Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tôi muốn gọi những cô giáo ở Trường Mầm non Sơn Hồng (Hương Sơn - Hà Tĩnh) là những người “gieo chữ trên mây” bởi ở xã vùng biên này, về mùa đông, mây mù thường xuyên giăng kín...

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Các giáo viên Trường Mầm non Sơn Hồng đến trường làm công tác vệ sinh trường lớp trước giờ đón trẻ.

Theo quốc lộ 8, từ TX Hồng Lĩnh, tôi ngược ngàn về xã vùng biên Sơn Hồng trong một sáng mùa đông khi miền Trung vừa trải qua đợt gió mùa Đông Bắc. Từ cầu Hà Tân bắc qua sông Ngàn Phố, nơi chỉ cách vùng biên ải không xa, lối rẽ về Tây Lĩnh Hồng với con đường uốn lượn, sương mù đang dần tan dưới ánh mặt trời. Phải mất chừng 16-17 km, tôi mới đến được điểm dừng chân trong chuyến hành trình - điểm chính Trường Mầm non Sơn Hồng.

6h30’ sáng, trường vẫn chưa mở cửa chính nhưng tiếng trò chuyện lẫn tiếng chổi sàn sạt của các giáo viên đã vang lên từ phía trong ngôi trường. Tranh thủ thời gian trước giờ đón trẻ, các cô giáo chia nhau từng phần việc, người quét dọn, vệ sinh lớp học, người tưới rau, sửa soạn phòng ăn…

Dừng nhát chổi sau khi nhóm đống lá bàng đỏ úa rụng trên sân trường, cô Phạm Thị Châu (SN 1967) cho biết: “Theo quy định, 7h20’, chúng tôi mới bắt đầu đón trẻ nhưng thường 6h, các cô đã có mặt để làm công tác vệ sinh trường lớp chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để bắt đầu ngày học mới”.

Vào nghề từ năm 1985, đến nay, cô Châu đã có 37 năm “gieo chữ” tại ngôi trường vùng biên này. Dù cuộc sống có lúc gặp khó khăn, cơ cực, thiếu thốn đủ bề, chồng mất sớm phải một mình nuôi dạy 3 đứa con thơ nhưng không phút giây nào cô Châu hết lòng yêu trẻ hay sao nhãng với công việc của mình.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Với 35 năm trong nghề dạy trẻ, cô Phạm Thị Châu là một trong những giáo viên có thâm niên công tác lâu nhất ở Trường Mầm non Sơn Hồng.

Việc đón trẻ bắt đầu sau khi các cô hoàn tất công việc vệ sinh trường lớp. Không giống với khung cảnh ở miền xuôi, đôi khi phụ huynh còn nấn ná, dỗ dành các con, phụ huynh miền núi đa phần đều làm rừng, rẫy nên vội vàng giao con cho các cô xong lại tất bật quay xe lên đường đi làm. Do vậy, các cô trở thành người mẹ thứ 2 thực sự chăm sóc các bé trong ngày.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Giờ đón trẻ ở Trường Mầm non Sơn Hồng.

Chị Nguyễn Thị Loan (thôn 9, xã Sơn Hồng) cho biết: “Vợ chồng tôi làm nghề bóc vỏ keo tràm, suốt ngày ở trong rừng nên việc chăm sóc, dạy dỗ con đều trông cậy vào các cô. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng gửi con mình cho nhà trường”.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Với sự ân cần của cô giáo, phụ huynh yên yâm, tin tưởng gửi con cho nhà trường.

Giờ học bắt đầu với màn tập thể dục buổi sáng của học sinh 3 khối lớp với 70 học sinh (Trường Mầm non Sơn Hồng có 2 điểm với 160 học sinh, trong đó điểm chính 70 cháu, điểm 2 cách đó khoảng 2 km có 90 cháu). Trong tiếng nhạc thiếu nhi sôi động phát ra từ chiếc loa thùng di động, các cô đứng thành hàng phía trước tập mẫu để các cháu làm theo. Dù sắp đến tuổi về hưu nhưng cô Phạm Thị Châu vẫn cố gắng bắt nhịp cùng các giáo viên trẻ với những động tác mềm dẻo cùng nét mặt vui tươi.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh
Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Giờ khởi động đầu buổi học sôi nổi, vui tươi của cô trò Trường Mầm non Sơn Hồng.

Sau màn thể dục, học sinh bắt đầu vào lớp. Đây cũng là khoảng thời gian cô nuôi bắt đầu tất bật với công việc nấu nướng phục vụ ăn trưa cho các cháu. Đối với những trường vùng đô thị hoặc đồng bằng, công việc phục vụ bữa ăn bán trú của các cháu khá thuận lợi nhưng ở Trường Mầm non Sơn Hồng, đó là cả một vấn đề.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Giờ học tại lớp 5 tuổi của cô Đào Thị Bình

Cô Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1984) cho biết: “Khoảng cách từ điểm trường tới chợ gần nhất là 25 km, còn đến thị trấn Phố Châu thì mất tầm 40 km. Vì vậy, chúng tôi phải lên thực đơn ngay từ những ngày cuối tuần và lên phương án đặt mua những người cung cấp để đảm bảo có hàng đạt chất lượng”.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Các cô tăng gia sản xuất bằng việc chăm sóc vườn rau.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Cô nuôi Nguyễn Thị Nguyệt hái rau trong vườn trường chuẩn bị bữa trưa cho bé.

Theo cô Nguyệt, nhà trường thường đặt mua các loại thực phẩm như thịt bò, hải sản từ chợ thị trấn Phố Châu, còn các loại như gà, lợn… thì trong xã cũng có người giết mổ đem bán nên dễ hơn. Về rau xanh, để đảm bảo nguồn cung sạch, an toàn, các cô tự tăng gia sản xuất trong vườn trường. Đó cũng là lý do cô Nguyệt và đồng nghiệp thường đến trường sớm và về muộn để chăm sóc cho vườn rau của mình.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Nhà trường luôn chú trọng an toàn thực phẩm khi thực hiện bữa ăn cho trẻ bán trú.

Theo lịch hằng ngày, giờ ăn trưa của các cháu sẽ bắt đầu lúc 10h30“đến 11h30”. Dù ở vùng sâu, vùng xa nhưng bữa ăn của các cháu luôn được các cô nuôi chăm chút, đầy đủ dinh dưỡng. Sau mỗi bữa ăn, thực phẩm mẫu được đóng hộp niêm phong, lưu giữ cẩn thận.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Mẫu thức ăn hằng ngày được lưu niêm phong cẩn thận.

Giờ ăn diễn ra với không khí ân cần, các giáo viên như người mẹ quan tâm từng cháu, đối với những cháu lười ăn, các cô động viên ân cần, những cháu còn nhỏ chưa tự xúc các cô sẽ trực tiếp bón cho ăn.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Bữa ăn ấm áp dưới bàn tay ân cần của các cô giáo.

Kết thúc giờ ăn, trẻ sẽ được thư giãn, nghỉ ngơi 30 phút trước, sau đó vào giờ ngủ trưa. Đây cũng là thời gian các cô dùng bữa.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Niềm vui trước giờ ngủ trưa của các bé Trường Mầm non Sơn Hồng.

Tranh thủ ăn cơm tại lớp khi các cháu ngủ, cô Đào Thị Bình (SN 1985) cho biết: “Việc vừa ăn trưa vội vàng vừa canh cháu ngủ tại lớp là chuyện hằng ngày đối với giáo viên mầm non chúng tôi. Bởi các cháu còn nhỏ, mình không thể lơ là dù chỉ giây phút. Với nhiều người đây là công việc vất vả nhưng với chúng tôi đó là trách nhiệm và tình yêu với công việc của mình”.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Tranh thủ vừa ăn cơm trưa vừa trông trẻ ngủ là việc diễn ra hằng ngày của các cô giáo Trường Mầm non Sơn Hồng.

Ngoài ăn cơm tại lớp, giờ nghỉ trưa, các giáo viên Trường Mầm non Sơn Hồng cũng bận bịu với các công việc như: làm đồ chơi, mô hình… phục vụ cho việc dạy học. Đó còn là thời gian để ban giám hiệu hội ý với giáo viên về kế hoạch hoạt động của trường.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Các cô giáo tranh thủ hội ý trong giờ nghỉ trưa.

Cô Trần Thị Sự - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Hồng cho biết: “Trường hiện có 20 cán bộ, giáo viên: 13 giáo viên đứng lớp, 3 cán bộ quản lý, 3 nhân viên nuôi dưỡng và 1 kế toán. Trường có 2 điểm nằm cách nhau khoảng 2 km, năm học 2022-2023 có 160 học sinh thuộc 3 khối lớp.

Dù nằm trên địa bàn xã vùng biên còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu nghề, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn nỗ lực vươn lên, nhiều năm liền đạt và giữ vững trường chuẩn quốc gia mức độ 1, có nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh và đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”.

Video: Cô Trần Thị Sự - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Hồng chia sẻ về hoạt động của trường

Sau thời gian nghỉ trưa, các cô thức cháu dậy lúc 14h để bắt đầu vào buổi học chiều và kết thúc vào khoảng 16h15’. Giờ học ở Trường Mầm non Sơn Hồng kết thúc sớm hơn ở những vùng khác, đặc biệt là vào mùa đông. Bởi thời điểm này sương mù đã bắt đầu bủa vây những con đường làng xã biên giới.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Giao trẻ cho phụ huynh đón con về nhà cũng là lúc các cô chuẩn bị kết thúc một ngày làm việc.

Sau khi giao học sinh cho bố mẹ, ông bà, các cô lại tất bật dọn dẹp bàn ghế, chăn màn… để chuẩn bị cho ngày học tiếp theo. Trong 20 cán bộ, giáo viên, người có nhà xa điểm trường nhất là cô Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Hiệu trưởng nhà trường. Gia đình ở xã Sơn Kim 1, cách trường khoảng hơn 20 km đường núi nhưng lúc nào cô cũng đến sớm, về muộn cùng đồng nghiệp.

Tạm biệt các giáo viên Trường Mầm non Sơn Hồng khi mây mù bắt đầu giăng mắc trên những con đường vùng quê miền biên giới, đâu đó trong những ngôi nhà dân ánh đèn đã bật sáng, trong tôi dâng lên những cảm xúc bồi hồi.

Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh

Chiều mùa đông, sương xuống nhanh trên những nẻo đường xã miền núi Hương Sơn.

Nghĩ về những người giáo viên đang ngày đêm miệt mài “gieo chữ” ở ngôi trường vùng biên Tổ quốc, trong tâm tưởng tôi, giai điệu ca khúc “Bài ca người giáo viên nhân dân” của nhạc sỹ Hoàng Vân vang lên: Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/ Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/ Có những bài ca nghe rạo rực lòng người/ Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em, người giáo viên nhân dân… Và tôi nghĩ, những cô giáo “gieo chữ trên mây” ở trường mầm non vùng biên Sơn Hồng xứng đáng với những lời ca ấy - những người giáo viên Nhân dân.

  • Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh
    Vinh quang sứ mệnh “trồng người” (bài 2): “Người mẹ” của học sinh ở những vùng ...

    “Hạnh phúc nhất trong cuộc đời nhà giáo là được chứng kiến các thế hệ học sinh trưởng thành, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn. Không có gì ý nghĩa hơn khi đã ra trường rất lâu, các em vẫn trở về và gọi tôi tiếng “mẹ” trìu mến, thân thương”, gắn bó với nghề bằng tâm niệm đó, cô Lê Thị Thanh Loan - giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Tân Vịnh (Lộc Hà) đã trở thành người mẹ thứ hai của học trò nghèo ở những vùng quê còn nhiều gian khó.

  • Những người “gieo chữ trên mây” ở xã vùng biên Hà Tĩnh
    Nỗ lực “trồng người” trên vùng đất khó ở Can Lộc

    Từ đơn vị yếu kém, trong 5 năm trở lại đây, Trường Tiểu học Hà Tông Mục đã vươn lên thành một trong những đơn vị dẫn đầu bậc giáo dục tiểu học của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Đó là thành quả chung của nhà trường, phụ huynh, học sinh và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Chủ đề NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast