Nhạc sỹ Quốc Nam - “điệu ví theo anh về mãi mãi”

(Baohatinh.vn) - Một ngày trong tiết lập đông, tôi nhận được tin nhạc sĩ Quốc Nam đi xa mà nghe bâng khuâng. Con người ấy, cách đây không lâu, vừa đạp xe sang Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh trêu đùa chúng tôi, ồn ã và náo nhiệt thế, vậy mà...

Quốc Nam là người hào sảng và vô tư vô cùng. Anh sinh năm 1952 tại miền quê nghèo Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Từ nhỏ, cậu bé Trần Quốc Nam đã sớm bộc lộ nhiều năng khiếu âm nhạc và các loại nhạc cụ. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh, anh về làm việc ở Đoàn Ca múa nhạc - kịch Hà Tĩnh (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống) cho đến khi nghỉ hưu.

Nhạc sỹ Quốc Nam - “điệu ví theo anh về mãi mãi”

Nhạc sỹ Quốc Nam vẫn thường hay tự biểu diễn ca khúc của mình. Ảnh từ facebook nhân vật.

Nhạc sĩ Quốc Nam là Ủy viên BCH Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh; hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Trưởng Ban chuyên ngành âm nhạc Hà Tĩnh; Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hà Tĩnh; Nguyên Trưởng Đoàn Ca múa nhạc - kịch Hà Tĩnh…

Trong suốt 42 năm hoạt động và cống hiến không ngừng nghỉ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, nhạc sỹ, nghệ sĩ ưu tú Quốc Nam đã giành nhiều giải thưởng các kỳ hội diễn sân khấu, liên hoan âm nhạc chuyên nghiệp, nhiều giải thưởng quốc gia, khu vực…

Anh là chỉ huy, dàn đựng, chỉ đạo nghệ thuật nhiều vở diễn cải lương, dân ca Nghệ Tĩnh: Dòng suối trắng, Hai phương trời thương nhớ, Hoàng tử biển, Tô Ánh Nguyệt, Tống Trân Cúc Hoa, Chiếc va ly số 6, Tiếng hát tình yêu, Cô gái Phù Tang, Thạch Sanh, Kim Vân Kiều, Nàng Mai tế chồng, Người trong kỳ vọng, Hoa khôi dạy chồng...; là chỉ đạo nghệ thuật các chương trình ca múa nhạc như: Người hát dặm ca trù, Thương nhau tìm về, Âm vang miền non nước…

Anh còn là tác giả nhiều ca khúc tiêu biểu như: Những ngôi sao (lời thơ Xuân Hoài), Hương quê, Hà Tĩnh sáng mãi niềm tin, Ngày ấy, Người con sông La, Lẽ nào quên em (lời thơ Phạm Tiến Duật), Mùa xuân về với Hương Khê (lời thơ Đặng Quốc Vinh), Suối Tiên (lời thơ Xuân Hoài), Điệu ví giặm là em (lời thơ Lê Văn)...

Tài năng là thế, nổi tiếng là thế, nhưng với chúng tôi, anh vẫn luôn xem mình như một người đàn anh, là cây tấu hài làm cho mọi chuyến đi của chúng tôi trở nên vui nhộn.

Nhạc sỹ Quốc Nam - “điệu ví theo anh về mãi mãi”

Nhạc sỹ Quốc Nam (thứ 3 từ phải sang) tại Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh tư liệu

Tôi quen anh Quốc Nam từ hồi còn bé xíu. Gọi là anh nhưng nhạc sĩ còn hơn tuổi của ba tôi. Sau này về hội, gặp anh nhiều, đôi khi anh còn mày tao cá mè một lứa với lũ con gái văn phòng hội đến nỗi lâu không thấy anh sang là cả đám lại nhắc anh như thiêu thiếu một điều gì.

Trong một lần đi thực tế ở bản làng dân tộc Chứt (Hương Khê) đường đi xóc, có khi anh em tôi cứ nẩy tưng tưng lên, đầu chạm nóc xe, chúng tôi kêu oai oái, còn anh thì cười:

- Ta chừ mà có cánh như chuồn chuồn bay hè?

- Ì, khi nớ ta bay vèo vèo.

Tôi bắt đầu hú họa theo anh. Chúng tôi cứ thế nghĩ mình là con chuồn bay từng đàn băng qua ráng chiều, qua bao bụi cây, bao cánh đồng và cả dòng sông nữa… cho đến khi anh cười:

- Tê mà không được mô. Ta mà bay ri thì cái biển bán phở bên đường phải lật ngửa lên mới thấy được.

Cả đám lại cười. Con đường đi nhờ thế mà cũng bớt gian nan…

Nhạc sỹ Quốc Nam - “điệu ví theo anh về mãi mãi”

Nhạc sỹ Quốc Nam trong một lần đi thực tế tại Vũ Quang cùng các hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh. Ảnh từ facebook nhân vật.

Cũng lần đi đó, anh nói với tôi về sáng tác, về âm hưởng dân ca trong âm nhạc. Tôi mù mờ đôi câu ba điều nhưng thỉnh thoảng lại nói những câu diễn giải về âm nhạc. Anh khoái lắm. Anh kể nhiều về thời còn là nhạc công, chỉ huy dàn nhạc rồi quản lý Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh, những lần đưa đoàn nghệ thuật đi biểu diễn ở các tỉnh xa, ra cả nước ngoài... giọng xứ Nghệ đã làm bao Kiều bào xa quê rưng rưng.

Sau cùng anh mở cho tôi nghe một đoạn bài hát: "Rồi một chiều chợt nhớ quê hương/ Nghe em hát dân ca xứ Nghệ/ Câu hát ru như một thời thuở bé/ Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa/ Điệu ví quê hương giữa bộn bề bận rộn/ Đất quê mình còn nghèo lắm người ơi/ Sao điệu ví nghĩa tình đến thế/ Nao nao lòng đứa con ở nơi xa”.

Rồi anh hỏi:

- Được không?

- Được, của ai?

- Thằng ni sáng tác cũng được nhưng hắn xấu tính lắm.

- Cái mặt không chơi được à?

- Ừ!

Nhạc sỹ Quốc Nam - “điệu ví theo anh về mãi mãi”

Nhạc sỹ Quốc Nam trong một lần biểu diễn tại Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh.

Anh nói thế rồi quay đi mặc cho tôi băn khoăn tự vấn mình, tôi không nghĩ một bài hát thiết tha đến thế lại là của một kẻ... xấu tính không chơi được nhưng đành im lặng. Chỉ đến khi người ta giới thiệu ca khúc “Điệu ví dặm là em” do tác giả tự đàn và hát mộc, tôi mới biết anh đùa tôi.

Con người đó không hề đề cao mình, anh giản dị như chính những ca từ trong ca khúc của anh vậy. Ca khúc đó sau này được đông đảo khán giả trong và ngoài nước biết đến và Nhạc sĩ Quốc Nam được xem là người lưu giữ bức tranh quê xứ Nghệ bằng âm nhạc, người làm “sống dậy hồn quê”…

Quốc Nam là thế, không nặng nề bất cứ điều gì, anh luôn dành cho chúng tôi tình cảm của một người anh mà bao dung độ lượng đến độ xuề xòa, nhất là với phụ nữ, anh rất bao dung. Có lẽ vì thế mà trong những ca khúc của anh, phụ nữ luôn luôn có dáng vẻ yếu đuối dịu dàng, đủ để thương nhớ, đủ để níu kéo, đủ để thiết tha như điệu hò ví giặm.

Tôi thích anh tự đàn và hát trong những chương trình gọn gàng và giản dị của Hội Liên hiệp VHNT. Giọng anh khàn và rung. Lòng người nhạc sĩ thả hồn theo ca khúc của mình, lang thang theo những kiếp người đầy xúc cảm. Lúc đó, cả phòng như lắng lại, bồi hồi. Tôi đã lặng lẽ ghi lại những hình ảnh đó, hình ảnh đẹp nhất của người nghệ sĩ khi được cống hiến và sáng tạo.

Cách đây non 4 tháng, tôi nhận được điện thoại của Quốc Nam. Giọng anh hồ hởi:

- Nga, chỉ cho anh hồ sen nơi em chụp ảnh. Anh muốn đi tìm một số ngoại cảnh để chụp ảnh và làm phim ca nhạc.

- Sen cuối mùa rồi…

- Cuối mùa có vẻ đẹp của cuối mùa.

...

Suốt đoạn đường về nhà, tôi đã dừng thật lâu trước đầm sen tôi đã chỉ cho anh. Không biết anh Quốc Nam có kịp ghi lại những hình ảnh những bông sen cuối mùa ấy cho làn điệu dân ca sắp được anh đầu tư dàn dựng không nhưng nghĩ đến đây thì tôi đã không cầm được nước mắt. Tôi nghĩ đến sự đột ngột của anh - sự đột ngột của làn điệu dân ca bắt đầu tái sinh trong cõi vĩnh hằng…

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống