Chia sẻ yêu thương để nhân lên hạnh phúc

(Baohatinh.vn) - Chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay tiếp tục là “Yêu thương và chia sẻ” bởi đó chính là cốt lõi dẫn đến hạnh phúc của mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Và, thật may mắn khi trong cuộc sống này, vẫn có rất nhiều người âm thầm chia sẻ yêu thương để nhân lên hạnh phúc cho muôn người.

Chia sẻ yêu thương để nhân lên hạnh phúc

Hiến máu cứu người từ lâu đã trở thành hành động thường xuyên của tuổi trẻ

Thời gian gần đây, phong trào làm từ thiện diễn ra khá sôi nổi ở Hà Tĩnh. Bằng nhiều cách khác nhau, nhiều cá nhân, tổ chức đã giúp đỡ rất nhiều mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Những người làm từ thiện có thể là người giàu cũng có thể là người đang nghèo, có thể là người lành lặn cũng có thể là người tàn tật. Người từ thiện bằng vật chất, người từ thiện bằng cách truyền ý chí, nghị lực, tinh thần. Bằng cách nào đi nữa họ cũng đã góp phần làm cho xã hội này ngày càng hạnh phúc.

Đã từng được người thân, bạn bè giành lại sự sống từ tay tử thần, cô giáo Trần Thị Thảo (Trường THCS Mỹ - Châu, Lộc Hà) luôn cảm nhận rất rõ giá trị của sự chia sẻ. Năm 2012, sau một tai nạn giao thông, khi các bác sỹ gần như đã bó tay thì hàng chục người thân, bạn bè xếp hàng đòi phải cứu chị bằng được. Và, từng người, từng người một đã lần lượt vào tiếp máu để chị được duy trì sự sống, kịp ra Hà Nội cấp cứu. Từ đó, chị Thảo luôn hàm ơn cuộc sống và canh cánh một nỗi, làm sao để trả nghĩa cuộc đời.

Chia sẻ yêu thương để nhân lên hạnh phúc

Chị Thảo (người thứ hai bên phải sang) cùng bạn bè trong một chuyến thiện nguyện ở Làng trẻ SOS

Chị Thảo vẫn luôn tin rằng, tất cả mọi gặp gỡ ở đời đều bắt nguồn từ chữ duyên. Việc chị làm thiện nguyện cũng khởi đầu từ một mối duyên gặp gỡ. Ấy là năm 2014, khi về nhà mẹ đẻ ở thôn Thái Hòa, xã Phù Lưu (Lộc Hà) để tĩnh dưỡng, chị đã được nghe câu chuyện về gia đình chị Hồng - một người phụ nữ bị điên trong xóm. Tuy bị bệnh nhưng chị Hồng hết mực yêu thương mẹ, bảo vệ mẹ bằng cách nhốt bà cụ Tứ trong một căn buồng kín và hàng ngày mang theo đứa con ra chợ xin ăn. Mỗi lần xin được cái gì thì chị đều cất dành mang về cho mẹ. Lúc bấy giờ, chẳng ai dám đến gần căn nhà của chị vì sợ chị cầm dao chém.

Nghe câu chuyện đó, chị Thảo không cầm lòng được, đành mạnh dạn rủ thêm vài người nữa đến nhà chị Hồng. “Thật may, khi tôi đến thì chị Hồng vẫn nhận ra tôi là người hay cho chị ấy quần áo nên không đánh đuổi tôi đi. Biết bà cụ Tứ bị chị Hồng nhốt trong một căn phòng, biệt lập với thế giới bên ngoài, tôi quá đau xót nên viết một vài cảm nhận trên facebook. Cộng đồng mạng hết sức quan tâm, nhiều người đã liên hệ với tôi để giúp đỡ vật chất cho gia đình chị Hồng”.

Chia sẻ yêu thương để nhân lên hạnh phúc

Các nhóm thiện nguyện trong một chuyến tình nguyện cắt tóc cho trẻ em làng SOS

Sau này, khi nhận ra những chia sẻ về vật chất không thể cứu rỗi được 3 cuộc đời ấy, chị Thảo đã lặn lội, kết nối với nhiều tấm lòng thiện nguyện khác để giải phóng họ khỏi thế giới biệt lập ấy.

Giờ đây, bà cụ Tứ đã được nhận vào Trung tâm Bảo trợ tỉnh, cu Tèo - con trai chị Hồng được vào Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, với tên khai sinh là Trần Quốc Nam và hiện đang học Trường Tiểu học Thạch Trung (TP Hà Tĩnh). Còn chị Hồng thì được đưa vào Trung tâm Tâm thần huyện Cẩm Xuyên.

Với chị Thảo, đó là một trong những câu chuyện đáng nhớ. Và câu chuyện đó cũng đưa chị đến những mối quan hệ khác mà ở đó, chị được đồng hành, chia sẻ khó khăn với rất nhiều những mảnh đời khó khăn khác.

Chia sẻ yêu thương để nhân lên hạnh phúc

Anh Võ Văn Ninh (bên phải) trong một lần hiến máu tình nguyện

Mỗi ngày, cuộc sống vẫn trôi đi với muôn vàn niềm vui, nỗi buồn. Dòng chảy đó ngày càng trong trẻo, nhân văn hơn khi có rất nhiều người mải miết gieo mầm thiện. Họ là những bà mẹ ở làng trẻ SOS, những điều dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, những y, bác sỹ ở Bệnh viện Tâm thần, là những thanh niên luôn sẵn sàng hiến máu… Họ làm tất cả vì tình thương yêu và mong muốn được sẻ chia, được nhân lên tình thương yêu đó.

Anh Võ Văn Ninh - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh - người đã trải qua 19 lần hiến máu cho biết: “Khi tôi không có tiền, tôi có thể chia sẻ chút sức khỏe của mình cho cộng đồng. Tôi nghĩ, đó là việc thiện mà bất kỳ một thanh niên khỏe mạnh nào cũng nên làm”.

Hạnh phúc tuy không có mẫu số chung nhưng cho đi là con đường nhiều người lựa chọn để mang đến hạnh phúc cho nhiều người và cho cả chính mình. Yêu thương cho đi là yêu thương được nhân lên, là yêu thương còn mãi trong đời sống.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast