“Làn gió mới” trong các chương trình nghệ thuật truyền thống ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức các chương trình biểu diễn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản văn hóa quê hương.

“Làn gió mới” trong các chương trình nghệ thuật truyền thống ở Hà Tĩnh

Trích đoạn trong chương trình nghệ thuật “Kẻ sỹ đất La Sơn” kỷ niệm 300 năm Ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dàn dựng.

Trong năm 2023, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) Hà Tĩnh đã dàn dựng hàng chục chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện quan trọng của tỉnh như: Lễ kỷ niệm năm sinh các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp; 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 55 năm ngày hy sinh của 10 nữ liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, kỷ niệm 55 năm Chiến tích Làng K130 (13/8/1968 - 13/8/2023); kỷ niệm 245 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Công Trứ; Hà Tĩnh chào năm mới 2024...

Các chương trình của nhà hát dàn dựng biểu diễn đều gây được sự chú ý lớn, lan tỏa rộng rãi các thông điệp về văn hóa, con người Hà Tĩnh, cũng như nâng cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản dân ca ví, giặm trong các tầng lớp nhân dân.

Chị Phạm Thị Hương (43 tuổi, quê ở Can Lộc, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Theo dõi các chương trình nghệ thuật của Nhà hát NTTT Hà Tĩnh gần đây trên sóng truyền hình và internet, tôi cảm thấy hiểu hơn và thêm tự hào về văn hóa quê hương, nhất là thêm yêu dân ca ví, giặm quê mình”.

“Làn gió mới” trong các chương trình nghệ thuật truyền thống ở Hà Tĩnh

Tổ khúc dân ca ví, giặm “Rạng ngời đất học Trường Lưu" trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm năm sinh các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023.

Để có được những kết quả đó, thời gian qua, Nhà hát NTTT Hà Tĩnh đã không ngừng làm mới nội dung, hình thức thể hiện các chương trình, bắt kịp xu thế nghệ thuật biểu diễn hiện đại.

"Theo cách làm cũ, các chương trình nghệ thuật được dàn dựng chia làm 2 mảng tách biệt là dân gian và hiện đại. Vì vậy, chương trình thiên về tính hàn lâm, khá cứng, người xem có thể biết trước ý đồ biên đạo, thiếu tính giải trí, hấp dẫn khán giả...

Từ năm 2023, chúng tôi mạnh dạn đổi mới bằng cách sử dụng thủ pháp đưa hơi thở đương đại vào múa dân gian, kết hợp làm mới các hoạt cảnh dân ca ví, giặm, tạo không khí để các nghệ sỹ, diễn viên thể hiện tốt hình tượng nhân vật cho vở diễn, trích đoạn. Đồng thời, chú trọng đầu tư cho phần âm nhạc, phục trang, ánh sáng sân khấu... Qua đó tăng sức hấp dẫn cho các tiết mục, giúp việc truyền tải tốt các thông điệp, chủ đề của chương trình", Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Cẩm - Giám đốc Nhà hát NTTT Hà Tĩnh cho biết.

“Làn gió mới” trong các chương trình nghệ thuật truyền thống ở Hà Tĩnh

Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật "Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm” do Nhà hát NTTT Hà Tĩnh dàn dựng.

Những chương trình thành công nhờ sử dụng thủ pháp mới trong dàn dựng của nhà hát phải kể đến như: Kỷ niệm các danh nhân, di sản văn hóa làng Trường Lưu, “Kẻ sỹ đất La Sơn” về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, “Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm”, 245 năm Ngày sinh Nguyễn Công Trứ...

Nghệ sỹ Hữu Thể - diễn viên Nhà hát NTTT Hà Tĩnh, bày tỏ: "Hướng đi của Ban Giám đốc Nhà hát trong việc đổi mới nội dung, hình thức thể hiện đã truyền cho đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên chúng tôi nhiều cảm hứng sáng tạo trong quá trình biểu diễn. Nhờ đó, năm 2023 tôi đã có nhiều vai diễn được khán giả yêu quý".

“Làn gió mới” trong các chương trình nghệ thuật truyền thống ở Hà Tĩnh

Nghệ sỹ Hữu Thể - diễn viên Nhà hát NTTT Hà Tĩnh.

Là người đảm nhận phần âm nhạc cho hầu hết các chương trình của Nhà hát NTTT Hà Tĩnh, nhạc sỹ Quốc Dũng cho biết: "Đối với mỗi chương trình, sau khi lên kịch bản, tôi đều trăn trở tìm tòi cách thể hiện âm nhạc để làm thế nào kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Cái khó trong việc đưa “hơi thở đương đại” vào chương trình chủ đạo về nghệ thuật truyền thống chính là làm mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt âm nhạc dân gian, cụ thể là không gian của dân ca ví, giặm. May mắn là sau những thử nghiệm, các chương trình do nhà hát dàn dựng đã mang lại thành công nhất định, được đông đảo khán giả đón nhận, nhất là khán giả trẻ".

Những ngày này, khi mà tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã cận kề, tập thể cán bộ, nghệ sỹ Nhà hát NTTT Hà Tĩnh đang tất bật với việc tập luyện nhiều chương trình nghệ thuật để phục vụ đồng bào, chiến sỹ khắp mọi miền như: “Xuân biên cương - Ấm lòng dân bản”, “Xuân quê hương Hà Tĩnh”, “Mừng Đảng, Mừng xuân Giáp Thìn 2024”...

Năm 2024, nhà hát cũng đã lên kế hoạch thực hiện nhiều chương trình như: Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú, 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, xây dựng chương trình tham dự liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc...

“Làn gió mới” trong các chương trình nghệ thuật truyền thống ở Hà Tĩnh

Ông Trần Xuân Lương - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trao bằng khen của Bộ VH-TT&DL cho lãnh đạo Nhà hát NTTT Hà Tĩnh.

Video: Tiết mục trong chương trình "Xuân biên cương - Ấm lòng dân bản"

Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Nhà hát NTTT Hà Tĩnh thời gian qua. Trong điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực còn nhiều khó khăn nhưng tập thể cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên nhà hát đã luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn.

Đặc biệt nhà hát đã có nhiều sáng tạo đổi mới trong dàn dựng các chương trình, mang lại làn gió mới trong biểu diễn nghệ thuật và bảo tồn dân ca ví, giặm, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả trong bối cảnh mới. Qua đó tăng hiệu quả trong truyền tải thông điệp, lan tỏa và khơi dậy các giá trị di sản văn hóa quê hương trong đời sống.

Ông Trần Xuân Lương
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh

Chủ đề Nghệ thuật biểu diễn

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.