thích khiến bệnh nhân co giật, co thắt cơ trơn gây nôn và sau đó sẽ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời", TS.BS Nguyễn Tiến Dũng thông tin.

Loại rễ cây bệnh nhân sắc uống. Ảnh: BVCC.
Loại rễ cây bệnh nhân sắc uống. Ảnh: BVCC.

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, ngộ độc cây lá ngón xảy ra trong thời gian rất nhanh. Nhiều trường hợp bệnh nhân không qua khỏi dù đã được đưa đến các cơ sở y tế.

"Trừ những trường hợp sử dụng một lượng rất nhỏ thì có thể qua khỏi nếu được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân T nêu trên đã uống một lượng lớn nước của rễ cây lá ngón – nơi chứa nhiều độc tố nhất, mà không hề hay biết vì có thể đã nhầm với rễ cây cóc. Hiện bệnh nhân tiên lượng rất xấu", TS.BS Nguyễn Tiến Dũng nói thêm.

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên ăn, uống những loại cây mà không rõ về tên gọi và không biết có chứa độc tính hay không. Sẽ rất rủi ro nếu không may ăn hoặc uống phải những loại cây có chứa độc tố. Khi phát hiện người bị ngộ độc, người dân cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, không nên tự ý chữa bệnh bằng các loại cây thuốc không được kiểm chứng.

suckhoedoisong.vn

Đọc thêm

Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo gì về bệnh bạch hầu?

Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo gì về bệnh bạch hầu?

Điểm nguy hiểm của bệnh là tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao...
Sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm

Sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm

Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 9 ca mắc sốt xuất huyết. Dù chưa xuất hiện ổ dịch, song ngành y tế khuyến cáo người dân không chủ quan vì dịch có thể xuất hiện quanh năm.
Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về sàng lọc sơ sinh

Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về sàng lọc sơ sinh

Sàng lọc sơ sinh sẽ giúp sớm phát hiện bệnh cho trẻ để điều trị kịp thời, do đó, việc tuyên truyền thực hiện vấn đề này theo cơ chế xã hội hóa ở Hà Tĩnh cần được triển khai quyết liệt hơn nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Hy vọng mới cho bệnh nhân đa u tủy xương tại Việt Nam

Hy vọng mới cho bệnh nhân đa u tủy xương tại Việt Nam

Theo giới chuyên gia, việc điều trị đa u tủy xương trên thế giới đã có tín hiệu lạc quan với sự ra đời của nhiều loại thuốc mới, trong đó có những phác đồ đường uống hiệu quả, an toàn và thuận tiện.