Chuyện tình của người thương binh Hà Tĩnh qua những bức thư thời chiến

(Baohatinh.vn) - Dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng Đại úy Trần Dân - nguyên cán bộ Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, hiện sống ở thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh) vẫn lưu giữ những bức thư tình thời chiến giữa ông và người vợ của mình.

Video: Ông Trần Dân đọc lại bức thư viết và gửi cho bà Trần Thị Hồng vào tháng 5/1975.

Những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà Đại úy Trần Dân (thương binh hạng 3/4, hiện sống ở thị trấn Đức Thọ) tham gia đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng những dòng thư ông viết cho người yêu, sau này là vợ - bà Trần Thị Hồng vẫn còn tha thiết. Đó là minh chứng cho tình yêu sắt son giữa người lính quân giải phóng và người con gái nơi quê nhà.

Bức thư của ông Dân gửi bà Hồng vào tháng 5/1975, sau khi miền Nam vừa giải phóng có đoạn: “Hồng em ơi! Yêu em nên anh có tấm lòng yêu quê hương tha thiết. Từ em đã làm cho anh có một bản lĩnh vượt qua bao khó khăn gian khổ trong đấu tranh quyết liệt với quân thù... Hồng! em thương! Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng nhưng nhiệm vụ của chúng ta vẫn còn nhiều. Em phải xác định rằng, anh có thể phải xa em 5-6 năm nữa, thì liệu em có chờ đợi được anh không?”.

Chuyện tình của người thương binh Hà Tĩnh qua những bức thư thời chiến

Đại úy Trần Dân cùng bức ảnh kỷ niệm do phóng viên nước ngoài chụp xe tăng của đơn vị ông có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Đại úy Trần Dân (SN 1955) ở xã Thọ Điền (Vũ Quang), hiện sống tại thị trấn Đức Thọ. Tháng 12/1974, ông nhập ngũ và tham gia huấn luyện gần 1 tháng tại Đoàn 22 (ở Hương Sơn), sau đó được biên chế vào Trung đoàn 273, Sư đoàn 341. Đầu tháng 1/1975, khi đang tập kết ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), đơn vị ông được lệnh tiến thẳng vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Với khẩu hiệu “đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng”, ông và tất cả cán bộ, chiến sỹ của toàn sư đoàn đều mang quyết tâm cao độ cho những cuộc chiến đấu sẽ diễn ra.

Sau khi vào Nam chiến đấu, Sư đoàn 341 liên tiếp lập nhiều chiến công, góp phần cùng các đơn vị khác giải phóng các địa bàn Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương), thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai)... Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 - 30/4/1975), Sư đoàn 341 đã chiến đấu anh dũng cùng với Quân đoàn 4 hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, góp phần giải phóng Sài Gòn. Đại úy Trần Dân là 1 trong những người lính của Sư đoàn 341 có mặt tại Dinh Độc Lập vào chiều ngày 30/4/1975.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại úy Trần Dân cùng đơn vị ở lại làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn. Năm 1977, ông cùng đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.

Vào tháng 7/1978, trong một trận đánh đối đầu với địch tại Thạch Động (Hà Tiên), ông bị thương ở đầu và được chuyển ra hậu phương điều trị. Sau khi hồi phục, ông tiếp tục trở lại đơn vị. Tháng 3/1981, Đại úy Trần Dân cùng đơn vị chuyển về Thanh Hóa. Năm 1983, ông về công tác tại Ban CHQS huyện Hương Sơn, đến năm 1990 thì phục viên trở về địa phương.

Chuyện tình của người thương binh Hà Tĩnh qua những bức thư thời chiến

Đại úy Trần Dân và vợ là bà Trần Thị Hồng.

Với 16 năm cống hiến trong quân ngũ, trong đó 7 năm liên tục tham gia chiến đấu trên các chiến trường, Đại úy Trần Dân đã giành nhiều chiến công cũng như cống hiến một phần xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Một trong những động lực giúp ông vượt lên muôn vàn khó khăn để lập nên những chiến công đó là tình yêu dành cho người con gái nơi quê nhà”.

Cùng quê ở xã Sơn Thọ (Hương Sơn), nay là xã Thọ Điền (Vũ Quang), ông Trần Dân và bà Trần Thị Hồng (SN 1957) quen nhau khi cả hai vừa học xong cấp ba phổ thông và đang là xã viên của HTX trồng chè Sơn Thọ. Khi tình yêu vừa chớm nở, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Dân lên đường chiến đấu.

Ông Dân kể: “Lúc đó, mỗi người lính ra chiến trường đều mang theo tâm thế sẵn sàng chiến đấu, có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Bởi vậy, dù chiến tranh bom đạn, việc liên lạc rất khó khăn nhưng tôi vẫn tranh thủ những lúc im tiếng súng hoặc nghỉ ngơi sau những chuyến hành quân để viết thư cho cô ấy. Cũng từ những lá thư hồi đáp, tôi có thêm động lực, sức mạnh để cùng đồng đội chiến đấu mạnh mẽ trước quân thù”.

Chuyện tình của người thương binh Hà Tĩnh qua những bức thư thời chiến

Những bức thư của ông Trần Dân được gửi từ chiến trường cho bà Trần Thị Hồng, trong giai đoạn từ đầu năm 1975 đến năm 1981.

Bà Trần Thị Hồng hồi tưởng: “Thời điểm đó, thư về từ chiến trường quý giá hơn bất cứ thứ gì. Chiến tranh ác liệt, còn điều gì hơn khi biết người mình yêu đang bình an. Để anh yên tâm, tôi cũng kịp thời biên thư kể rõ tình hình ở nhà”.

Cùng với hàng chục bức thư được viết và gửi từ cách đây hơn 40 năm ghi rõ những địa danh như: Vĩnh Linh, ngày 3/2/1975; Sài Gòn ngày 7/5/1975; Châu Đốc, 25/8/1978; Thủ Đức, 25/3/1980… không chỉ đã thể hiện những bước quân hành mà còn mang theo tình yêu và nỗi nhớ của người lính Trần Dân.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, vì thế, những lá thư cũng có lúc bị gián đoạn nhưng chính điều đó lại khiến họ có thêm những kỷ niệm sâu sắc về tình yêu của mình. Chuyện bà nhớ nhất là cuối năm 1975, khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng được một thời gian nhưng ông Dân vẫn bặt tin tức. Lúc đó, bà Hồng đã tìm hỏi khắp nơi nhưng không có tin tức gì. Cho đến một ngày, bà nhận được lá thư ông gửi bà trước đó cả mấy tháng trời mới yên tâm.

Chuyện tình của người thương binh Hà Tĩnh qua những bức thư thời chiến

Vượt qua năm tháng chiến tranh, mối tình đẹp của Đại úy Trần Dân và bà Trần Thị Hồng đã đơm hoa kết trái. Trong ảnh: Ông Dân và bà Hồng chụp ảnh cùng con cháu.

Bà Hồng kể: “Tháng 2/1978, sau hơn 3 năm đi chiến đấu, anh ấy mới được về phép lần đầu tiên, chúng tôi tổ chức cưới. Được hơn 1 tháng thì hai vợ chồng lại xa nhau nhưng cho đến gần 1 năm sau, tôi hoàn toàn bặt tin tức không nhận được bất kỳ lá thư hay lời nhắn gì của chồng. Mãi cho đến cuối năm 1979, thứ tôi nhận được là một chiếc ba lô chứa tư trang của anh do một người lính là đồng hương đưa về. Tôi đã ngã quỵ khi thấy giấy tờ của chồng, những bức thư của mình gửi anh nằm trong đó”.

Dù không có giấy báo tử và người lính đồng hương nói là thấy ba lô của người quen thì đưa về chứ không khẳng định điều gì, bà Hồng vẫn nghĩ ông Dân đã hy sinh. Tuyệt vọng, bà ốm nằm liệt giường, đầu rụng hết tóc. Thương con dâu, bố chồng nói với bà: “Cha biết con đau khổ nhưng con đau, cha mẹ cũng đau lắm. Con ạ! còn chút hy vọng mình cũng đừng mất niềm tin, phải sống để chờ đợi...”. Lời nói của bố chồng giúp bà gượng dậy, cùng lúc đó thì nhận được tin ông còn sống, vừa từ chiến trường được điều về TP Hồ Chí Minh để tham gia học tại Trường Quân chính. Được sự cho phép của đơn vị, bà Hồng khăn gói vào Nam để thăm chồng. Gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, ông mới kể cho bà biết việc mình bị thương, sau khi hồi phục lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đặc biệt buộc phải bỏ lại toàn bộ giấy tờ, tư trang để vào chiến trường. Đó cũng là lý do không thể viết thư về nhà.

Chiến tranh kết thúc, vợ chồng đoàn tụ, ông Trần Dân và bà Trần Thị Hồng có với nhau 4 người con (3 trai, 1 gái). Đến nay, cả 4 người con đều đã trưởng thành. Sau khi nghỉ chế độ, cả hai vợ chồng chuyển từ Hương Sơn đến thị trấn Đức Thọ sinh sống và tập trung kinh doanh. Đến nay, dù tuổi cao, sức khỏe yếu do di chứng từ những vết thương cũ thỉnh thoảng tái phát nhưng thương binh Trần Dân vẫn cùng vợ mình dành thời gian liên lạc kết nối với các đồng đội cũ trong đơn vị để đóng góp, giúp đỡ những đồng đội còn khó khăn.

Chuyện tình của người thương binh Hà Tĩnh qua những bức thư thời chiến

Đến nay, vợ chồng ông Dân và bà Hồng vẫn luôn hạnh phúc bên nhau và dành thời gian quan tâm đến những đồng đội cũ có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ.

“Dù thời gian đã lâu, thiên tai lũ lụt nhiều lần ảnh hưởng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng cất giữ những bức thư này. Bởi với vợ chồng tôi, nó là tài sản quý giá để kể cho con cháu nghe câu chuyện của mình, ghi nhớ ký ức không thể nào quên những năm tháng chiến tranh, đồng thời nhắc nhở thế hệ sau biết trân trọng giá trị của cuộc sống hôm nay” - bà Trần Thị Hồng chia sẻ.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast